Tân trưởng giải “ghi điểm”

ANTĐ - Sau gần một tháng được tạo điều kiện thị sát V-League 2014, cuối tuần qua, chuyên gia Tanaka Koji mới chính thức nhậm chức trưởng giải và bắt đầu thể hiện những chính kiến của mình trong buổi họp báo định kỳ do VPF tổ chức.

Nói về vấn đề bạo lực  đang gây nhức nhối ở V-League 2014, trong khi VPF tiếp tục hứa “quyết tâm” thì tân trưởng giải lại muốn nhắn nhủ “cầu thủ khi ra sân cần ý thức rằng đôi chân của mình và đồng nghiệp là tài sản vô giá” và “chỉ có đá đẹp, khán giả mới tới sân”. Đặc biệt trong cách ngăn ngừa trọng tài tiêu cực, nếu như VPF chỉ dừng ở “sẽ phạt nặng” thì ông Koji lại hướng tới ý tưởng khá mới mẻ là “khen”. Tất nhiên, khen ở đây là khen những con người, việc làm tích cực. Ông Koji đề xuất: “Thay vì chỉ chăm chăm soi mói để xử phạt trọng tài sai sót, nghi có tiêu cực thì tại sao không quan tâm đến việc khen các trọng tài, giám sát mỗi khi họ hoàn thành tốt nhiệm vụ. Như ở vòng 7 vừa qua, tôi đã kiến nghị BTC giải nên có khen thưởng kịp thời, đúng mức cho tổ trọng tài điều hành trận Thanh Hóa – ĐTLA, vì họ làm rất tốt”.

Xưa nay trọng tài V-League vẫn bị cho là  hoạt động theo “dây” và nếu ai đó không nằm trong “dây” với sếp, thì dù chuyên môn tốt cũng không được phân công – như trường hợp trọng tài FIFA Võ Minh Trí bị cho “ngồi chơi, xơi nước” 5 vòng ở lượt đi V-League 2013. Rõ ràng, việc thưởng cho giám sát, trọng tài sau mỗi trận đấu sẽ giúp họ thêm phấn chấn, có động lực để phấn đấu, làm tốt hơn nữa thay vì ra sân với áp lực, tâm lý sợ bị săm soi hay bị “đì”. Lấy khen thưởng để tôn vinh cái tốt cũng là cách để át đi cái xấu và khiến giải đấu bớt đi màu sắc u ám, nặng nề.

Vẫn còn một chặng đường dài, gian nan phía trước để thay đổi diện mạo V-League, song ít nhất với những thể hiện trong ngày nhậm chức vừa qua, người ta có thể hy vọng vào sự thay đổi tích cực của V-League từ đôi bàn tay tân trưởng giải Koji.

Ông Tanaka Koji: “Bóng đá cơ bản là phải đẹp”

“J-League ở Nhật Bản chúng tôi đã tồn tại và phát triển được 21 năm. Để so sánh giữa J-League và V-League là rất khó, vì ở Việt Nam, bóng đá chuyên nghiệp mới đang dần định hình. Tôi nghĩ về cơ bản, bóng đá là phải mang lại cái đẹp. Có như thế mới kéo được khán giả đến sân thưởng thức. Họ đến để chiêm ngưỡng những pha bóng hay, những bàn thắng đẳng cấp, chứ không đến để xem bạo lực, đánh nhau. Tôi nghĩ các CLB cần siết chặt kỷ luật hơn nữa để các cầu thủ biết trân trọng đối phương hơn. Có như thế môi trường bóng đá chuyên nghiệp mới có cơ sở để được hình thành rõ nét hơn”.