Tai nạn máy bay QZ8501 của AirAsia: Ưu tiên hàng đầu là tìm kiếm thi thể nạn nhân

ANTĐ - Hy vọng tìm được người sống sót trên chuyến bay QZ8501 của hãng hàng không AirAsia gần như không còn khi ngày 30-12 hải quân Indonesia thông báo phát hiện và trục vớt được thi thể nạn nhân trôi dạt trên biển. 

Tai nạn máy bay QZ8501 của AirAsia: Ưu tiên hàng đầu là tìm kiếm thi thể nạn nhân ảnh 1Lực lượng tìm kiếm cứu hộ của Indonesia cùng những di vật trục vớt từ biển

Tối 30-12, tại Surabaya, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã chủ trì cuộc họp báo về vụ máy bay mất tích của hãng AirAsia sau khi từ hiện trường tìm kiếm cứu hộ trở về. Ông Widodo cảm ơn các quốc gia hỗ trợ Indonesia trong công cuộc tìm kiếm và tuyên bố “ưu tiên hàng đầu” là tìm kiếm thi thể nạn nhân và xác máy bay, mặc dù công tác này hiện gặp khó khăn do tại hiện trường thời tiết xấu, sóng cao 2-3m. “Đối với gia đình các nạn nhân, tôi xin chia sẻ nỗi mất mát to lớn này. Tất cả chúng ta đều nguyện cầu cho các thân nhân trụ vững trong nỗi đau”.

Cùng ngày, người đứng đầu Cơ quan tìm kiếm và cứu hộ quốc gia Indonesia, ông F.Henry 

Bambang Sulistyo xác nhận đến tối 30-12, lực lượng cứu hộ mới chỉ trục vớt được 3 thi thể nạn nhân. Chiều cùng ngày, có nguồn tin cho biết đã phát hiện được 40 thi thể hành khách, nhưng theo xác nhận của cơ quan trực tiếp tìm kiếm, đó là do sai lệch trong truyền đạt thông tin. 

Sau hai ngày tìm kiếm chiếc máy bay A320-200 số hiệu QZ8501 chở 162 người mất tích trên vùng biển Indonesia sáng 28-12, lực lượng chức năng Indonesia đã phát hiện một số vật thể của máy trên biển. Vị trí phát hiện này cách thị trấn Pangkalan Bun thuộc đảo Borneo khoảng 160km về phía tây nam, cách nơi máy bay mất tín hiệu trên màn hình radar của đài kiểm soát không lưu chỉ 10 km. 12h50 ngày 30-12, máy bay của lực lượng không quân Indonesia tiếp tục thông báo về một “bóng đen dưới biển” có hình máy bay. Ông F.Henry Bambang Sulistyo sau đó đã khẳng định, bóng đen này là chính là chiếc máy bay QZ8501 bị chìm. 

Tại Surabaya, thân nhân của hành khách trên chuyến bay gặp nạn đã bật khóc khi họ xem đoạn băng hình phát trên truyền hình chiếu cảnh phát hiện thi thể nổi trên biển đầu tiên. Ít nhất 2 thân nhân đã ngất xỉu trong phòng chờ tại Surabaya. Munif, một người đàn ông 50 tuổi đang ngóng chờ tin tức của em trai Siti Rahmah trên chuyến bay này cho biết, sau cảnh quay đó, các thân nhân trở nên cuồng loạn, họ gào khóc và la hét thảm thiết.

Khắp các trang mạng phản ánh diễn biến vụ tai nạn hôm qua là hình ảnh người thân của các nạn nhân trên chuyến bay QZ8501 suy sụp trong nỗi đau tột cùng. Năm 2014 đã khép lại, năm mới đến, hy vọng an toàn hàng không được cải thiện để nỗi ám ảnh “quan tài bay” được xua tan.

Chuyên gia Australia: Sai lầm khi bay thẳng vào “xưởng tạo bão”

Hôm qua 30-12, ông Neil Hansford - một chuyên gia hàng không Australia cho rằng, lỗi con người đã dẫn đến tai nạn máy bay QZ8501 của hãng AirAsia sau khi các phi công bay thẳng vào vùng nguy hiểm trên Biển Java. Theo ông Hansford, hoặc cơ trưởng người Indonesia hoặc phi công người Pháp của chiếc QZ8501 đã hoạch định một đường bay không an toàn. Ông 
Hansford cho biết, các phi công có kinh nghiệm thường tránh bay vào khu vực này. “Họ gọi đó là “xưởng tạo bão”. Bạn phải chọn đường bay vòng để tránh nó, chứ không phải bay xuyên qua nó”, ông Hansford phân tích. Vị chuyên gia hàng không Australia nhận định, người nào vạch ra lộ trình bay cho chiếc QZ8501 đã phạm phải một sai lầm chết người và vụ việc trên là lỗi của con người chứ không phải do lỗi động cơ.