Syria và Iraq hợp lực đánh “con đỡ đầu” của Mỹ

ANTĐ - Mỹ đang loay hoay giải bài toán  sử dụng các nhóm vũ trang “Nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận Đông” (ISIL) ra sao để vừa lật đổ được chính quyền Syria, vừa không gây hại cho đồng minh Iraq.

Ông Vitaly Churkin, đại sứ thường trực của Nga tại Liên Hợp Quốc chỉ ra rằng, kế hoạch của Washington chi 500 triệu USD đào tạo quân sự và trang bị cho phe đối lập Syria là hành động đổ thêm dầu vào ngọn lửa xung đột, đã vượt ra ngoài biên giới Syria.

Khu vực Trung Đông đang phải đương đầu với mối đe dọa khủng bố chưa từng có, đặc biệt từ nhóm vũ trang “Nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận Đông” (ISIL). Không những đối đầu với chính phủ Syria mà chỉ trong vài ngày ngắn ngủi, nhóm vũ này đã tấn công chiếm giữ hàng loạt các thị trấn trọng điểm ở Iraq và nhanh chóng tiến đánh thủ đô Baghdad.

Trước đây, đề xuất thông qua một nghị quyết có nội dung cấm hoạt động kinh doanh dầu của phiến quân trên lãnh thổ Syria và Iraq do Nga đưa ra đã không được thông qua.

Hậu quả của nó là sự hỗn loạn của Iraq hôm nay, khi miền bắc nước này bị biến thành căn cứ vững chắc của nhóm cực đoan Nhà nước Hồi giáo Iraq và vùng Cận Đông, tiền bán dầu được chúng sử dụng để tuyển quân và mua sắm vũ khí, trang bị. Tuần này, các tay súng của tổ chức khủng bố Al-Nusra Dzhebhat đã thề trung thành với ISIL.

Bắt đầu từ những hoạt động phá hoại ở bắc Syria, các chiến binh đã tràn vào Iraq giành quyền kiểm soát một loạt khu vực, chiếm giữ các mỏ dầu và nhà máy lọc dầu. Thu nhập của ISIL giờ đây lên tới vài triệu đô la Mỹ mỗi tháng, thừa đủ để mua vũ khí hiện đại và tuyển dụng chiến binh.

Tuy hiện ISIL đang là đối tượng tác chiến của quân đội Iraq nhưng lực lượng vũ trang này cũng chính là đối thủ của chế độ Bashar al-Assad. Việc trang bị vũ khí cho “nhóm khủng bố” sẽ càng làm cho tình hình thêm trầm trọng.

Thái độ của Tổng thống Obama đối với ISIS rất mâu thuẫn. Một mặt, ông không thể chấp nhận để các thế lực khủng bố thắng thế, tiến tới kiểm soát Iraq, càng không thể chấp nhận chủ nghĩa khủng bố thế giới phát triển trên vùng đất màu mỡ này, mặt khác, ông lại muốn mượn tay thế lực cực đoan để tiêu diệt chính quyền Assad, làm ngư ông đắc lợi.

Ngay trong thời kỳ đầu khi chính phủ Maliki lên nắm chính quyền ở Iraq thông qua tổng tuyển cử, thượng viện Hoa Kỳ đã thông qua một nghị quyết có tính không ràng buộc, nhằm thực hiện chế độ liên bang lỏng lẻo tại Iraq, dựa vào giáo phái và dân tộc để chia quốc gia này thành 3 vùng: Shi'ite, Sunni và Kurd.

Người Mỹ định dùng cách này để cài vào Iraq một quả bom điều khiển từ xa, khi cần có thể kích nổ bất cứ lúc nào, từ đó làm tăng giá trị “át chủ bài” của mình trong trò chơi chính trị khu vực. Đến bây giờ, Mỹ đang loay hoay giải bài toán sử dụng các “đệ tử” này ra sao, để vừa lật đổ được chính quyền Syria, vừa không gây hại cho đồng minh.

Người Mỹ đã được cảnh báo từ năm 2003 là việc đưa quân đội nước ngoài vào Iraq sẽ dẫn tới nguy cơ sụp đổ của nước này. Hiện nay, Mỹ ủng hộ ISIL ở Syria nhưng đối đầu với chính họ ở Iraq. Bởi vì một nguyên nhân đơn giản là lợi ích của chiến binh ở Syria phù hợp với Washington còn ở Iraq thì hoàn toàn ngược lại.

Lúc này, vấn đề Washington vẫn chưa chấp nhận việc chia tách những kẻ khủng bố thành "phe ta" và "phe địch" đang trở thành một vấn đề nan giải. Washington cấp tiền bạc và vũ khí cho ISIL lật đổ chính quyền Syria cũng chính là họ đang khiến đồng minh Iraq đau đầu.

Với quân đội Mỹ, chỉ cần có thể khiến cho ISIL ngừng hoành hành ở Iraq, về cơ bản là có thể xem như hoàn thành nhiệm vụ, phần còn lại của sự hỗn loạn, Mỹ hoàn toàn không quan tâm.

Tuy nhiên, sử dụng lực lượng khủng bố làm công cụ chiến tranh chính là con dao 2 lưỡi, tổ chức này hiện đã lộng hành quá đà, gây hại cho cả đồng minh của Mỹ. Vì thế, ISIL hiện là đối tượng tiêu diệt của cả Baghdad lẫn Damascus. Ngày 25-6 vừa qua, Syria đã sử dụng máy bay chiến đấu tấn công căn cứ của lực lượng này bên trong lãnh thổ Iraq.

Đích thân Thủ tướng Iraq Nuri al-Maliki đã cho hãng phát thanh-truyền hình Anh BBC biết rằng, không lực Syria đã giáng đòn oanh tạc vào vị trí của các chiến binh cực đoan "Nhà nước Hồi giáo của Iraq và vùng Levant” (ISIL), đang hoành hành trên lãnh thổ Iraq.

Mục tiêu oanh tạc của Không quân Syria là căn cứ của các phần tử cực đoan gần thành phố Al-Qaim, nằm ​​về phía tây-bắc Baghdad. Hành động này đã được Thủ tướng Iraq hoan nghênh nhiệt liệt vì Iraq hiện đang lâm vào nguy khốn nên ủng hộ bất kỳ sự hỗ trợ nào để chống các chiến binh ISIL.