Tai nạn giao thông thảm khốc ở Quảng Nam: Lái xe đã chết, ai phải bồi thường?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sau vụ tai nạn giao thông thảm khốc ở Quảng Nam khiến 10 người chết, nhiều người bị thương, một số bạn đọc hỏi, lái xe vi phạm quy định về ATGT gây ra tai nạn cũng tử vong thì trách nhiệm bồi thường thuộc về ai?

Theo cơ quan chức năng, khi xảy ra tai nạn, xe khách 16 chỗ chỉ được chở tối đa 19 người (gồm cả lái xe và phụ xe) song xe này đã chở 21 người, vượt quá số người quy định. Ngoài ra, tốc độ khi xảy ra va chạm là 69 km/h trong khi đoạn đường này chỉ cho phép chạy 60 km/h.

Như vậy, theo quy định hiện hành lái xe đã có hành vi chở quá số người quy định và chạy quá tốc độ gây tai nạn - luật sư Nguyễn Thị Thu - Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết.

Về chế tài xử phạt, Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định, phạt tiền từ 400-600.000 đồng với người điều khiển xe ô tô chở người trên buồng lái quá số lượng quy định.

Phạt tiền từ 1-2 triệu đồng/ mỗi người vượt quá quy định được phép chở của phương tiện nhưng tổng mức phạt tiền tối đa không vượt quá 75 triệu đồng đối với người điều khiển xe ô tô chở hành khách chạy tuyến có cự ly lớn hơn 300 km thực hiện hành vi vi phạm: Chở quá từ 2 người trở lên trên xe đến 9 chỗ, chở quá từ 3 người trở lên trên xe 10 chỗ đến xe 15 chỗ, chở quá từ 4 người trở lên trên xe 16 chỗ đến xe 30 chỗ, chở quá từ 5 người trở lên trên xe trên 30 chỗ.

Hiện trường vụ tai nạn giao thông thảm khốc ở Quảng Nam khiến hàng chục người thương vong

Hiện trường vụ tai nạn giao thông thảm khốc ở Quảng Nam khiến hàng chục người thương vong

Phạt tiền từ 400-600.000 đồng/mỗi người vượt quá quy định được phép chở của phương tiện nhưng tổng mức phạt tiền tối đa không vượt quá 75.000.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô chở hành khách, ô tô chở người (trừ xe buýt) thực hiện hành vi vi phạm: Chở quá từ 2 người trở lên trên xe đến 9 chỗ, chở quá từ 3 người trở lên trên xe 10 chỗ đến xe 15 chỗ, chở quá từ 4 người trở lên trên xe 16 chỗ đến xe 30 chỗ, chở quá từ 5 người trở lên trên xe trên 30 chỗ, trừ các hành vi vi phạm quy định tại khoản 4 Điều này.

Đối với hành vi chạy quá tốc độ, theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP, phạt tiền từ 10-12 triệu đồng đối với người điều khiển xe không chú ý quan sát, điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định gây tai nạn giao thông.

Ngoài việc bị phạt tiền, lái xe điều khiển xe ô tô chạy quá tốc độ gây tai nạn còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 2-4 tháng.

Nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, lái xe chở quá số người quy định và chạy quá tốc độ gây tai nạn khiến nhiều người tử vong có thể bị xử lý hình sự về Tội phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo Điều 260 BLHS 2015.

Do lái xe đã tử vong trong vụ tai nạn nên theo Điều 157 Bộ luật TTHS 2015, cơ quan chức năng có thể không khởi tố vụ án. Tuy vậy, trách nhiệm bồi thường thiệt hại vẫn đặt ra. Điều 601 Bộ luật Dân sự 2015 về bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra nêu rõ, xe ô tô là nguồn nguy hiểm cao độ.

Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu đã giao xe cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì người này phải bồi thường...

Khi chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.

Theo quy định trên, cơ quan chức năng sẽ điều tra nguyên nhân vụ tai nạn và xác định mức độ lỗi của mỗi bên. Nếu tai nạn hoàn toàn do lỗi của lái xe nhưng người này đã bị chết thì những người thừa kế của họ có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong phạm vi di sản thừa kế mà người đã chết để lại - Luật sư Thu nhấn mạnh.

Thiệt hại được bồi thường gồm chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại; Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; Chi phí hợp lý cho việc mai táng…