Tấn công mạnh tín dụng "đen"

ANTD.VN - Thời gian qua, hoạt động tín dụng “đen” trên địa bàn TP Hà Nội có nhiều diễn biến phức tạp, đi kèm theo đó là những hệ lụy đối với công tác giữ gìn ANTT. CAQ Hai Bà Trưng đã có nhiều giải pháp  phòng ngừa hiệu quả.

Hoạt động kinh doanh cầm đồ, cho vay tài chính luôn tiềm ẩn những cạm bẫy khó lường

Người có nhu cầu vay tiền chỉ cần đến những cửa hàng cầm đồ hay liên hệ theo số điện thoại từ những quảng cáo rao vặt cho vay tài chính… được dán khắp nơi với nhiều nội dung hấp dẫn mà không cần thế chấp tài sản. Tuy nhiên, đằng sau các dịch vụ này là những cạm bẫy khó lường…

Góc khuất của tín dụng “đen”  

Do thủ tục đơn giản, không cần tài sản thế chấp, chỉ cần mang các giấy tờ tùy thân như chứng minh nhân dân, thẻ căn cước, thẻ sinh viên, sổ hộ khẩu… để làm tin, mọi người đều có thể vay được tiền theo nhu cầu. Tuy nhiên, “con nợ” sẽ phải chấp nhận lãi suất cắt cổ (từ 20-30%) trên tổng số tiền vay được tính theo ngày. Sau một thời gian trả lãi, nhiều “con nợ” lâm vào tình trạng phá sản, mất khả năng chi trả phải bỏ trốn rồi bị các chủ nợ sử dụng các hành vi vi phạm pháp luật để đòi nợ. 

Nhiều vụ đổ chất bẩn, hủy hoại tài sản, cưỡng đoạt tài sản, thậm chí giết người có nguyên nhân xuất phát từ vay, nợ hay hoạt động tín dụng “đen” liên tục gia tăng, gây bức xúc trong xã hội. 

Điển hình, ngày 26-11-2016, Tạ Huy Hoàng (SN 1994, trú tại ngõ 51 Lương Khánh Thiện, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội) và Bùi Hoàng Long (SN 1988, trú tại tòa nhà 57 Vũ Trọng Phụng, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội) đã đánh, ép bà Lưu Thị Hồng (SN 1960, ở nhà E7 Quỳnh Mai, quận Hai Bà Trưng) viết giấy vay nợ tiền do bà Hồng vay của Hoàng và Long không trả.

Hay như vụ Trương Kỳ Anh (SN 1997, trú tại tổ 11, phường Lĩnh Nam) và Đoàn Hoàng Bá Lộc (SN 1994, trú tại phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai), ngày 21-12-2016, đến nhà ông Hồ Việt Điền (SN 1949, ở 34 ngõ Trại Cá, phường Trương Định, quận Hai Bà Trưng) đổ chất bẩn vào nhà ông Điền vì lý do con trai ông này nợ tiền không trả.

Chỉ huy CAQ Hai Bà Trưng cho biết, CAQ đã điều tra cơ bản toàn diện, tiến tới phòng ngừa, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật đối với cơ sở kinh doanh tài chính trên địa bàn. Theo thống kê sơ bộ, trên toàn quận Hai Bà Trưng có 119 cơ sở kinh doanh tài chính có đăng ký kinh doanh, trong đó, cầm đồ có 92 cơ sở, còn công ty tài chính có 27 cơ sở. So với các cơ sở có đăng ký kinh doanh, các cơ sở hoạt động cho vay tài chính, tín dụng “đen” chiếm số lượng gần gấp đôi.

Coi trọng công tác phòng ngừa

Trao đổi với phóng viên Báo ANTĐ, luật sư Vũ Quang Vượng, Giám đốc Công ty Luật TNHH Quang Vượng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, qua những vụ án đã xảy ra cho thấy, đa số bị hại liên quan đến cầm đồ, vay tài chính hay tín dụng “đen” thường là các tiểu thương, công nhân, sinh viên và người dân có nhu cầu về tài chính cấp thiết hoặc thậm chí là những đối tượng có máu cờ bạc. Khi dính vào những hoạt động này, họ trở thành nạn nhân của việc “buôn” tiền ngoài pháp luật. 

Thượng tá Nguyễn Thành Tín, Phó trưởng CAQ Hai Bà Trưng cho biết, trong quá trình đấu tranh, phòng chống tội phạm núp bóng cầm đồ, cho vay tài chính, tín dụng “đen”, Ban chỉ huy CAQ đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, Công an các phường trên địa bàn tập trung điều tra, rà soát nắm chắc các cơ sở, đối tượng tham gia hoạt động này.

CAQ đã khám phá 5 vụ án, bắt giữ 10 đối tượng phạm các tội “Cướp tài sản”, “Bắt giữ người trái pháp luật”; điều tra làm rõ 4 đối tượng có hành vi đổ chất bẩn. Hiện CAQ cũng đang tập trung điều tra làm rõ vụ việc có dấu hiệu “Cố ý gây thương tích”, nguyên nhân từ tín dụng “đen” xảy ra tại phường Lê Đại Hành, để xử lý theo quy định của pháp luật.

Chỉ huy CAP Bách Khoa chia sẻ, để đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật đối với cơ sở cầm đồ, kinh doanh tài chính trên địa bàn, CAP luôn chú trọng làm tốt công tác điều tra cơ bản, nắm chắc tình hình địa bàn.

Yêu cầu cảnh sát khu vực, trinh sát địa bàn nắm chắc địa bàn quản lý, tình hình của các đối tượng hoạt động tín dụng “đen” trên địa bàn; báo cáo kịp thời tình hình thực tiễn để có những biện pháp xử lý có hiệu quả, đúng quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, đơn vị luôn có sự trao đổi thông tin kịp thời, đầy đủ với các đơn vị chức năng để có biện pháp xử lý nghiêm minh, mang tính răn đe các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật.