Tái khởi động siêu dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam

ANTĐ - Lãnh đạo Bộ GTVT vừa yêu cầu tái khởi động dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam. Năm 2010, Quốc hội đã bác bỏ chủ trương đầu tư dự án có vốn đầu tư theo khái toán khoảng 56 tỷ USD này. Trong bối cảnh nợ công đang khiến cả xã hội lo lắng thì siêu dự án này khiến nhiều người nghi ngại.

Tàu hỏa cao tốc 350km/h

Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu, lập đề án đường sắt cao tốc Bắc-Nam, phấn đấu trước năm 2020 sẽ trình Quốc hội báo cáo chủ trương xây dựng. Theo Chiến lược phát triển đường sắt đã được Thủ tướng phê duyệt đầu năm nay, trước năm 2020, ngành giao thông sẽ nghiên cứu xây dựng mới đường sắt tốc độ cao, đường sắt đôi khổ 1,435m, điện khí hóa trên trục Bắc - Nam, chuẩn bị xây dựng trước những đoạn tuyến có nhu cầu vận tải lớn như Hà Nội - Vinh, TP.HCM - Nha Trang. Từ năm 2020 đến năm 2030, ngành giao thông sẽ xây dựng hệ thống đường sắt đạt tốc độ chạy tàu 160-200km/giờ, đường đôi khổ 1,435m và nâng cấp hạ tầng để có thể khai thác tàu cao tốc 350km/giờ trong tương lai. Đến năm 2050 sẽ hoàn thành đường sắt đôi tốc độ cao khổ 1,435m trên toàn trục Bắc - Nam; sau 2050 sẽ khai thác tàu cao tốc 350km/giờ; hoàn thành tuyến đường sắt Tây Nguyên, đường sắt xuyên Á...

Năm 2010, Quốc hội đã không thông qua chủ trương đầu tư đường sắt cao tốc  Bắc - Nam với nhiều lý do. Ông Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết, Bộ GTVT đã nhận được gần 100 nội dung của Quốc hội yêu cầu phải giải trình. “Lý do tái khởi động lại dự án vào thời điểm này vì có thể nói đây là dự án lớn nhất từ trước đến nay của ngành giao thông nên phải nghiên cứu thấu đáo sẽ làm trong giai đoạn nào”, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết. Từ nay đến năm 2020, sẽ nghiên cứu các phương án, chủ trương đầu tư, huy động nguồn lực để có thể xây dựng sau năm 2020. Trong đó, tập trung nghiên cứu đoạn tuyến ưu tiên Hà Nội - Vinh, TP.HCM - Nha Trang. 

Tái khởi động siêu dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam ảnh 1

 Hệ thống hạ tầng đường sắt Việt Nam bị đánh giá là quá lạc hậu

Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Đông, dự án đường sắt này tương tự như sân bay Long Thành nên phải xem xét sự cần thiết đầu tư, khả năng huy động vốn, hiệu quả ban đầu của dự án, các yếu tố kinh tế xã hội, tài chính… “Đường sắt cao tốc Bắc - Nam chắc chắn sẽ có yếu tố xã hội hóa nhưng cụ thể hạng mục nào thì chưa có câu trả lời cụ thể vào thời điểm hiện tại”, lãnh đạo Bộ GTVT thông tin.

Không làm sẽ chậm?

Trước đó, ngành đường sắt tính toán làm tuyến đường sắt này tốn 33 tỷ USD (năm 2006) và 55,8 tỷ USD khi lập báo cáo dự án vào năm 2010. Theo Bộ GTVT, con số này là dựa trên suất đầu tư tham chiếu ước tính của các nước Hàn Quốc, Nhật Bản. Tuy nhiên, chúng ta khác họ là không sản xuất được nhiều máy móc, trang thiết bị, chi phí vay rất lớn bởi hầu hết dùng vốn vay thương mại, vay ODA. Như vậy, dù Bộ GTVT chưa thể trả lời, nhưng tổng mức đầu tư sẽ khó dừng lại ở con số 56 tỷ USD.

Giao thông hiện đứng đầu các ngành trong kêu gọi đầu tư xã hội hóa. Song cũng vì vậy, trong một số lĩnh vực như đường bộ, đã bộc lộ mặt hạn chế làm tăng gánh nặng thuế phí. Đặc biệt, tình hình nợ công đang là mối lo chung của hơn 90 triệu người dân Việt Nam.

Nhiều đại biểu Quốc hội, chuyên gia kinh tế cũng đã lên tiếng cảnh báo về tình trạng nợ công hiện nay. Do đó, siêu dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam với số vốn cực lớn đã làm dấy lên lo ngại về việc tăng gánh nặng nợ công. Về việc này, ông Nguyễn Ngọc Đông cho hay: “Tất cả mới đang tính toán và xây dựng phương án huy động vốn. Trong đó có phương án kêu gọi tư nhân đầu tư để giảm gánh nặng cho ngân sách”. 


Tính toán của Bộ GTVT cho thấy, đầu tư một kilomet đường sắt đắt gấp 4 lần đường bộ nhưng lại khó thu hồi vốn. Lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, JICA nhận định, từ nay đến năm 2030, nhu cầu vận tải tăng 4 lần, dù Việt Nam có triển khai những dự án hạ tầng lớn như sân bay Long Thành, đường bộ cao tốc Bắc - Nam thì vẫn bị nghẽn. Nghiên cứu của JICA cũng chỉ ra, Việt Nam sẽ mất tới 25-30 năm để xây dựng tuyến đường sắt này.

“Mốc dự kiến hoàn thành vào năm 2050 nếu ta bắt đầu làm từ sau năm 2020. Nếu không nghiên cứu mà chờ 10-15 năm nữa thì rất có thể bị chậm”, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông nói.