Tăng tốc dự án đường trục phía Nam

(ANTĐ) - Lãnh đạo thành phố Hà Nội yêu cầu, các quận, huyện và nhà đầu tư phải tăng tốc tối đa để kịp hoàn thành 8 km đầu tiên của dự án đường trục phía Nam trước 10-10-2010. Đây là nhiệm vụ hết sức khó khăn đòi hỏi các cơ quan liên quan phải tập trung nguồn lực ở mức cao nhất.

Tăng tốc dự án đường trục phía Nam

(ANTĐ) - Lãnh đạo thành phố Hà Nội yêu cầu, các quận, huyện và nhà đầu tư phải tăng tốc tối đa để kịp hoàn thành 8 km đầu tiên của dự án đường trục phía Nam trước 10-10-2010. Đây là nhiệm vụ hết sức khó khăn đòi hỏi các cơ quan liên quan phải tập trung nguồn lực ở mức cao nhất.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Bùi Duy Nhâm (ngoài cùng bên phải) kiểm tra thực địa dự án

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Bùi Duy Nhâm (ngoài cùng bên phải) kiểm tra thực địa dự án

Gần 1.000 tỷ đồng chi trả bồi thường

Nói về tiến độ dự án đường trục phía Nam, con đường giao thông huyết mạch chạy qua 4 quận, huyện mới hợp nhất vào Hà Nội (Hà Đông, Thanh Oai, Phú Xuyên, Ứng Hòa), ông Phan Văn Mạnh - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Phát triển địa ốc Cienco 5 (đơn vị chủ đầu tư dự án) cho biết: “Chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng có nhiều thay đổi ảnh hưởng tiến độ giải phóng mặt bằng. Một số hộ dân chưa tích cực phối hợp trong công tác GPMB”.

Do khó khăn trong GPMB, nên tại 10km đầu tuyến, chủ đầu tư chỉ thu hồi được đúng theo mặt cắt ngang của tuyến đường, vì thế các đơn vị thi công vừa phải lấy đó làm đường công vụ, vừa là mặt bằng thi công. Theo ông Phan Văn Mạnh, riêng khó khăn này thôi cũng kéo dài tiến độ của công trình mất 6 tháng. Đại diện Cienco 5 đề nghị: “Đối với 30km còn lại và khu đô thị Mỹ Hưng Cienco5, UBND thành phố, các quận, huyện tạo điều kiện cho chủ đầu tư được thu hồi thêm một diện tích đất tạm thời để làm đường công vụ (ngoài diện tích mặt cắt ngang tuyến đường) và được áp dụng đền bù chi trả theo cơ chế hỗ trợ bằng đất dịch vụ”.

Chia sẻ băn khoăn với chủ đầu tư về GPMB, ông Lê Hồng Thăng - Bí thư Quận ủy Hà Đông cho biết, vướng mắc về chính sách vừa được thành phố tháo gỡ. Do đó, “GPMB đường trục phía Nam đoạn qua Hà Đông sẽ không có vấn đề gì” và “sẽ sớm bàn giao đất cho chủ đầu tư nếu có đủ tiền chi trả, bồi thường cho các hộ dân trước Tết Nguyên đán 2010”.

Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai, ông Nguyễn Hồng Yên cũng có cùng quan điểm: “Người dân ủng hộ thu hồi đất để mở đường. Tuy nhiên, từ nay tới Tết là thời điểm cần tận dụng để tăng tốc tối đa cho việc GPMB cho dự án đường trục cũng như các khu đô thị đối ứng. Nếu có khoảng 825 tỷ đồng để kịp chi trả, huyện sẽ bàn giao gần 83ha đất cho nhà đầu tư trong tháng 2-2010”. Như vậy, tính chung cả quận Hà Đông và huyện Thanh Oai, số tiền bồi thường, hỗ trợ sẽ lên tới gần 1.000 tỷ đồng. Dù vậy, ông Phan Văn Mạnh cam kết: “Nếu người dân ủng hộ, từ nay đến Tết, chúng tôi sẽ bố trí đủ kinh phí để chi trả cho người dân”.

Thông xe 8km trước 10-10

Theo kế hoạch, đến 31-12-2010, chủ đầu tư sẽ thông xe 10km đầu của đường trục phía Nam Hà Tây nhưng Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, ông Nguyễn Văn Khôi đề nghị, chủ đầu tư cần áp dụng các biện pháp kỹ thuật để rút ngắn thời gian thi công, cố gắng thông xe trước 10-10-2010. Cam kết hỗ trợ về GPMB với chủ đầu tư, ông Nguyễn Văn Khôi yêu cầu, để việc GPMB phần còn lại của tuyến đường và các khu đô thị hoàn vốn được nhanh, Ban chỉ đạo GPMB TP và các quận, huyện phối hợp với chủ đầu tư áp dụng linh hoạt hai phương án, tùy theo lựa chọn của người dân, có thể nhận tiền bồi thường hoặc đất dịch vụ.

Tại cuộc kiểm tra, thị sát thực địa chiều 27-1, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, ông Bùi Duy Nhâm đánh giá, dù nhà đầu tư và các quận, huyện trong phạm vi dự án đã rất cố gắng nhưng tiến độ dự án đường trục phía Nam còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy thống nhất với đề nghị tăng tốc để dự án kịp thông xe 8km đầu tiên trước 10-10-2010.

Tuy nhiên, để dự án hoàn thành theo đúng yêu cầu mới này, ông Bùi Duy Nhâm yêu cầu các cơ quan chức năng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho chủ đầu tư. “UBND TP kịp thời giải quyết những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện dự án, các quận, huyện có tuyến đường đi qua phải thực hiện tốt công tác GPMB để bàn giao cho chủ đầu tư” - ông Bùi Duy Nhâm nhấn mạnh. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng đặc biệt lưu ý các đơn vị liên quan phải đảm bảo công khai, minh bạch, đúng quy định của pháp luật trong quá trình bồi thường GPMB.

“Chủ đầu tư phải cân đối đủ vốn cho công tác bồi thường cũng như thi công. Đẩy nhanh tiến độ là một chuyện song yêu cầu về chất lượng phải được đặt lên hàng đầu” - ông Bùi Duy Nhâm nói.

Chính Trung