Tăng cường trừng phạt, Mỹ dần khẳng định đối đầu với Nga?

ANTD.VN - Căng thẳng Mỹ - Nga lại rơi vào vòng xoáy mới khi Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa áp đặt các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào 19 cá nhân và 5 tổ chức của Nga vì cái gọi là "can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016”. 

Mỹ dường như đang có những bước đi nhằm khẳng định chính sách đối đầu với Nga

Những đối tượng bị nhắm mục tiêu chế tài bao gồm các công dân và các thực thể Nga đã bị Công tố viên Đặc biệt của Mỹ Robert Mueller cáo buộc vào ngày 16-2, phạm tội âm mưu can thiệp vào cuộc bầu cử. Cáo trạng nói những người Nga này đã mạo danh trên mạng để phát tán những thông điệp gây chia rẽ, đi đến Mỹ để thu thập thông tin tình báo và tổ chức các cuộc tập hợp chính trị trong khi giả dạng làm người Mỹ. Đối tượng trong các biện pháp trừng phạt mới cũng bao gồm các cơ quan tình báo Nga, Tổng cục An ninh Liên bang (FSB) và Tổng cục Tình báo (GRU) cùng 6 cá nhân làm việc thay mặt cho GRU. 

Bộ Tài chính Mỹ nói rằng các chế tài cũng nhằm chống lại các cuộc tấn công mạng mang tính hủy hoại, bao gồm cuộc tấn công NotPetya gây thiệt hại hàng tỉ USD khắp châu Âu, châu Á và Mỹ. Tháng trước, Mỹ và Anh quy trách quân đội Nga về cuộc tấn công này. Thông cáo của Bộ Tài chính Mỹ cáo buộc từ tháng 3-2016, tin tặc Nga “đã nhắm mục tiêu vào các cơ quan Chính phủ Mỹ và nhiều cơ sở hạ tầng trọng yếu của Mỹ, bao gồm các cơ sở năng lượng, hạt nhân, thương mại, nước, hàng không và các lĩnh vực sản xuất trọng yếu”.

Câu chuyện liên quan cáo buộc Nga can thiệp cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016 theo hướng có lợi cho đương kim Tổng thống Donald Trump kéo dài hơn một năm qua không chỉ làm rối loạn chính trường Mỹ mà còn gây căng thẳng trong quan hệ giữa Washington và Matxcơva. Mặc dù Nga kiên quyết bác bỏ cáo buộc mà Matxcơva coi là “hoàn toàn lố bịch và vô lý” và Tổng thống Mỹ Trump cũng gọi cuộc điều tra đội ngũ tranh cử của ông câu kết với Nga là “cuộc săn tìm phù thủy”, song Quốc hội Mỹ vẫn liên tiếp thông qua các biện pháp áp đặt trừng phạt Matxcơva. 

Hàng loạt diễn biến trên đã khiến một số nhà phân tích nhìn nhận về khả năng chính quyền Washington đang chuyển hướng sang lập trường mang tính đối đầu hơn với Nga. Xuyên suốt quá trình vận động tranh cử và kể từ sau khi tiếp quản Nhà Trắng cho tới trước thời điểm hiện nay, Tổng thống Donald Trump từng đề cập chủ trương cải thiện quan hệ với Matxcơva. Tuy nhiên, ông Trump đã phải đối mặt với những chỉ trích mạnh mẽ tại Quốc hội Mỹ vì gần như không tiến hành hành động gì để trừng phạt Nga liên quan đến việc nước này can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ và các hành động khác. 

Theo các nhà phân tích, có thể nhìn nhận sự chuyển dịch trong chính sách của Tổng thống Trump đối với Nga phần nào do một số nguyên nhân cơ bản, xuất phát từ sự xung đột và bất đồng ngày càng gia tăng giữa hai nước trong nhiều vấn đề nổi cộm, khiến Washington đang phải tính toán lại. 

Cụ thể, về cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine, giữa Nga và Mỹ không thể có sự thỏa hiệp. Thứ hai, về vấn đề Triều Tiên, Nga và Trung Quốc là hai nước có tầm ảnh hưởng quan trọng đối với Bình Nhưỡng. Trong bối cảnh một cuộc đối thoại cấp cao có khả năng diễn ra giữa Mỹ và Triều Tiên trong tương lại gần, Mỹ sẽ cần đến Matxcơva và Bắc Kinh làm trung gian trong đối thoại với một đối thủ chính trị cứng rắn như ông Kim Jong-un. Tuy nhiên, Matxcơva lại yêu cầu Washington ngừng đe dọa chiến tranh với Bình Nhưỡng, đồng thời ngừng các động thái xung quanh bán đảo Triều Tiên. Đáp ứng yêu cầu của Nga là điều Mỹ phải cân nhắc.

Thứ ba, về cuộc xung đột ở Syria. Những thắng lợi trong cuộc chiến chống khủng bố và lực lượng nổi dậy của Chính phủ Syria dưới sự hỗ trợ của Nga đang khiến Mỹ và các đồng minh rơi vào thế yếu trên bàn đàm phán, thậm chí có nguy cơ phá vỡ kế hoạch “thay đổi chính quyền của Tổng thống Syria Bassar Al-Assad” của Washington.

Mặt khác, việc Nga khôi phục vị thế cường quốc lớn và thiết lập tầm ảnh hưởng tại nhiều khu vực trên thế giới, đặc biệt tại Trung Đông, trong thời gian qua rõ ràng đang tác động tới những toan tính của Mỹ. Vì thế, trong “Chiến lược an ninh quốc gia” công bố hồi tháng 12-2017, Tổng thống Mỹ đã xếp Nga vào danh sách “đối thủ chính trị có ý đồ thách thức sức mạnh, an ninh và sự thịnh vượng của Mỹ”, một bước đi nhằm khẳng định chính sách đối đầu với Nga. 

Trong diễn biến có liên quan, Tổng thống Mỹ cùng các nhà lãnh đạo Anh, Pháp và Đức vừa ra một tuyên bố chung, tỏ rõ lập trường ủng hộ quan điểm của Anh liên quan các cáo buộc Matxcơva đứng sau vụ cựu điệp viên “hai mang” người Nga Sergey Skripal bị đầu độc tại Anh, điều mà Matxcơva mạnh mẽ bác bỏ. Đây được xem là một sự ủng hộ ngầm của Mỹ đối với các đồng minh phương Tây trong việc triển khai chiến dịch tuyên truyền mới bôi xấu hình ảnh và chống lại nước Nga trên trường quốc tế.