Tâm tư của những “hoàng đế” vỉa hè

(ANTĐ) - Trên sàn diễn họ là những ông hoàng, bà chúa sống trong lầu son gác tía, với hàng trăm kẻ hầu người hạ. Thế nhưng, khi bức màn sân khấu hạ xuống, họ quay trở về với đời sống thực của mình là những “túp lều” tạm bợ chốn vỉa hè. Suốt 25 năm qua gần 40 hộ dân số nhà 50 phố Đào Duy Từ, quận Hoàn Kiếm luôn tự nhận mình là những hoàng đế, chỉ có điều cũng chừng ấy năm họ vẫn chỉ là những “hoàng đế” vỉa hè.

Tâm tư của những “hoàng đế” vỉa hè

Bài 1: Họa vô đơn chí

(ANTĐ) - Trên sàn diễn họ là những ông hoàng, bà chúa sống trong lầu son gác tía, với hàng trăm kẻ hầu người hạ. Thế nhưng, khi bức màn sân khấu hạ xuống, họ quay trở về với đời sống thực của mình là những “túp lều” tạm bợ chốn vỉa hè. Suốt 25 năm qua gần 40 hộ dân số nhà 50 phố Đào Duy Từ, quận Hoàn Kiếm luôn tự nhận mình là những hoàng đế, chỉ có điều cũng chừng ấy năm họ vẫn chỉ là những “hoàng đế” vỉa hè.

Ôn lại chuyện cũ

Kể lại với chúng tôi về cái “tước hiệu” tự phong này, cụ Trần Minh Hoàng, một người dân tại đây cười khà khà: Chú em tính, 25 năm chúng tôi lấn chiếm vỉa hè để làm nhà ở mà không cơ quan nào “dám” đến giải tỏa đã đủ để coi mình là “hoàng đế” chưa? Có lẽ cả thành phố, không có dân phố nào lại dám “ngang” như mấy chục hộ dân của số nhà 50 này.

Tất nhiên, câu nói trên của cụ Hoàng chỉ là những lời đùa vui trong lúc trà dư tửu hậu. Với rất nhiều người Hà Nội, đặc biệt là các khu phố cổ luôn tồn tại những bất hợp lý đến khó tin.

Phố Đào Duy Từ cũng không nằm ngoài ngoại lệ ấy, một con phố nhỏ dài chưa tới 100m nhưng lại có đến ngót nửa phố người dân làm nhà ngay trên vỉa hè. Cụ Hoàng cắt nghĩa về cái lý lịch “lên ngôi” của dãy nhà mình bằng dòng hồi tưởng từ cách đây hơn 20 năm: Tháng 3-1983 một trận hỏa hoạn khủng khiếp đã thiêu rụi rạp hát Quảng Lạc tại địa chỉ số 50 phố Đào Duy Từ.

Nhắc lại những chuyện trên, ông Kê bùi ngùi: Thôi thì những năm 80, đất nước còn khó khăn không nói làm gì, nhưng đến nay đã hơn 25 năm tất cả chúng tôi vẫn phải chấp nhận cuộc sống tạm bợ này.

Rạp hát Quảng Lạc nguyên là nơi biểu diễn của đoàn chèo Lạc Việt - một cái tên không xa lạ gì với công chúng yêu nghệ thuật Hà Nội từ những ngày còn thuộc Pháp. Rất nhiều người Hà Nội vẫn còn nhớ đến những nghệ danh nổi tiếng một thời như: Ba Tuyên, Thanh Nhã, Kim Phụng... từng thành danh tại sân khấu này.

Năm 1960, do đất nước lúc đó có chiến tranh, không có điều kiện tu sửa nên rạp Quảng Lạc bắt đầu xuống cấp, được sử dụng làm nơi ăn chốn ở cho đa số gia đình các diễn viên, nhân viên của đoàn chèo. Phần sân khấu biểu diễn thì được chuyển sang rạp Kim Lan. Thế là nghiễm nhiên nơi đây thành nhà của gần 80 cặp vợ chồng diễn viên nghệ sĩ tuồng, chèo.

Hồi ức này của cụ Hoàng được ông Nguyễn Kim Kê, nguyên là tổ trưởng cũ của tổ dân phố khẳng định thêm lần nữa: Hồi ấy đất nước khó khăn, đa phần các gia đình đều nghèo nên họ dựng nhà từ tre liếp trên nền rạp hát. Một số khác tận dụng những căn phòng trên tầng 2 của rạp rồi tự ngăn phòng bằng giấy dầu.

Những ngôi nhà trên vỉa hè
Những ngôi nhà trên vỉa hè

Các cặp vợ chồng nghệ sỹ cứ thế sinh con đẻ cái cho đến năm 1983, trận hỏa hoạn nọ “đẩy” tất cả chúng tôi ra... vỉa hè. Ông Kê vốn là một diễn viên của rạp từ năm 1964 khi còn là cậu thanh niên 20 tuổi, vẫn nhớ như in cái ngày khó khăn ấy: Sau khi trận hỏa hoạn xảy ra, tôi còn nhớ các vị lãnh đạo thành phố  xuống động viên thăm hỏi bà con.

Họ đồng ý cho chúng tôi làm tạm nhà bằng tre nứa ra vỉa hè trước cửa rạp như một giải pháp tình thế chờ hướng giải quyết. Và cái sự chờ của người dân cứ kéo dài mãi đến tận bây giờ.

Chung một số nhà, chung một số phận

Nhắc lại những chuyện trên, ông Kê bùi ngùi: Thôi thì những năm 80, đất nước còn khó khăn không nói làm gì, nhưng đến nay đã hơn 25 năm tất cả chúng tôi vẫn phải chấp nhận cuộc sống tạm bợ này. Ban đầu, do rạp Quảng Lạc được đánh số 50 nên tất cả các hộ dân nơi đây đều lấy chung một địa chỉ.

Trước đây những diễn viên đoàn tuồng chèo Lạc Việt cư ngụ tại rạp Quảng Lạc thuộc sự quản lý của Sở Văn hóa Hà Nội cũ. Đến năm 1966 thì bị chia tách, bộ phận diễn viên tuồng thì chuyển về Nhà hát tuồng Trung ương, bộ phận chèo thì về Nhà hát chèo Hà Nội. Thời gian trôi đi, vụ cháy cũng rơi vào quên lãng thành ra những con người này cũng bị lãng quên luôn.

Ông Kê chỉ sang nhà hàng xóm sát vách nói: “Như nhà tôi còn đỡ vì nhà nằm ở phía sân khấu của rạp, khi cháy chỉ bị thiệt hại phần nào chứ nhà anh Thắng bên cạnh trước ở trên tầng 2 của rạp thì chỉ còn nước ra... đường.

Ngày còn sống, ông cụ thân sinh  ra anh Thắng là Đinh Bá ấu vốn là một diễn viên lão làng của rạp cứ mong ngóng mãi sẽ có ngày nhà nước hỗ trợ xây lại cho mình một mái nhà. Thế mà đến tận lúc mất, gia đình anh Thắng vẫn phải quàn ông cụ trong ngôi nhà dựng tạm trên vỉa hè. Rồi đến cụ bà cũng vậy, ngày tang lễ con cháu phải đứng dưới lòng đường vái vọng vào trong”.

Giọng ông Kê chùng xuống: “Tôi nói điều này chẳng biết có nên tự hào không, chứ riêng các hộ dân của số nhà 50 Đào Duy Từ này, mỗi khi gia đình có việc ma chay, hiếu hỉ thì nghiễm nhiên “được phép” làm... ách tắc giao thông. Vì sao à? Vì cái nhà tạm trên vỉa hè quá chật nên người dân đành lấn ra giữa lòng đường. Cũng chẳng ai muốn thế đâu, nhưng mà không làm thế thì cũng chẳng còn cách nào khác cả”.                    

(Còn nữa)

Nguyễn Long