Tấn công mạng ngày càng tinh vi và có chủ đích

ANTD.VN - Các cuộc tấn công của tin tặc không còn chỉ dừng lại ở mục đích kinh tế, mà còn nhằm vào các mục đích chính trị nên hậu quả vô cùng lớn. 

Từ đầu năm 2017 đến nay, các sự cố trên không gian mạng Việt Nam tiếp tục có những diễn biến phức tạp. Điển hình như vụ tấn công của mã độc WannaCry hồi đầu năm 2017 hay mới đây là dấu hiệu “chiến dịch tấn công mạng” có chủ đích (APT). Ông Nguyễn Khắc Lịch, Phó Giám đốc Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) đã trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề này.

Tấn công mạng ngày càng tinh vi và có chủ đích ảnh 1Ông Nguyễn Khắc Lịch, Phó Giám đốc Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam

- PV: Theo thống kê của VNCERT, từ đầu năm đến nay, Việt Nam có gần 10.000 cuộc tấn mạng, trong khi năm 2016, con số này là hơn 100.000 cuộc tấn công. Phải chăng, số lượng các cuộc tấn công mạng đã giảm đi rõ rệt, thưa ông?

- Ông Nguyễn Khắc Lịch, Phó Giám đốc VNCERT: VNCERT đã cảnh báo từ đầu năm, tin tặc tấn công ngày càng có chủ đích hơn, ngoài mục đích kinh tế, các cuộc tấn công còn có thể nhằm mục đích chính trị. Do đó, hậu quả sẽ lớn hơn, thậm chí là thảm họa. Ví dụ, tin tặc có xu hướng tấn công hệ thống thông tin quan trọng của quốc gia như sân bay, hệ thống viễn thông, điện lực… 

- VNCERT mới phát đi cảnh báo về cuộc tấn công APT vào Việt Nam. Theo các chuyên gia, mã độc này xuất hiện từ năm 2012. Vậy ông đánh giá thế nào về nhận thức của tổ chức, cá nhân về an toàn thông tin tại Việt Nam?

- Về lỗ hổng mà VNCERT vừa cảnh báo trong văn bản mới nhất, có 2 lỗ hổng, một là CVE-2012 và lỗ hổng mới là CVE-2017. Trong đó, một số mã độc tấn công do tin tặc tạo ra khai thác đồng thời cả 2 lỗ hổng, chứng tỏ người sử dụng, các cán bộ kỹ thuật, quản trị mạng của cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa quan tâm sát sao đến an ninh an toàn thông tin. Khi VNCERT cảnh báo, bộ phận kỹ thuật phải vá các lỗ hổng ấy, đúng nguồn, đúng hãng. Ví dụ lỗ hổng của Microsoft Office thì phải dùng bản vá của Microsoft. Còn nếu vá bằng bản vá khác lại dẫn tới nguy cơ khác.

- Theo đánh giá của VNCERT, mã độc tấn công APT vừa được cảnh báo nguy hiểm như thế nào, thưa ông?

- Mã độc tấn công APT như Việt Nam vừa cảnh báo là mã độc tinh vi, có khả năng phát hiện môi trường và phân tích để tránh bị phát hiện. Mã độc sau khi đã cài vào hệ thống thì tiếp tục leo thang đặc quyền để khám phá các vùng xung quanh, từ máy trạm leo lên máy chủ và từ máy chủ sẽ hủy hoại, nghe trộm, đánh cắp thông tin từ máy chủ bên ngoài lãnh thổ, trực tiếp thâm nhập hệ thống thông tin của Việt Nam. 

Mã độc tấn công APT không chỉ tấn công hệ thống thông tin của các tổ chức đó mà nó còn lợi dụng các lỗ hổng để tấn công sang những tổ chức khác, lợi dụng tài nguyên đó để tấn công. Vì vậy khi có một sự cố hoặc một tổ chức bị tấn công thì phải kịp thời liên hệ với VNCERT để cảnh báo cho toàn thể cộng đồng và hỗ trợ ngăn chặn.

Tấn công mạng ngày càng tinh vi và có chủ đích ảnh 2Thủ đoạn tấn công mạng ngày càng tinh vi

- VNCERT vừa điều phối diễn tập quốc tế ứng cứu sự cố mạng với sự tham gia của 15 đội đến từ Việt Nam và các nước. Sự kiện này sẽ góp phần nâng cao nhận thức của các cơ quan, đơn vị, cá nhân về an ninh mạng, thưa ông?

- Trong cấu trúc để đảm bảo an toàn thông tin mạng, mỗi quốc gia sẽ phải thành lập một mạng lưới hoặc một đội ứng cứu sự cố quốc gia để khi xảy ra sự cố sẽ có ngay đội ứng cứu chuyên trách để khắc phục, ngăn chặn, tìm ra nguyên nhân, phòng ngừa… Mạng lưới này phải diễn tập thường xuyên với phương thức, tình huống khác nhau, từ đó nâng cao kỹ năng, khả năng phòng thủ và bảo vệ trước hiểm họa tấn công mạng, cả điều phối, kỹ năng. 

- Ông đánh giá thế nào về sự phối hợp của các cơ quan, đơn vị trong mạng lưới ứng cứu sự cố mạng tại Việt Nam?

- Việt Nam sẽ hình thành mạng lưới ứng cứu sự cố trên toàn quốc. Khi xảy ra sự cố với một thành viên nào đó, VNCERT sẽ điều động đơn vị thành viên tham gia nếu cơ quan tổ chức đó không xử lý được, hoặc ngăn chặn giúp tấn công từ Việt Nam đi quốc tế. 

- Cảm ơn ông!