Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ: Ngân hàng phải “đốt đuốc” tìm doanh nghiệp để cho vay

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước cho biết, việc cung ứng ra nền kinh tế 300.000 – 400.000 tỷ đồng trong 3 tuần cuối năm là thách thức rất lớn, các ngân hàng cũng phải “đốt đuốc” tìm doanh nghiệp tốt để cho vay.

Thông tin trên được ông Phạm Chí Quang đưa ra tại Tại tọa đàm Tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp, hôm nay 13/12

Nước không thiếu nhưng ruộng vẫn khô

Hiện nay, nhu cầu vốn doanh nghiệp (DN) và nền kinh tế rất lớn, nhưng khả năng tiếp cận vốn còn rất hạn chế. Các kênh tiếp cận vốn của DN từ tín dụng ngân hàng, trái phiếu, thị trường chứng khoán đều gặp khó.

TS. Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia so sánh, tình trạng DN thiếu vốn như ruộng khô thiếu nước.

“Trong khi thật sự có một hồ chứa nước rất lớn bên cạnh là tiền, nhưng các kênh dẫn nước từ hồ chảy vào ruộng thì đang bị nghẽn. Do đó, nước không thiếu nhưng ruộng vẫn cứ khô, tiền không thiếu nhưng vốn thì không có.

Vừa rồi, NHNN đã chính thức nới room tín dụng thêm 1,5%-2% cho một số ngân hàng, tương đương tổng dư nợ tăng thêm khoảng 200.000 tỉ đồng. Như vậy, nước trong hồ sẽ chảy một phần qua ruộng để giải tỏa hạn hán” – ông ví von.

Dù vậy, theo TS. Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, nguồn vốn của nền kinh tế không chỉ có vốn tín dụng ngân hàng mà còn nhiều kênh khác.

“Quan trọng là nguồn vốn nào sẽ trở thành kênh dẫn nước cho DN. Cụ thể, các nguồn vốn quan trọng như vốn tự có của DN tạo đòn bẩy rất lớn cho DN phát triển; kênh trái phiếu DN có quy mô lên đến 1,8 triệu tỷ đồng là kênh dẫn vốn cực kỳ quan trọng, mang lại nguồn vốn bền vững, ổn định, đặc biệt là nguồn vốn dài hạn. Do đó, chúng ta có nhiều giải pháp khơi nguồn vốn trung dài hạn này, đáp ứng nhu cầu của DN. Và kết nối giữa các nguồn này là nguồn vốn tín dụng ngân hàng” – ông Quang nói.

Ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ NHNN

Ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ NHNN

Có điều, theo đại diện NHNN, ngành ngân hàng không thể mãi lo nguồn vốn trung và dài hạn cho DN vì ngân hàng cũng là DN. “Nguồn vốn tín dụng không phải để cấp phát như nguồn vốn ngân sách và không hạ được điều kiện tín dụng để cho vay. Ngân hàng là loại hình DN đặc biệt vì kinh doanh tiền” – ông nhấn mạnh.

Ngân hàng “đốt đuốc” tìm doanh nghiệp

Ông Phạm Chí Quang cho hay, ngành ngân hàng hiện nay, tổng nguồn vốn ngắn hạn trên 80%, 20% còn lại là vốn tự có và các nguồn vốn trung và dài hạn. Trong khi đó, ngành ngân hàng đang phải cho vay 50% tổng dư nợ cho nền kinh tế là trung và dài hạn, con số này cho thấy ngành ngân hàng đang chạy với biên độ chênh lệch rất lớn về mặt kỳ hạn giữa huy động và cho vay.

Điều này dẫn đến 2 rủi ro rất lớn. Thứ nhất là rủi ro thanh khoản và rủi ro chi trả cho người gửi tiền. “Vì người gửi tiền chỉ gửi khoảng 6 tháng, trong khi ngân hàng có khoảng 50% số tiền gửi 6 tháng này đầu tư đến 5,10 năm thậm chí các dự án bất động sản đầu tư tới 20 năm. Nếu dòng tiền luân chuyển không tốt, nợ xấu phát sinh sẽ không có tiền trả nợ đến hạn 6 tháng cho người gửi tiền. Đây là rủi ro lớn nhất mà ngành ngân hàng quan ngại” – đại diện NHNN cho hay.

Đối với rủi ro lãi suất, lãi suất ngắn hạn biến động liên tục, trong khi đó lãi suất cho vay trung dài hạn thường 1 năm theo hợp đồng mới điều chỉnh. Do đó, ngân hàng đối mặt rất lớn đối với rủi ro lãi suất trong bối cảnh lạm phát tăng cao, môi trường lãi suất có biến động lớn như giai đoạn hiện nay.

Từ đầu năm đến giờ, kênh dẫn vốn lớn nhất đang chảy ra nền kinh tế là kênh tín dụng ngân hàng. Tín dụng tăng trưởng đến nay trên 12%, mang lại gần 1,4 triệu tỷ đồng cho nền kinh tế trong năm nay. Dù vậy vẫn chưa đủ vì nhu cầu của DN là rất lớn.

Liên quan đến việc nới room tín dụng, ông Phạm Chí Quang cho rằng chỉ còn khoảng 3 tuần cuối tháng 12 để hệ thống ngân hàng có thể cung ứng ra nền kinh tế từ 3,5%-4% , đây thách thức rất lớn.

“Làm sao để ngành ngân hàng tiêu 300.000 - 400.000 tỷ đồng đồng dù nhu cầu vốn của DN và nền kinh tế rất lớn. Vì tổ chức tín dụng cũng là DN, họ cho vay trên các điều kiện, điều khoản cho vay, không thể hạ chuẩn… Vì tiền cho vay ra là từ huy động của người dân.

Trong bối cảnh này, ngân hàng thương mại cũng phải đốt đuốc tìm DN tốt. ỞViệt Nam luôn có khoảng cách giữa cung - cầu tín dụng và chúng tôi luôn muốn thu hẹp khoảng cách, tạo điều kiện để ngân hàng với DN có tiếng nói chung. Còn ngành NH khẳng định vốn tín dụng không thiếu, các ngân hàng cũng rất muốn cho vay vì họ phải trả lãi tiền gửi cho khách hàng, càng đọng vốn càng tăng chi phí” – ông Quang phân trần.