Syria tranh cãi về vũ khí hóa học: Thủ phạm có là “bên thứ 3”?

ANTĐ - Cho đến nay, cả hai bên xung đột tại Syria là quân đội Chính phủ và các phần tử vũ trang đối lập vẫn tiếp tục đổ lỗi cho nhau, còn dư luận quốc tế thì có những phản ứng trái chiều trước vụ việc này. Hiện có nhiều nghi vấn xung quanh các cáo buộc của phe đối lập. Nhiều người tự hỏi Chính phủ Syria  dại gì lại muốn sử dụng vũ khí hóa học vào đúng thời điểm các thanh sát viên LHQ đang có mặt ở nước này và quân đội Chính phủ thì đang giành ưu thế tại khu vực ngoại vi thủ đô Damascus? 

LHQ đang đẩy nhanh quá trình điều tra cáo buộc liên quan đến vụ tấn công bằng vũ khí hóa học tại Syria. Trong phản ứng mới nhất, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon cho biết, ông đang bị rối loạn giữa các báo cáo về tình trạng sử dụng vũ khí hóa học ở Syria và rằng quốc gia này cần phải để các thanh sát viên của LHQ điều tra tường tận không chậm trễ. 

Trước đó, Chính phủ Syria đã cho phép nhóm điều tra của LHQ, do một nhà khoa học Thụy Điển, Sellström Åke dẫn đầu đến Syria để điều tra về việc sử dụng vũ khí hóa học. Hiện tại, một phái đoàn gồm 20 nhà điều tra vũ khí hoá học của LHQ đang có mặt ở Thủ đô Damascus. 

Những hình ảnh cung cấp cho hãng tin Reuters, có hàng chục thi thể không có vết thương bên ngoài nào, trong đó có trẻ em, và những người sống sót đang được chữa trị trong các bệnh viện dã chiến. Nhưng Paula Vanninen, Giám đốc Viện Xác minh Công ước Vũ khí Hóa học Phần Lan, nói: “Hiện tôi cảm thấy không bị thuyết phục bởi (trong đoạn video), những người hỗ trợ các nạn nhân không hề trang bị quần áo hay bất kỳ thiết bị bảo hộ nào. Trên thực tế, họ hoàn toàn có khả năng bị nhiễm độc gián tiếp và sẽ có một số triệu chứng cụ thể”. Còn John Hart, người đứng đầu Dự án An ninh hóa học và sinh học thuộc Viện Nghiên cứu hòa bình ở Stockholm (Thụy Điển) nói các nạn nhân trong những đoạn băng “không cho thấy dấu hiệu điển hình nhất của việc bị nhiễm độc: đồng tử thu nhỏ lại”.

Theo phân tích của các chuyên gia quốc tế, cả phe Chính phủ Syria (Tổng thống Assad) và phe đối lập nổi dậy (FSA) đều “không dại mà sử dụng vũ khí hóa học” và họ cũng chẳng được lợi gì. Có khả năng, đã xuất hiện một “bên thứ 3” là một tổ chức Hồi giáo cực đoan nào đó làm việc này. Chuyên gia cao cấp tại Trung tâm An ninh quốc tế IMEMO, ông Vladimir Sotnikovl cho rằng trong sự đan xen chằng chéo của các sự kiện có một lực lượng thứ 3, ví dụ như nhóm “Dzhebhat en-Nusra” hoặc các nhóm chiến binh Hồi giáo cực đoan khác. 

Có thể thấy, Syria đang trở thành một vùng chiến sự hỗn loạn, vượt quá cả những giới hạn của một cuộc nội chiến, việc một lực lượng nào đó “thứ ba” đang bỏ qua LHQ để sử dụng vũ khí hóa học (khí độc Sarin) tấn công dân thường là một tội ác chiến tranh. Đồng thời các sự kiện nêu trên cũng chứng minh một vấn đề nghiêm trọng, cái giá phải trả cho “cách mạng sắc mầu - mùa xuân Ả rập” đó là hỗn loạn phe phái chính trị, sự sụp đổ của nền kinh tế và máu của những người dân.