Tập thể thao có tính chất khiêu dâm: Khó mà phạt được!

ANTD.VN - Nghị định 46/2019/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể thao (sau đây gọi tắt là Nghị định 46) có hiệu lực thi hành từ hôm nay 1-8-2019, trong đó quy định mức phạt tiền đối với hành vi tập thể thao mang tính chất khiêu dâm, đồi trụy, kích động bạo lực.

Nghị định 46 gồm 4 chương, 31 điều, quy định về hành vi vi phạm, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính; thẩm quyền xử phạt và thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể thao.

Chưa rõ tiêu chuẩn xác định thế nào là tập thể thao mang tính chất khiêu dâm, đồi trụy, kích động bảo lực (Trong ảnh: VĐV khiêu vũ thể thao đang biểu diễn)

Tập thể thao thế nào để không "khiêu dâm", "bạo lực"

Đáng chú ý, Điều 7 của Nghị định quy định: Phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với hành vi sử dụng các bài tập, môn thể thao hoặc các phương pháp tập luyện, thi đấu thể thao mang tính chất khiêu dâm, đồi trụy, kích động bạo lực, trái với đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục và bản sắc văn hóa dân tộc của Việt Nam.

Hiện có nhiều ý kiến, bao gồm cả trong giới VĐV bày tỏ băn khoăn về quy định này, bởi chưa rõ như thế nào thì bị cho là "mang tính chất khiêu dâm, đồi trụy, kích động bạo lực".

Một nữ VĐV môn khiêu vũ thể thao (xin giấu tên) cho biết các bài biểu diễn của môn này thường mang tính chất phô diễn vẻ đẹp hình thể, nhiều động tác gợi cảm, khỏe khoắn và cả tình tứ, lãng mạn giữa nam VĐV và nữ VĐV theo chủ đề bài biểu diễn...

"Trang phục hay một số động tác trong khiêu vũ thể thao với nhiều người chỉ đơn thuần là vẻ đẹp hình thể, nhưng cũng có thể bị quy là khiêu dâm nếu không hiểu đúng bản chất", nữ VĐV này cho hay.

Các VĐV ở một số môn thường xuyên sử dụng cơ bắp như thể dụng dụng cụ, thể hình, vật... cũng chung niềm băn khoăn về tiêu chuẩn để xác định bài tập, động tác thế nào thì mang tính chất kích động bảo lực !?

Theo Nghị định 46, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL chịu trách nhiệm về việc tổ chức thi hành. Được biết, trong đó bao gồm việc ra các thông tư hướng dẫn để các đối tượng liên quan có căn cứ áp dụng.

Chửi tục khi tham gia thể thao bị phạt tiền 15-20 triệu đồng

Nghị định 46 cũng quy định, VĐV sử dụng chất kích thích (doping) trong danh mục bị cấm sẽ bị phạt tiền từ 5-10 triệu đồng, hủy kết quả thi đấu, đình chỉ thi đấu từ 1-3 tháng. Hành vi bao che, tổ chức cho VĐV sử dụng doping bị phạt tiền từ 15-20 triệu đồng.

Về các hành vi gian lận, Nghị định 46 quy định mức phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với hành vi gian lận về tên, tuổi, giới tính, thành tích để được tuyển chọn vào đội tuyển thể thao, trường năng khiếu thể thao hoặc tham gia thi đấu thể thao; phạt 10-15 triệu đồng đối với hành vi bao che, dụ dỗ, ép buộc người khác gian lận. Hành vi làm sai lệch kết quả thi đấu thể thao sẽ bị phạt từ 15-20 triệu đồng.

Phạt tiền từ 15-20 triệu đồng đối với hành vi chửi bới, lăng mạ, xúc phạm nhân phẩm, danh dự; đe dọa xâm phạm sức khỏe, tính mạng; phản ứng không phù hợp với đạo đức, thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa Việt Nam khi tham gia hoạt động thể thao.

Phạt tiền từ 20-25 triệu đồng đối với một trong các hành vi cố ý gây chấn thương, chơi thô bạo gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người khác trong tập luyện, thi đấu thể thao, nặng hơn có thể bị đình chỉ thi đấu 3-6 tháng.

"Bắt quả tang để lập biên bản rất khó"

Sáng 1-8, thông tin thêm về quy định phạt tiền với hành vi tập thể thao mang tính chất khiêu dâm, đồi trụy, ông Phạm Xuân Phúc – Phó Chánh thanh tra Bộ VH-TT&DL, cho biết thời gian qua có một số hoạt động thể thao bị biến tướng, vi phạm thuần phong mỹ tục như yoga khỏa thân.

Hay với môn dance sports (khiêu vũ thể thao), một vài nơi VĐV biểu diễn có trang phục phản cảm, động tác biến tấu, không phù hợp nên ban soạn thảo luật đã quy định trong Nghị định mới để khi phát hiện, cơ quan chức năng có cơ sở xử lý.

Đánh giá Nghị định 46 có nhiều quy định xử phạt mang tính răn đe, song Phó Chánh thanh tra Bộ VH-TT&DL cũng thừa nhận một số quy định thực sự rất khó quy định chi tiết.

“Tôi ví dụ ăn mặc mang tính chất khiêu dâm, nếu quy định chi tiết thì khi xử phạt thì chúng tôi phải… đo quần áo dài ngắn đúng quy định hay không, như vậy rất là khó, cũng như xử phạt hành chính trong bạo lực gia đình, muốn phạt phải bắt quả tang, lập biên bản, chụp ảnh hiện trường nhưng người bị hại thường có cho chụp đâu”, ông Phạm Xuân Phúc nói.