Tăng sức mạnh cho khu vực ngoại thành

ANTĐ - Đợt cao điểm vận động toàn dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh với các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, bảo đảm ANTT khu vực ngoại thành Hà Nội, bắt đầu từ hôm nay, 21-5, được xác định để tăng sức mạnh cho các lực lượng chức năng tại mỗi địa bàn và toàn vùng cửa ngõ của trung tâm thành phố. 

Các loại tội phạm khu vực ngoại thành đang diễn biến phức tạp

(Trong ảnh: CAH Mê Linh đấu tranh lấy lời khai đối tượng trong một vụ án )

Ra đời từ yêu cầu thực tế

Kế hoạch “Mở đợt cao điểm vận động toàn dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh với các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, bảo đảm ANTT khu vực ngoại thành” xuất phát từ thực tế: năm 2011 và các tháng đầu năm 2012, hoạt động của các loại tội phạm và tệ nạn xã hội ở ngoại thành có dấu hiệu phức tạp. Nổi lên là hoạt động của số đối tượng côn đồ, hung hãn, sử dụng vũ khí nóng gây án nghiêm trọng.

Ở một số địa bàn có điều kiện kinh tế tương đối phát triển (nhờ quá trình đô thị hóa, giải phóng mặt bằng…) tình hình tệ nạn xã hội như cờ bạc, mại dâm với những thủ đoạn trá hình tinh vi ngày càng khó kiểm soát. Đây là “tiền đề” cho hoạt động cầm cố, cho vay nặng lãi kèm theo các hành vi xiết nợ, đòi nợ thuê có chiều hướng gia tăng. Nhiều vụ việc có tính chất nghiêm trọng như vỡ nợ dây chuyền, nạn nhân phải bán nhà trả nợ, thậm chí đã xảy ra án mạng trong khi đòi nợ… gây tâm lý hoang mang, bất ổn, bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng xấu đến tình hình ANTT địa phương.

Từng được xem là vùng ổn định về ANTT, tuy nhiên thời gian gần đây, số vụ phạm pháp hình sự ở 18 huyện và thị xã ngoại thành luôn chiếm xấp xỉ 50% số vụ phạm pháp hình sự toàn thành phố. Một số loại án như giết người, cướp của, cố ý gây thương tích… ở vùng ngoại thành hiện tăng cao hơn so với 10 quận nội thành. Bên cạnh đó là hoạt động tội phạm, vi phạm về kinh tế, ma túy, môi trường cũng phức tạp hơn.

Theo Thường trực BCĐ Phong trào Bảo vệ ANTQ thành phố Hà Nội, bên cạnh những nguyên nhân khiến ANTT vùng ngoại thành trở nên phức tạp như tác động của mặt trái nền kinh tế, trình độ dân trí… thì sự thiếu và yếu ở nhiều địa bàn là sự vào cuộc chưa quyết liệt của chính quyền cơ sở; công tác xây dựng và phát động phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, đặc biệt trên lĩnh vực phòng, chống tội phạm đạt hiệu quả chưa cao.

“Chuyển” từ nhận thức đến hành động

“Một trong những mục tiêu cao nhất mà đợt cao điểm lần này đặt ra, đó là phải nâng cao hơn nữa nhận thức và vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, hiệu lực quản lý của chính quyền các cấp, để công tác phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội phải chuyển biến từ nhận thức đến hành động”, Đại tá Đinh Văn Toản - Phó Giám đốc CATP Hà Nội, Phó trưởng BCĐ Phong trào bảo vệ ANTQ thành phố cho biết.

Bước vào đợt cao điểm, những tồn tại, yếu kém và trách nhiệm tháo gỡ đã được Thường trực lãnh đạo BCĐ Phong trào bảo vệ ANTQ thành phố thẳng thắn nhìn nhận, trao đổi với lãnh đạo các huyện, thị xã. Công tác đảm bảo ANCT, TTATXH có lúc, có nơi chưa được thực sự quan tâm giải quyết hoặc giải quyết không dứt điểm, dẫn đến tranh chấp, kiện tụng trong nội bộ người dân, hoặc có nhiều người tham gia gây mất ổn định ở địa phương. Tình trạng nhiều thanh thiếu niên thích ăn chơi hưởng thụ, dấn sâu vào con đường phạm tội; nhiều người dân hiểu biết lệch lạc giữa dân chủ và kỷ cương, nên đã bị đối tượng xấu lợi dụng kích động… Giải quyết những tồn tại đó, không thể ngoài trách nhiệm của chính quyền cơ sở. Một tồn tại khác cũng được thẳng thắn nhìn nhận để khắc phục, là công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm ở địa bàn ngoại thành chưa thực sự hiệu quả, chưa thường xuyên, chưa đánh trúng, đánh mạnh tội phạm và tệ nạn xã hội. Trong bối cảnh đó, chế độ chính sách đãi ngộ đối với công an xã, bảo vệ dân phòng còn thấp, nên chưa động viên và phát huy hết sức mạnh của lực lượng này.

“Ngoại thành sẽ không đơn độc”, tinh thần ấy sẽ được phát huy xuyên suốt đợt cao điểm. Thường trực lãnh đạo BCĐ Phong trào bảo vệ ANTQ thành phố đã có những kế hoạch cụ thể, để vừa tăng cường sức mạnh ở mỗi địa bàn ngoại thành, vừa đẩy mạnh sự phối hợp, hỗ trợ đồng bộ từ các quận nội thành, tạo nên thế trận đảm bảo ANTT khép kín toàn thành phố. Yêu cầu số 1 - Công tác tuyên truyền - được xác định sẽ tiến hành thường xuyên, sâu rộng đến từng thôn xóm, khu dân cư, hộ gia đình; phải tạo được khí thế thi đua sôi nổi, mạnh mẽ, huy động đông đảo cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân tích cực tham gia. Công tác tuyên truyền gắn liền với các nội dung về phổ biến, giáo dục pháp luật, khơi dậy, nêu cao tinh thần cảnh giác, tích cực phòng ngừa, chủ động tự phòng - tự quản về ANTT trong nhân dân. Cùng với đó, lực lượng chức năng tập trung rà soát, đấu tranh với đối tượng “nổi”, các đường dây có dấu hiệu hoạt động phạm pháp; tăng cường vận động đối tượng truy nã ra đầu thú, vận động người dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. 

Cùng với đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm và tệ nạn xã hội được CATP chính thức triển khai từ ngày 16-5, đợt cao điểm vận động toàn dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh với các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, bảo đảm ANTT khu vực ngoại thành chắc chắn sẽ là “cú hích” tích cực cho ANTT chung toàn thành phố.