Tác động từ dịch Covid-19: Thách thức và cơ hội nào cho sinh viên sắp tốt nghiệp?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sinh viên sắp tốt nghiệp trong mùa dịch đối diện với nhiều khó khăn như có thể chậm tiến độ ra trường hay cơ hội việc làm bị ảnh hưởng do Covid-19. Tuy nhiên, với những người trẻ, rơi vào thế khó không có nghĩa là mọi cơ hội sẽ đóng sập trước mặt họ. 

Thách thức lớn…

Phần lớn sinh viên trong lúc đi học đã lựa chọn cho mình hình thức làm thêm phù hợp để trang trải chi phí học tập, sinh hoạt và phụ giúp cho gia đình. Tuy nhiên, trước những tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19, không ít sinh viên bị giảm thu nhập, thậm chí là mất việc làm, gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của mỗi người.

Trước đợt bùng dịch lần thứ 4, Phạm Thị Vân Anh (22 tuổi, sinh viên năm cuối Học viện Báo chí và Tuyên truyền) đang có một công việc part-time tại cửa hàng mỹ phẩm ở Hà Nội. Tuy nhiên, khi thành phố bước vào đợt giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, cửa hàng nơi Vân Anh làm việc buộc đóng cửa, nhân viên phải làm tại nhà.

"Dịch bệnh khiến việc kinh doanh offline đã khó, nay chuyển sang hình thức online càng gặp nhiều khó khăn hơn. Số lượng khách giảm rõ rệt so với trước khi dịch bùng dẫn đến số giờ làm của nhân viên tư vấn, chốt đơn như mình bị giảm, lương cũng vì thế mà bị cắt đi một nửa so với trước.", Vân Anh chia sẻ.

Trong khi đó, Đỗ Thị Hồng Nhung (21 tuổi, sinh viên năm 4 Đại học Hà Nội) đã mất hẳn công việc làm thêm tại quán trà sữa. Nhung cho hay, do cửa hàng rơi vào tình cảnh ế ẩm vì dịch trong nhiều tháng, doanh thu giảm, giá mặt bằng tăng cao kéo theo chủ cửa hàng buộc phải cắt giảm nhân sự.

Mất nguồn thu nhập chính từ việc làm thêm, Nhung còn đối mặt với nỗi sợ tốt nghiệp muộn khi các học phần thực tế bị gián đoạn do dịch Covid-19.

Sau nhiều lần lùi lịch vì dịch, một số trường quyết định cho sinh viên năm cuối hoàn thành học phần thực tập theo hình thức online. Điều này khiến kinh nghiệm cho công việc sau này của sinh viên bị hạn chế (Ảnh minh họa)

Sau nhiều lần lùi lịch vì dịch, một số trường quyết định cho sinh viên năm cuối hoàn thành học phần thực tập theo hình thức online. Điều này khiến kinh nghiệm cho công việc sau này của sinh viên bị hạn chế (Ảnh minh họa)

Không chỉ thế, là sinh viên chuyên ngành du lịch, Nhung còn cảm thấy lo lắng cho tương lai của chính mình lẫn những người theo học ngành này, vì "Covid-19 đã đánh một đòn khá mạnh vào ngành du lịch, dự báo lĩnh vực này sẽ chịu nhiều tổn thương và có thể kéo dài cả sau khi dịch kết thúc, lao động trong ngành vì thế mà gặp nhiều khó khăn. Nên sau khi tốt nghiệp, chúng mình có thể không tìm được công việc đúng theo chuyên ngành đào tạo".

Chung nỗi niềm, Phương Hồng Nhung (21 tuổi, sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho hay, "Năm cuối là thời gian chúng mình phải trau chuốt điểm số và chuẩn bị cho các kỳ thi chuẩn đầu ra như tin học, ngoại ngữ… rồi còn phải tìm kiếm cơ hội thực tập và việc làm. Nhưng dịch Covid-19 khiến chúng mình không có cơ hội học tập trực tiếp trên giảng đường, các kỳ thi chuẩn đầu ra có nguy cơ bị lùi lịch, tiến độ thực tập cũng có thể bị ảnh hưởng vì nhiều cơ quan đã hạn chế tiếp nhận sinh viên trong thời gian dịch bệnh… Mối lo hơn là thì liệu chúng mình có khả năng rơi vào tình trạng thất nghiệp hay không?"

Cơ hội mở…

Dịch Covid-19 gây nên thách thức, áp lực cho sinh viên sắp tốt nghiệp. Tuy nhiên, thay vì để nỗi lo lắng lấn át, nhiều người trẻ chủ động đứng lên tháo gỡ khó khăn nhằm tìm kiếm cơ hội phát triển cho bản thân.

Nhiều bạn sinh viên chấp nhận làm những công việc ở vị trí tạm thời, có thể không đúng ngành nghề đào tạo, tuy nhiên trước mắt nó giúp họ có thu nhập cho các nhu cầu hàng ngày. Xa hơn, nó có thể dẫn đến một công việc toàn thời gian nếu gây được ấn tượng tốt với cấp trên và đồng nghiệp.

Nhiều sinh viên không ngần ngại nắm bắt các cơ hội làm việc tạm thời để có công việc tốt trong tương lai (Ảnh minh họa)
Nhiều sinh viên không ngần ngại nắm bắt các cơ hội làm việc tạm thời để có công việc tốt trong tương lai (Ảnh minh họa)

Khi bị "cầm chân" ở nhà do dịch bệnh, số khác quyết định dành thời gian để "nâng cấp" bản thân.

Bạn Phương Hồng Nhung chia sẻ, "Trải qua một thời gian khá dài phải nghỉ ở nhà vì dịch Covid-19, mình cũng dần học được cách thay đổi phù hợp. Mình lựa chọn học thêm những kỹ năng như tiếng Anh, tin học... Mình cũng tìm kiếm và tham gia các lớp học online về marketing, content… Tất cả những kiến thức trên, mình tin chắc sẽ là nền tảng cực kỳ tốt để bản thân sẵn sàng cho những cơ hội việc làm trong tương lai."

Còn theo Đỗ Phương Anh (22 tuổi, sinh viên mới tốt nghiệp của Đại học Hà Nội), tăng cường kết nối trực tuyến là cách hay để người trẻ đặt nền tảng cho sự phát triển nghề nghiệp sau này.

"Thị trường lao động bị ảnh hưởng bởi dịch nên sau khi tốt nghiệp, mình mất gần 3 tháng ở nhà để tìm kiếm công việc phù hợp cho bản thân. Khoảng thời gian đó, mình tham gia các hội nhóm thuộc lĩnh vực quan tâm trên mạng xã hội, chăm 'dạo' trên các web tuyển dụng, nộp hồ sơ online, tìm hiểu trước về công ty mình ứng tuyển. Chuẩn bị câu trả lời cho buổi phỏng vấn. Ngoài ra, trong thời điểm dịch bệnh, kết nối trực tuyến với những người quen để xem họ có biết nơi nào đang tuyển dụng lao động là cách mình không bỏ lỡ cơ hội việc làm nào.", Phương Anh cho hay.

Thời điểm hiện tại khi dịch bệnh làm xáo trộn nhiều mặt của cuộc sống, hoạt động tuyển dụng bị chậm lại, nhưng tất nhiên sẽ không dừng lại. Bởi các cơ quan, doanh nghiệp đang cố gắng thích ứng với tình hình mới để sớm đưa mọi thứ quay về nhịp điều bình thường. Sinh viên sắp tốt nghiệp, lo lắng là điều không tránh khỏi, tuy nhiên nếu bình tĩnh tính toán và chủ động nắm bắt thì luôn có cơ hội mở cho mỗi người.