Tăng cường hợp tác phòng chống ma túy với các nước trong khu vực tiểu vùng sông Mê Kông

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ngày 14-3, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc - Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra CATP Hà Nội cùng đại diện lãnh đạo một số phòng chức năng CATP đã có buổi làm việc với đoàn đại biểu đến từ Trung tâm điều phối Sông Mê Kông an toàn về kiểm soát ma tuý (Trung tâm SMCC).
Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốcCATP Hà Nội, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra CATP cùng đại diện lãnh đạo các phòng chức năng thuộc CATP chụp ảnh lưu niệm với các thành viên Trung tâm điều phối Sông Mê Kông an toàn về kiểm soát ma tuý (Trung tâm SMCC)

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốcCATP Hà Nội, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra CATP cùng đại diện lãnh đạo các phòng chức năng thuộc CATP chụp ảnh lưu niệm với các thành viên Trung tâm điều phối Sông Mê Kông an toàn về kiểm soát ma tuý (Trung tâm SMCC)

Cụ thể, Đoàn Văn phòng Thường trực phòng chống ma tuý - Cục Cảnh sát ĐTTP về ma tuý, Bộ Công an do Trung tá Cao Thị Minh Phượng dẫn đầu cùng các cán bộ đại diện 5 quốc gia: Campuchia, Trung Quốc, Lào, Myanma, Thái Lan (trực thuộc Trung tâm SMCC) đã trao đổi, làm việc với Công an TP Hà Nội để hiểu thêm về tình hình, kết quả công tác phòng chống ma túy trên địa bàn thành phố.

Trong không khí cởi mở, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng đã khái quát một số nét chính về tình hình đảm bảo ANTT, nhất là công tác đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy trên địa bàn thành phố thời gian qua...

Công an Thủ đô Hà Nội đã ký kết hợp tác đối với Cảnh sát Thủ đô Bắc Kinh - Trung Quốc, Thủ đô Viêng Chăn - Lào, Phnôm Pênh - Campuchia, xây dựng quy chế phối hợp nhằm phát hiện, phòng ngừa đấu tranh với các loại tội phạm, trong đó có tội phạm ma túy. Bộ Công an cũng đã chỉ đạo Công an Hà Nội và Công an các tỉnh biên giới thực hiện quy chế phối hợp phòng chống đấu tranh với loại tội phạm nguy hiểm này.

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng cho biết, hoạt động tội phạm liên quan đến sản xuất ma túy ở Việt Nam không nhiều, chủ yếu nguồn ma túy thẩm lậu từ nước ngoài vào nội địa như các loại thuốc phiện, heroin và cơ bản hoạt động ở khu vực biên giới phía Tây Bắc, Tây Nam, thẩm lậu qua đường biên giới giáp Lào và Campuchia; nguồn ma túy - katemin được thẩm lậu từ các nước châu Âu như Ba Lan, Hà Lan, Pháp...

"Trước tình hình đó, CATP Hà Nội phối hợp với các đơn vị chức năng như Hải quan, các công ty liên quan đến chuyển phát nhanh... tập trung phát hiện, chủ động đấu tranh với tội phạm ma túy qua đường hàng không và thu được nhiều kết quả. Cùng với đó, pháp luật Việt Nam xử lý rất nghiêm khắc tội phạm này, trong đó án cao nhất là tử hình" - Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng nhấn mạnh tính chất nguy hiểm của tội phạm ma túy luôn liều lĩnh, được trang bị nhiều vũ khí, hung khí, sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng khi bị phát hiện.

Theo thống kê của CATP, năm 2022, các đơn vị, lực lượng của CATP Hà Nội phát hiện, khám phá 3.295 vụ, 4.907 đối tượng. Cơ quan CSĐT các cấp thuộc CATP đã xử lý hình sự 3.027 vụ, 3.855 bị can; xử lý hành chính 268 vụ, 1.052; Vật chứng thu giữ tổng số 423,1kg ma túy các loại...

Có thể nói, thời gian qua giữa Công an Việt Nam nói chung, CATP Hà Nội nói riêng đã có cái sự gắn kết phối hợp rất tốt với Cảnh sát các quốc gia như Trung Quốc, Lào, Campuchia trong việc phát hiện, bắt giữ các đối tượng phạm tội ma túy. "Bộ Công an và Chính phủ Việt Nam nói chung, CATP Hà Nội nói riêng luôn mong có sự hợp tác sâu sắc, toàn diện hơn về công tác đấu tranh phòng chống các loại tội phạm, trong đó có tội phạm về ma túy đối với các nước tiểu vùng sông Mê Kô và Trung Quốc" - Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng nêu rõ.

Tại buổi làm việc, các thành viên Trung tâm điều phối sông Mê Kông an toàn về kiểm soát ma tuý đã trao đổi, thảo luận về phương thức hoạt động, các chất ma tuý và các loại vũ khí “nóng” mà các đối tượng ma túy thường xuyên sử dụng, qua đó tìm ra các biện pháp đấu tranh với loại tội phạm này.

Đại diện Cảnh sát Myanma đã chia sẻ việc đăng tải thông tin các vụ án ma túy được cập nhật trên trang Fanpage; đại diện Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan chia sẻ về quy định sử dụng cần sa và Thái Lan cho phép trồng, sử dụng loại chất gây nghiện này, nhưng phải được cấp phép và với mục đích y tế, nghiên cứu y học; Trung Quốc cũng chia sẻ việc quản lý người cai nghiên bắt buộc và cai nghiện tại cộng đồng…

Kết thúc buổi làm việc, đại diện Trung tâm điều phối sông Mê Kông an toàn về kiểm soát ma tuý cảm ơn Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng và đại diện các đơn vị CATP có những trao đổi thẳng thắn trong phối hợp phòng chống ma túy; Trung tâm cũng đã có văn bản gửi đến 63 Công an các đơn vị địa phương của Việt Nam, khi cần xác minh thông tin truy nã, truy tìm đối tượng ma túy, các đơn vị gửi văn bản và Trung tâm sẵn sàng phối hợp hỗ trợ.

Cũng theo đại diện Trung tâm SMCC, hoạt động của trung tâm giúp các nước thành viên điều phối và triển khai các hoạt động chung của kế hoạch hành động phòng chống ma túy, tổng hợp tình hình tội phạm và kịp thời tham mưu, đề xuất các giải pháp chiến lược nhằm đấu tranh hiệu quả với tội phạm ma túy ở cấp độ quốc gia và khu vực, góp phần kiểm soát tốt tình hình sản xuất, mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy trong khu vực và trên thế giới.