- PV: Đồng chí đánh giá như thế nào về những đề xuất trong bản dự thảo?
- Trung tá Nguyễn Văn Đức: Thời gian qua, tình trạng người vi phạm chống lại người thi hành công vụ xảy ra ngày càng nhiều. Nhiều trường hợp CBCS khi thực hiện nhiệm vụ đã bị chống đối hết sức quyết liệt. Có trường hợp CSGT còn bị các đối tượng đâm, chém gây thương tích, nguy hiểm đến tính mạng. Việc Bộ Công an xây dựng dự thảo là hết sức cần thiết. Ở nhiều quốc gia, lực lượng CSGT cũng được phép nổ súng trong những trường hợp như trên, làm tăng tính nghiêm minh của pháp luật, tăng sức mạnh trấn áp tội phạm.
- Có nhiều luồng ý kiến lo ngại lực lượng thi hành công vụ sẽ lạm quyền, gây nguy hiểm?
- Theo tôi được biết, trong dự thảo quy định rất rõ người thi hành công vụ không được vi phạm đạo đức nghề nghiệp, tham nhũng, tiêu cực trục lợi cá nhân, hách dịch, cửa quyền hoặc có hành vi, thái độ, tác phong, lời nói, ứng xử không đúng mực; xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người khác hay vi phạm các quy định về nổ súng hoặc vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng... Nếu có dấu hiệu của tội phạm nghiêm trọng, người thi hành công vụ được sử dụng vũ lực, công cụ hỗ trợ và các phương tiện kỹ thuật được trang bị để khống chế, bắt giữ người có hành vi chống đối. Việc bắt buộc phải nổ súng là hành động cuối cùng trong một chuỗi ứng xử, xử lý trước đó lực lượng thi hành công vụ đã phải áp dụng, thực hiện.
Cùng với việc đảm bảo tác phong, cần trang bị phương tiện cần thiết cho lực lượng CSGT để trấn áp các hành vi chống người thi hành công vụ. Ảnh: PHÚ KHÁNH
- Để tránh xảy ra những trường hợp đáng tiếc, giảm bớt tình trạng chống người thi hành công vụ, theo đồng chí cần phải làm như thế nào?
- Tôi cho rằng, Nghị định cần có những quy định, hướng dẫn cụ thể, chặt chẽ hơn nữa trong từng trường hợp CBCS được phép nổ súng, đồng thời nên quy định loại vũ khí, súng nào được phép sử dụng. Bên cạnh đó, quy trình nổ súng cũng phải được tính toán, quy định chặt chẽ. Lực lượng thực thi nhiệm vụ đều xác định chịu trách nhiệm về hành vi của mình nên trong trường hợp nếu bắt buộc phải nổ súng đã phải cân nhắc kỹ càng. Ở góc độ khác, tôi mong muốn mỗi người dân cần nghiêm túc thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật. Bản thân người thực thi nhiệm vụ cũng phải xử lý đúng luật, mềm dẻo nhưng nghiêm minh đối với tất cả vi phạm bằng thái độ ứng xử có văn hóa, lễ phép với nhân dân. Tôi tin rằng những trường hợp chống đối cần phải nổ súng sẽ rất ít.
- Xin cảm ơn đồng chí!
“Tôi rất đồng tình”
Nghiên cứu những văn bản liên quan đến dự thảo Nghị định quy định các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ mà Bộ Công an đang công khai rộng rãi, điều khiến tôi bất ngờ và bức xúc, là số vụ chống người thi hành công vụ quá cao. Nó thể hiện tinh thần thượng tôn của pháp luật chưa được tôn trọng, những người thực thi nhiệm vụ Nhà nước, pháp luật giao phó chưa được bảo vệ, và những kẻ chống người thi hành công vụ chưa bị trừng phạt nghiêm khắc.
Một so sánh đơn giản là qua phim ảnh nước ngoài, trong trường hợp cảnh sát ra hiệu lệnh, dù là tội phạm hay người có biểu hiện vi phạm pháp luật đều phải nằm rạp xuống đường, hoặc đứng úp vào tường, tay quàng sau đầu. Chỉ một cử chỉ chống đối hoặc bất tuân hiệu lệnh, lực lượng chức trách có quyền nổ súng bắn thẳng chỉ thiên hoặc bắn vào đối tượng. Biện pháp mạnh thường có tính răn đe, trấn áp cao đối với ý chí của người vi phạm, dù là hành chính hay hình sự. Tôi rất đồng tình cần sớm áp dụng biện pháp mạnh để xử lý tình trạng chống người thi hành công vụ, kể cả biện pháp sử dụng súng trong trường hợp cần thiết. Nếu không, những vi phạm này sẽ còn diễn biến phức tạp.
Ông Nguyễn Hữu Bính (Tập thể Trần Hưng Đạo, phường Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội)
Phải quy định thật cụ thể
Nhận thức pháp luật còn kém của một bộ phận người dân, thậm chí là sự coi thường kỷ cương, phép nước, là thực tế không thể phủ nhận trong thời gian qua, kể cả ở những đô thị, thành phố lớn. Đây có lẽ chính là những lý do để Hà Nội phải thành lập lực lượng liên quân 141 cách đây hơn 1 năm; rồi mới đây nhất, Bộ Công an đã điều động lực lượng CSCĐ vào phối hợp với CATP HCM, nhằm trấn áp tội phạm, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội.
Tôi rất đồng tình với dự thảo Nghị định mà Bộ Công an đang trình Chính phủ, và được công khai rộng rãi để ghi nhận ý kiến người dân, về đường hướng, biện pháp xử lý hiện tượng chống người thi hành công vụ. Người thực thi nhiệm vụ phải được quyền tự vệ và răn đe bằng súng, công cụ hỗ trợ, để đảm bảo kỷ cương phép nước, nâng cao tác dụng trấn áp, ngăn chặn tội phạm, vi phạm. Tuy nhiên việc sử dụng súng và công cụ hỗ trợ thế nào cần phải được quy định chặt chẽ để tránh sự lạm quyền, tránh xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân chấp hành pháp luật. Ngoài ra cũng cần quy định thật cụ thể các trường hợp được sử dụng súng.
Luật sư Trịnh Anh Dũng (Trưởng Văn phòng Luật sư Trịnh - TP Hà Nội)
Sử dụng súng là cần thiết
Cảnh sát cơ động có lẽ là một trong những lực lượng thường xuyên gặp phải những tình huống chống đối người thi hành công vụ. Có trường hợp chống đối do sử dụng chất kích thích, nhưng không ít trường hợp do cố tình, do coi thường pháp luật, không tôn trọng người thực thi pháp luật. Tôi hoàn toàn ủng hộ, nhất trí với chủ trương của Bộ Công an là phải có biện pháp mạnh, kiên quyết hơn nữa đối với những trường hợp chống người thi hành công vụ. Trong nhiều trường hợp, để ngăn chặn hậu quả xấu có thể xảy ra với người dân, cộng đồng và chính người thực thi nhiệm vụ, việc sử dụng súng hay công cụ hỗ trợ là hết sức cần thiết. Việc sử dụng súng, công cụ hỗ trợ đã được quy định cụ thể tại Pháp lệnh số 16 về Quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, ban hành năm 2011. Các lực lượng thực thi nhiệm vụ phải nắm vững những văn bản này, để áp dụng đúng quy định pháp luật.
Thượng tá Phạm Văn Trung (Phó Trung đoàn trưởng Trung đoàn CSCĐ CATP Hà Nội)