Tạm dừng xuất khẩu 5 loại rau quả sang EU

ANTĐ - Vụ Thị trường châu Âu vừa phát đi cảnh báo của Liên minh châu Âu (EU) về việc rau, quả Việt Nam có thể bị cấm xuất khẩu sang thị trường này. Đây là lần thứ ba, rau quả Việt Nam bị EU cảnh báo vì có vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm (ATTP).
Tạm dừng xuất khẩu 5 loại rau quả sang EU ảnh 1
Có doanh nghiệp dù chưa bao giờ bị cảnh báo vi phạm vệ sinh ATTP nhưng vẫn phải tạm ngừng xuất khẩu

Con sâu làm rầu nồi canh?

Tính từ ngày 1-2-2014 đến nay, Tổng vụ Sức khỏe và Người tiêu dùng của Ủy ban châu Âu EC đã được các nước thành viên EU thông báo 3 lần liên tiếp về việc 3 chuyến hàng nhập khẩu từ Việt Nam vào EU bị phát hiện có vi khuẩn gây hại sức khỏe người tiêu dùng trên cây húng quế và mướp đắng. 

Theo quy định của EU, trong 1 năm, nếu có 5 vụ cảnh báo liên tiếp thì EU sẽ tạm dừng nhập khẩu và kiểm tra ATTP, dư lượng kháng sinh. Như vậy, nếu phát hiện thêm 2 lô hàng nữa trong thời gian từ nay đến ngày 1-2-2015 thì EU sẽ chính thức ban hành lệnh cấm nhập khẩu rau, quả từ Việt Nam. Tuy nhiên, chỉ một số loại rau thơm, rau gia vị của Việt Nam (gồm húng quế, ớt, cần tây, mướp đắng và mùi tàu) bị cấm chứ không phải rau, quả nói chung của Việt Nam. Mỗi năm, xuất khẩu rau thơm, rau gia vị của Việt Nam sang EU khoảng gần 1 triệu USD, so với kim ngạch xuất khẩu của cả nước không lớn nhưng để xuất khẩu được 1 triệu USD rau gia vị thì đây là con số không nhỏ. 

Nếu bị cấm xuất khẩu sang EU sẽ tác động về mặt uy tín cho hàng hóa Việt Nam nói chung, đặc biệt tác động không nhỏ đến người nông dân. Đứng trước nguy cơ này, Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) đã dừng làm thủ tục xuất khẩu 5 loại rau, quả nói trên của tất cả các doanh nghiệp vào EU. Thời gian tạm ngừng từ nay đến ngày 1-2-2015. Trước đó, giữa năm 2012, Cục BVTV cũng đã tạm dừng làm thủ tục xuất khẩu 5 loại rau gia vị này vào EU do lo ngại sẽ mất thị trường này. Theo Cục BVTV, biện pháp tạm ngừng này nhằm bảo vệ thị trường xuất khẩu rau quả Việt Nam nói chung, bởi 50 loại rau quả khác của Việt Nam được xếp vào nhóm có nguy cơ thấp về vệ sinh ATTP vẫn xuất khẩu vào thị trường này.

Việc Cục BVTV tạm ngừng xuất khẩu đối với tất cả các doanh nghiệp đã khiến không ít đơn vị rơi vào cảnh “quýt làm cam chịu”. Vì một số doanh nghiệp cho dù chưa bao giờ bị cảnh báo vi phạm vệ sinh ATTP xuất khẩu vào EU nhưng mỗi lần có cảnh báo thì họ đều phải tạm ngừng hoạt động. Không chỉ doanh nghiệp, mà nông dân cũng nằm trong chuỗi bị ảnh 

hưởng này. 

Khâu vận chuyển vẫn bỏ ngỏ kiểm soát

Ông Hoàng Trung, Phó Cục trưởng Cục BVTV cho hay, sau khi bị EU cảnh báo, Cục BVTV đã làm việc với các doanh nghiệp và một số đã thừa nhận, khi được cơ quan kiểm dịch thực vật làm thủ tục kiểm dịch xong, trong quá trình đưa ra sân bay, họ đã cố tình cho thêm vào một lượng rau khác chưa được kiểm dịch để tăng số lượng lô hàng. Cũng theo ông Hoàng Trung, việc xử lý các loại côn trùng này cũng rất đơn giản, không khó. Chỉ cần thu hoạch xong rửa cho sạch, làm khô là có thể loại bỏ hết côn trùng.

Lý giải về tạm dừng làm thủ tục xuất khẩu đối với tất cả các doanh nghiệp, ông Hoàng Trung cho rằng, đây là biện pháp cần thiết vì biết đâu trong số các doanh nghiệp còn lại cũng đang gian lận vi phạm, chẳng qua chưa bị phát hiện? “Hiện cơ quan kiểm dịch thực vật cũng chỉ kiểm soát được nguồn hàng từ nơi sản xuất đến nơi kiểm dịch, còn kiểm dịch xong, đưa ra sân bay họ cố tình cho thêm hàng ngoài kiểm dịch lẫn vào thì làm sao chúng tôi kiểm soát được?”, ông Hoàng Trung cho biết.

“Những côn trùng mà EU phát hiện ở Việt Nam là rất phổ biến, nhìn đâu cũng thấy nhưng EU lại cấm. Cục BVTV cũng đã nhiều lần kiến nghị với EU các loại ruồi đục quả là côn trùng bình thường ở nước nhiệt đới và không gây độc hại, đồng thời kiến nghị họ dỡ bỏ dần việc kiểm soát các loại côn trùng này”, ông Hoàng Trung cho biết. Ngoài ra Cục BTVT sẽ làm việc với phía EU để nâng tỷ lệ kiểm soát vi phạm, vì trung bình một năm, Việt Nam xuất khẩu khoảng 15.000 lô rau, quả sang EU, trong khi tỷ lệ vi phạm chỉ giới hạn tối đa 5 lô (chiếm 0,03%), quy định này khá khắt khe.