Tạo động lực để nữ phạm nhân cải tạo tốt

ANTD.VN - Trao đổi về việc Dự thảo Thông tư “Quy định việc phạm nhân gặp thân nhân” có bổ sung điểm mới là nữ phạm nhân được gặp chồng tại phòng riêng, Thiếu tướng   Trần Thế Quân, Phó Cục trưởng Cục Pháp chế - Bộ Công an cho biết, mục đích của việc này nhằm tạo động lực để phạm nhân cải tạo tốt hơn.

Tạo động lực để nữ phạm nhân cải tạo tốt ảnh 1

Phạm nhân nữ nếu cải tạo tốt sẽ có cơ hội được gặp chồng tại phòng riêng

Thể hiện tính nhân văn

Dự thảo Thông tư “Quy định việc phạm nhân gặp thân nhân; nhận, gửi thư; nhận tiền, đồ vật và liên lạc điện thoại với thân nhân”, vừa được Bộ Công an công bố để lấy ý kiến đóng góp.

Cụ thể, tại mục 3, Điều 5 Dự thảo quy định: “Thân nhân là vợ (hoặc chồng) của phạm nhân có đủ điều kiện được gặp phạm nhân tại phòng riêng theo quy định phải có giấy đăng ký kết hôn hoặc giấy xác nhận của UBND hoặc công an cấp xã xác nhận về tình trạng hôn nhân thực tế với phạm nhân và phải viết giấy cam kết thực hiện nghiêm chỉnh nội quy nhà thăm gặp, có trách nhiệm quản lý, giám sát phạm nhân trong thời gian thăm gặp, không để phạm nhân vi phạm pháp luật...

Phạm nhân nữ được gặp chồng tại phòng riêng phải sử dụng biện pháp tránh thai và có giấy cam kết không mang thai để bảo đảm thời gian chấp hành án phạt tù”. Theo dự thảo, phạm nhân chấp hành nghiêm chỉnh nội quy, quy chế trại giam hoặc lập công thì được gặp vợ hoặc chồng ở phòng riêng không quá 24 giờ. Thiếu tướng   Trần Thế Quân cho rằng, quy định này của Dự thảo là phù hợp với quy định trong Luật Thi hành án hình sự và nhân văn, nhân đạo, khích lệ các phạm nhân cải tạo tốt, tích cực lập công. 

Việc cho phép phạm nhân gặp vợ hoặc chồng tại phòng riêng đã được áp dụng từ lâu, kể từ khi Pháp lệnh Thi hành án phạt tù ra đời năm 1993. Điều 46 Luật Thi hành án hình sự năm 2010 cũng đã quy định nữ phạm nhân nếu lập công, chấp hành nghiêm chỉnh nội quy, quy chế trại giam thì được gặp chồng tại phòng riêng không quá 24 giờ.

Đây cũng là điểm khác biệt giữa Việt Nam và các nước trên thế giới. “Trao đổi điều này với đồng nghiệp các nước, họ cho rằng đây là một điểm rất tiến bộ, nhân văn của luật pháp Việt Nam” - Thiếu tướng Trần Thế Quân cho biết. Việc thăm gặp này có thể cải thiện tâm lý của phạm nhân; tạo điều kiện cho gia đình cùng tham gia, phối hợp với cơ sở giam giữ để giáo dục, cải tạo phạm nhân.

Cam kết trên tinh thần... tự nguyện

Theo cán bộ quản giáo tại trại giam của Bộ Công an đã áp dụng quy định này, sau khi phạm nhân nữ được gần gũi chồng, tâm lý đều thay đổi rõ rệt, yên tâm phấn đấu cải tạo tốt. Ngoài các biện pháp giáo dục, việc tạo điều kiện để phạm nhân được gặp vợ, chồng tại những căn buồng hạnh phúc nhiều năm nay đã hạn chế được tình trạng phạm nhân bỏ trốn, gây rối trong trại giam.

Về băn khoăn đối với việc nữ phạm nhân có thể mang thai trong quá trình gặp riêng, Thiếu tướng Trần Thế Quân cho hay đối với phạm nhân nữ, khi gặp chồng tại phòng riêng thì phải thực hiện các biện pháp tránh thai và ký giấy cam kết không mang thai. Việc ký cam kết chủ yếu dựa trên sự tự nguyện của chính phạm nhân. Nếu cam kết mà vẫn mang thai thì đương nhiên phạm nhân đó đã vi phạm nội quy, sẽ bị xử lý bằng biện pháp hợp lý nhất. 

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng, Ủy viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương): Cho vợ, chồng gặp nhau thể hiện tính nhân văn

“Tôi ủng hộ việc Bộ Công an dự thảo thông tư cho phép cho nữ phạm nhân cải tạo tốt được thăm, nghỉ ở phòng hạnh phúc cùng chồng. Việc này là sự cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền công dân. Đặc biệt vừa rồi chúng ta ban hành Luật Tạm giữ, tạm giam và thực hiện các chính sách nhân dân đạo đối với người tạm giữ, tạm giam và thi hành án.

Việc cho vợ, chồng phạm nhân nữ được gặp nhau trong phòng hạnh phúc không quá 24 giờ, là điều tốt và nhân văn. Việc này, một mặt động viên người phạm tội tích cực cải tạo để sớm về với cộng đồng, một mặt động viên gia đình nữ phạm nhân làm sao để quan tâm đến việc giáo dục cải tạo đối với nữ phạm nhân đó.

Còn xét ở góc độ hôn nhân gia đình, tôi nghĩ việc này tạo điều kiện để giữ gìn hạnh phúc gia đình, tránh trường hợp nữ phạm nhân khi đang thi hành án thì chồng xin ly hôn”.       

ĐB Nguyễn Chiến, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam (Đoàn ĐB TP. Hà Nội):  Có chắc không để mang thai?

Tạo động lực để nữ phạm nhân cải tạo tốt ảnh 3

Chúng ta cũng cần phải có quy định pháp luật mang tính nhân văn tạo điều kiện cho phạm nhân yên tâm lao động cải tạo để trở thành công dân có ích cho xã hội. Bản thân họ khi vi phạm pháp luật hình sự đã bị hạn chế một số quyền nhưng không phải là tất cả.

Tuy nhiên, tôi cũng còn một số băn khoăn với dự thảo Thông tư này như việc “cam kết” việc cho nữ phạm nhân gặp chồng ở phòng hạnh phúc trong 24 giờ nhưng không mang thai? Bởi không thể nói là sẽ không thể xảy ra. Còn nếu họ cam kết không có thai thì cũng là một biện pháp tốt nhưng chúng ta cần phải nghiên cứu kỹ hơn về chế độ.