Tấm lòng với những bệnh nhân cùng đường
(ANTĐ) - Không biết từ bao giờ, trong xã hội người ta lại gán cho các y, bác sĩ chuyên điều trị bệnh nhân AIDS một quan niệm kỳ cục thế này: “Chuột chạy cùng sào mới vào chữa AIDS”. Đa phần người ta cho rằng: Bệnh AIDS thì chẳng chữa được, bệnh nhân AIDS tập trung số lớn những đối tượng bất hảo, cho nên có chữa cũng bằng... thừa. Hàm ý câu nói là, chỉ những bác sĩ “có vấn đề” mới phải đi làm cái việc “dã tràng xe cát” ấy.
Chị Nguyễn Thị Như Mai, điều dưỡng viên Khoa virus ký sinh trùng HIV-AIDS thuộc Viện Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới đã công tác trong ngành y hơn ba chục năm nay. Nghe tôi nhắc tới cái định kiến kia bèn lắc đầu quầy quậy phủ nhận thẳng thừng: Anh nhầm. Lý luận của chị Mai là thế này: Nếu so với những căn bệnh nan y khác như: ung thư, tai biến mạch máu não... thì tỉ lệ sống của những bệnh nhân AIDS còn cao gấp nhiều lần. Cái định kiến kia sở dĩ đến giờ còn tồn tại cũng bởi hiện nay, nhiều người vẫn còn tư tưởng kỳ thị với người nhiễm AIDS.
Thông thường hiện nay, với những bệnh nhân không may nhiễm HIV-AIDS sẽ được hỗ trợ điều trị ngay từ tuyến cơ sở. Viện Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới chỉ điều trị cho những bệnh nhân AIDS mắc các chứng nhiễm trùng cơ hội mà các cơ sở tuyến dưới không phát hiện được đồng thời quản lý điều trị cho khoảng 1.000 bệnh nhân ngoại trú. Cộng với việc phải luôn luôn đối phó với những căn bệnh truyền nhiễm khác như H5N1, tiêu chảy cấp... nên nơi đây luôn trong tình trạng quá tải. Tất nhiên, theo chị Mai, những căn bệnh kia chỉ là “thời vụ” còn việc “trường kỳ” chống AIDS mới là việc chính.
Hầu hết những người công tác lâu năm như chị Mai đều có mặt kể từ khi ca nhiễm HIV-AIDS đầu tiên có mặt tại Việt Nam từ đầu những năm 90. Chính vì thế việc “sống chung với AIDS” mặc nhiên được các y, bác sĩ ở đây coi là chuyện hết sức bình thường. Bình thường đến nỗi những việc chẳng may bị phơi nhiễm đối với các y, bác sĩ cũng là chuyện không lấy gì làm to tát. Bản thân chị cũng đã có vài lần bị kim kiêm đâm vào tay trong lúc chăm sóc bệnh nhân.
Chị Mai giải thích: “Làm bao nhiêu năm trong nghề, không thể không có lúc sơ ý. Nhưng cũng chính vì hiểu việc mình làm nên những khi bị sự cố như thế, mình đều có phương cách giải quyết bằng cách uống thuốc phòng và làm các kiểm tra xét nghiệm”. Bác sĩ Phó Trưởng khoa Trần Tiến Lâm thì không nhớ nổi mình đã bao nhiêu lần phải đóng vai hòa giải viên cho các nữ y tá trẻ của mình.
Anh kể: Nhiều cô y tá trẻ mới ra trường xung phong về khoa này nhận công tác, được mấy bữa các cô thút thít gặp sếp nằng nặc xin chuyển khoa. Gặng hỏi mới ra nhẽ, thì ra mấy anh chồng nghe tin vợ đi chăm sóc bệnh nhân AIDS bèn về bắt vợ bỏ việc cho kỳ được. Những lúc như thế, anh lại phải huy động cả ê-kíp lãnh đạo đến tận nhà làm công tác tư tưởng cho gia đình. Thế cho nên, bác sĩ Lâm kết luận, nghề này không có tâm thì không làm được.
Chăm sóc bệnh nhân AIDS là một việc đòi hỏi người bác sĩ phải có sự mềm mỏng và thông cảm với người bệnh. Đa phần, họ mang mặc cảm tự ti. Không ít người trong số đó có tâm trạng chống đối hoặc bất hợp tác, cho nên nhiều khi bác sĩ phải chiều bệnh nhân như... chiều vong.
Chị Trần Lê Na, điều dưỡng trưởng còn nhớ như in một trường hợp mới đây chị đã phải năn nỉ bệnh nhân đến khổ sở thế nào. Chuyện là có một cặp vợ chồng nhiễm AIDS phải nhập viện. Sau vài ngày điều trị, bệnh tình thuyên giảm, các bác sĩ làm thủ tục xuất viện cho bệnh nhân.
Đến lúc thu tiền viện phí, anh chồng ngực xăm trổ đầy rồng phượng thay vì đưa hóa đơn thanh toán thì lại lẳng lặng vào phòng bác sĩ ném đánh xoảng một con dao lên bàn nói: “Thưa các cô, cháu vợ đau con yếu, lại mới đi tù về được có hơn tháng. Tiền nong chẳng có, nếu các cô thương thì cho cháu về, bằng không, cháu để vợ con cháu lại rồi ra kia cướp được đồng nào sẽ xin vào nộp cho các cô sau”.
Cái thằng mắt đỏ sọc, miệng toàn hơi rượu thế kia nó dám làm liều lắm, bây giờ mà cứ “nguyên tắc” thì khéo không những nó ra đường gây án rồi lại đi tù mà còn có người chết oan - chị Na nghĩ thế nên bấm bụng ngọt nhạt dỗ dành. Mình phải tùy cơ ứng biến chứ - chị nói. Thế là lại phải hướng dẫn cho bệnh nhân làm đủ thủ tục, đơn từ để xin miễn viện phí, rút cuộc rồi cũng xong.
Chị Na kết luận: “Bệnh nhân AIDS vào đến đây, đa phần là cùng đường rồi. Họ tìm đến mình dĩ nhiên là coi mình như một lối thoát. Lẽ nào là bác sĩ giúp được mà không giúp”. Tôi gật đầu xác nhận: Lối thoát ấy đôi khi không thể mở bằng những quy tắc đong đếm thông thường mà đòi hỏi phải được mở bằng những trái tim - phải không chị?
Nguyễn Long