Tăng hiệu lực hậu giám sát

ANTĐ - Hoạt động giám sát của Quốc hội là một trong những nội dung quan trọng, được các ĐBQH thảo luận tại hội trường sáng 31-10. Nhiều ý kiến cho rằng, Quốc hội cần quan tâm nhiều hơn đến hậu giám sát, vì đây là công tác cơ bản rất quan trọng của cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước.

ĐBQH Nguyễn Đức Chung - Phó Giám đốc CATP Hà Nội phát biểu

trong phiên thảo luận ở tổ của đoàn Hà Nội

Trước khi bước vào buổi thảo luận, Quốc hội đã nghe Trưởng đoàn Thư ký kỳ họp, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày tờ trình về dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2012.

Góp ý vào dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2012, ĐB Lê Thị Nga (Thái Nguyên) đề nghị nên giao cho một bộ phận Quốc hội thực hiện công tác hậu giám sát. “Công tác giám sát của Quốc hội rất quan trọng. Do vậy, cần có một bộ phận chuyên đôn đốc các đơn vị thực hiện kiến nghị giám sát” - ĐB Lê Thị Nga nói. Đồng tình với quan điểm của ĐB Lê Thị Nga, nhiều ĐBQH nêu ý kiến Quốc hội phải tổng hợp tỷ lệ đơn vị chưa thực hiện kiến nghị của các đoàn giám sát, để công tác giám sát được tốt hơn.

Cũng trong buổi làm việc sáng qua, Quốc hội đã nghe báo cáo tổng kết Dự án trồng mới 5 triệu hecta rừng của Chính phủ và báo cáo thẩm tra việc thực hiện Dự án trồng mới 5 triệu hecta rừng của Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường. Hiện nay, tình trạng vi phạm quy định phát triển, bảo vệ rừng vẫn diễn ra phức tạp. Việc chặt phá, khai thác trái phép, cháy rừng và chống người thi hành công vụ đã xảy ra nghiêm trọng tại một số địa phương. Trong giai đoạn 2016-2020, Chính phủ dự kiến trồng mới 1,35 triệu hecta rừng, trong đó có 100 nghìn hecta rừng phòng hộ, đặc dụng và khoanh nuôi, tái sinh 400 nghìn hecta rừng tự nhiên khác.

Việc cho nhà đầu tư nước ngoài thuê đất lâm nghiệp còn tồn tại nhiều vấn đề, gây bức xúc trong dư luận xã hội. “Hiện tại, tổng diện tích đất lâm nghiệp đã cấp giấy chứng nhận cho nhà đầu tư nước ngoài là 288.974 hecta. Trong khi đó, giá thuê đất quá thấp, chỉ bình quân 180 nghìn đồng/hecta, trong khi người dân địa phương vẫn có nhu cầu nhận đất trồng rừng” - ông Nguyễn Vinh Hà, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội phân tích.

Cần làm rõ cơ chế giám sát

Trong buổi thảo luận ở tổ chiều 31-10, các ĐBQH đã bàn về Chương trình mục tiêu quốc gia và Chương trình sử dụng trái phiếu Chính phủ 5 năm (2011-2015). Nhiều ĐBQH đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ đánh giá lại hiệu quả những chương trình mục tiêu đã triển khai vừa qua và giao cho Bộ Kế hoạch - Đầu tư đánh giá hiệu quả từng chương trình, để báo cáo Quốc hội. Theo ĐB Nguyễn Đức Chung (TP Hà Nội), nên rà soát đánh giá hiệu quả các chương trình trên cơ sở có sự lồng ghép các chương trình để tránh lãng phí, chồng chéo trong quản lý.

Cho rằng cần phải xây dựng chương trình mang tính bền vững hơn, ĐB Nguyễn Đức Chung kiến nghị Quốc hội đánh giá lại các chương trình xem chương trình nào hiệu quả và không hiệu quả. “Không thể những năm tiếp theo cứ “đến hẹn lại lên”, từng ấy chương trình lại ra đời mà không hiệu quả. Nếu không làm rõ cơ chế giám sát, quy trách nhiệm cụ thể thì 5 năm tới, chúng ta lại ngồi bàn lại những yếu kém mà chúng ta đã tiên lượng rồi” - ĐB Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh.

Đồng tình với quan điểm của ĐB Nguyễn Đức Chung, ĐB Nguyễn Thị Nguyệt Hường (TP Hà Nội) đề nghị nên tập trung nguồn vốn cho các dự án, chương trình hiệu quả. Không nên đầu tư dàn trải, bình quân mỗi ngành, mỗi địa phương một ít và phải phân định rõ trách nhiệm của từng địa phương, chủ đầu tư và nhà thầu khi để dự án chậm triển khai, kém hiệu quả.