Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri quận Ba Đình

Tạo phong trào toàn dân bàn việc nước

ANTĐ - Chiều 28-6, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIII và các ĐBQH đơn vị bầu cử số 1, TP Hà Nội đã tiếp xúc cử tri quận Ba Đình, báo cáo kết quả kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XIII. 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri quận Ba Đình (Hà Nội)

Báo cáo kết quả kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XIII Đại tá Lê Hiền Vân, Phó chính ủy Bộ Tư lệnh Thủ đô – ĐBQH TP Hà Nội khóa XIII đã tóm tắt nội dung kỳ họp. Quốc hội đã cho ý kiến đánh giá, bổ sung báo cáo của Chính phủ về thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2012 và 4 tháng đầu năm 2013; phê duyệt, bổ sung kết quả kiểm toán ngân sách nhà nước năm 2012 và tình hình 4 tháng đầu năm 2013; thông qua 9 dự luật và nghị quyết quan trọng; thực hiện chất vấn với 4 vị Bộ trưởng, trưởng ngành. Đặc biệt, Quốc hội đã thực hiện lấy phiếu tín nhiệm với 47/49 chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Tại buổi tiếp xúc, các cử tri cũng được nghe ĐBQH TP Hà Nội báo cáo tổng hợp trả lời của các bộ, ban, ngành và thành phố về các nội dung mà cử tri TP Hà Nội đã hỏi, chất vấn tại cuộc tiếp xúc ĐBQH kỳ trước.

Các cử tri quận Ba Đình bày tỏ quan điểm nhất trí cao với những kết quả mà kỳ họp thứ năm đã đạt được. Bên cạnh đó, cử tri cũng trao đổi, chất vấn thêm về nhiều vấn đề mà nhân dân, cử tri quan tâm từ trước nhưng trong kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XIII chưa được trả lời hoặc giải quyết thỏa đáng. Một số cử tri cho rằng, tại phiên chất vấn kỳ họp thứ năm, các vị Bộ trưởng, trưởng ngành trả lời chất vấn còn nặng về vĩ mô, chung chung. Cử tri Trần Toại (phường Cống Vị) cho rằng việc lấy phiếu tín nhiệm đưa ra 3 mức: tín nhiệm, tín nhiệm cao, tín nhiệm thấp là chưa thỏa đáng mà chỉ nên chọn 2 mức cao và thấp, hoặc tín nhiệm hay không tín nhiệm. Cử tri Võ Trọng Hốt (phường Trúc Bạch) góp ý vào vấn đề sửa đổi Hiến pháp, thay đổi tên nước... Mặt khác, các cử tri cũng đề cập đến những vấn đề liên quan đến công tác quản lý nhà nước trên địa bàn. 

Thay mặt đoàn ĐBQH TP Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp thu những ý kiến, kiến nghị của cử tri quận Ba Đình và cho biết sẽ phản ánh lại với Quốc hội để hoạt động của Quốc hội hiệu quả hơn, đồng thời sẽ đề nghị các cơ quan có liên quan xem xét giải quyết những thắc mắc, kiến nghị tâm huyết, xác đáng của cử tri. Về những vấn đề cụ thể tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đồng tình với nhiều ý kiến cử tri cho rằng, kỳ họp thứ 5 vừa qua thực sự là một bước tiến mới về dân chủ của nước ta. Đây là kỳ họp có số buổi làm việc được truyền hình trực tiếp nhiều nhất từ trước đến nay, không những tạo được không khí dân chủ trong toàn Đảng, Quốc hội mà còn tạo được phong trào toàn dân bàn việc nước. Tuy vậy, cũng có những vấn đề mà tại kỳ họp chưa giải quyết ngay được, có những vấn đề mà chúng ta phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm.

Trao đổi về một số nội dung quan trọng xung quanh ý kiến của cử tri quận Ba Đình, theo Tổng Bí thư, hoạt động lấy ý kiến vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp vừa qua thể hiện tính dân chủ, là cách làm mới, một việc làm chưa từng có trong lịch sử và đã thu hút được 26 triệu lượt ý kiến đóng góp. Về vấn đề sửa đổi tên nước, Tổng Bí thư chia sẻ việc Quốc hội không đồng ý với phương án đổi tên nước không phải là Quốc hội phủ nhận tên cũ và vai trò của quốc hiệu Việt Nam Dân chủ Công hòa trong một giai đoạn lịch sử của dân tộc, mà  nguyên nhân là cần phải cân nhắc thêm xem điều này có thực sự cần thiết, chưa kể việc nếu thay đổi tên nước lúc này sẽ kéo theo rất nhiều vấn đề phức tạp.

Với kiến nghị của cử tri liên quan đến việc để 3 mức đánh giá khi lấy phiếu tín nhiệm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, cần phân biệt rõ giữa lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm. Theo đó, lấy phiếu tín nhiệm là thăm dò ý kiến dư luận để xem cán bộ có được tín nhiệm của dân hay không, nếu chưa được hoặc được tín nhiệm ở mức thấp thì phải tự chấn chỉnh mình. Cách làm này không phải là thủ thuật “làm cho hòa cả làng” hay “dĩ hòa vi quý” mà là một kênh quan trọng để đánh giá năng lực cán bộ, để răn đe, phòng ngừa, cảnh báo, chấn chỉnh cán bộ. Khi cán bộ không biết sửa chữa, 2 năm liền mức phiếu tín nhiệm thấp thì lúc đó sẽ đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm. Còn tại sao những cán bộ có số phiếu tín nhiệm thấp đều tập trung ở các vị trí quan trọng, Tổng Bí thư cho rằng điều này là dễ hiểu vì các vị trí then chốt thì công việc cũng áp lực hơn, lĩnh vực quản lý dễ nảy sinh nhiều bức xúc hơn. Chưa kể cán bộ càng hăng hái, càng làm nhiều thì đương nhiên không tránh khỏi có sai sót, hạn chế.  

Tại buổi làm việc, Tổng Bí thư cũng trao đổi và chia sẻ để cử tri hiểu thêm và tin tưởng vào công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, vấn đề thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, công tác xây dựng Đảng…