Tăng trưởng tín dụng 13%, huy động vốn chỉ tăng 6%, điều hành 2023 đối mặt thách thức lớn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tính đến thời điểm này, tăng trưởng tín dụng đã đạt gần 13% trong khi huy động vốn chỉ tăng 6%. Áp lực lạm phát vẫn rất lớn đang đặt ra nhiều thách thức trong điều hành chính sách tiền tệ trong năm 2023.

Đây là thông tin được Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết trong cuộc họp báo Triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2023, sáng nay 27/12.

Theo ông Đào Minh Tú, con số tăng trưởng tín dụng đến ngày hôm nay đạt gần 13%, vẫn còn hơn 1% so với room tín dụng 14% mà Ngân hàng Nhà nước đặt ra từ đầu năm. Trong khi đó, huy động vốn thời điểm này mới chỉ tăng 6%.

Dù vậy, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, trước nhu cầu bức thiết của doanh nghiệp, NHNN đã mở room tín dụng thêm 1,5-2%. “Việc nới room tín dụng không phải chỉ thiếu room mà chủ yếu do sức ép của tình hình kinh tế thế giới vào Việt Nam giảm bớt, các chỉ tiêu lớn về vĩ mô (lạm phát, tỷ giá, thanh khoản)… cho phép NHNN yên tâm nới thêm room tín dụng” – Phó Thống đốc Đào Minh Tú nói thêm.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú tại họp báo

Phó Thống đốc Đào Minh Tú tại họp báo

Dù vậy, lãnh đạo NHNN cho rằng việc đưa ra chỉ tiêu tín dụng năm 2023 vẫn sẽ được cơ quan này tính toán thận trọng. “Điều hành chính sách tiền tệ không phải chỉ tính cho năm nay mà phải tính toán mai sau, vì chính sách tiền tệ có độ trễ dài hạn 2-3 năm”, Phó Thống đốc cho biết.

Nói thêm về cơ chế điều hành tín dụng, ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cho hay, mặc dù năm 2022, các chỉ tiêu vĩ mô của chúng ta có khả năng đạt được, lạm phát dưới 4% gần như chắc chắn đạt được.

Tuy nhiên lạm phát lõi cơ bản thì tăng nhanh và đang ở mức đáng quan ngại. Cụ thể, lạm phát lõi tháng 1/2022 chỉ tăng 0,66% nhưng tháng 11 đã tăng hơn 4,82% và tháng 12 này có thể tăng hơn 5%.

“Đây là mức tăng cao nhất 10 năm qua, sẽ tạo áp lực lạm phát vòng 2 rất lớn trong năm 2023. Thêm vào đó, Việt Nam là nền kinh tế có độ mở lớn (tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm nay chiếm gần 190% GDP), áp lực nhập khẩu lạm phát lớn khi Fed dự kiến vẫn tăng lãi suất năm 2023 và duy trì mặt bằng lãi suất cao cho đến năm 2024.

Không chỉ vậy, đại diện NHNN cũng cho biết, Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia có tỷ lệ đòn bẩy tín dụng cao nhất thế giới (tỷ lệ dư nợ tín dụng/GDP lên tới 124%). Với tốc độ tăng trưởng tín dụng trên 12%/năm kéo dài thời gian tới thì tín dụng luôn tăng trưởng gấp đôi GDP, khiến tỷ lệ đòn bẩy tín dụng càng tăng cao, ảnh hưởng đến an toàn hệ thống ngân hàng.

“Do đó, điều hành chính sách tiền tệ năm tới còn rất nhiều thách thức, chỉ tiêu tín dụng năm 2023 được NHNN cân nhắc thận trọng. Quan điểm xuyên suốt của NHNN là cung ứng vốn đầy đủ, kịp thời cho nền kinh tế nhưng không chủ quan với lạm phát”, ông Phạm Chí Quang nhấn mạnh.