Syria đã có S-300PMU-2 nhưng vô phương tác chiến

ANTĐ - Ngày 5-9, Trung tâm phân tích thương mại vũ khí thế giới (TSAMTO) có trụ sở tại Moscow đã đưa một thông tin chấn động là Syria đã nhận được lô thiết bị phóng và những tên lửa phòng không đầu tiên của hệ thống phòng không tiên tiến S-300PMU-2, nhưng hiện tại nó không thể sử dụng được.

Ngày 4-9 vừa qua, Tổng thống Nga V.Putin đã thông báo, Nga đã ký hợp đồng xuất khẩu các hệ thống tên lửa phòng không tiên tiến S-300PMU-2 cho Syria, nhưng hợp đồng “vẫn chưa hoàn thành”. Câu nói này của ông Putin cho thấy một khả năng là hợp đồng đã được chuyển giao một phần nào đó, chứ không phải là “chưa được thực hiện”.

Sau đó, một quan chức cao cấp của ngành công nghiệp quốc phòng Nga đã tiết lộ với Hãng thông tấn RIA Novosti rằng, Nga đã triển khai thực hiện hợp đồng nhưng nó vẫn chưa hoàn tất. Vì vậy, hiện nay Syria cũng không có cách nào sử dụng các bộ phận của hệ thống S-300PMU-2 đã được chuyển giao trong tổng thể hệ thống phòng không quốc gia của mình.

Trong bản báo cáo của mình, Trung tâm phân tích thương mại vũ khí thế giới nhận định: “Theo tính toán của các chuyên gia, giai đoạn 1 trong kế hoạch triển khai hợp đồng có thể đã được thực hiện. Giai đoạn này bao gồm các nội dung là Nga sẽ bàn giao cho Syria các tổ hợp phóng và 1 số thiết bị bảo đảm kỹ thuật, vật tư khác”.

Báo cáo cho biết, trong hợp đồng thể hiện rất rõ, Nga sẽ xuất khẩu cho Syria các hệ thống tên lửa phòng không tối tân S-300PMU-2. Hợp đồng được chia thành rất nhiều giai đoạn phức tạp với nhiều nhóm tổ hợp linh kiện, thiết bị. Vấn đề lựa chọn các hệ thống thiết bị nào và trình tự lắp ráp ra sao sẽ do nước đặt mua quyết định.

Nga đã bàn giao lô hàng đầu tiên trong hợp đồng bán S-300PMU-2

Thông thường, các tổ hợp thiết bị đặc biệt quan trọng, có chức năng kết nối các tổ hợp khác thành một thể thống nhất sẽ được xuất khẩu sau cùng. Những hệ thống có tính chất quyết định và được xuất khẩu sau cùng bao gồm: Thiết bị chỉ huy cốt lõi của hệ thống chỉ huy, kiểm soát và chỉ huy chiến đấu; trạm radar và thiết bị đo đạc độ cao.

Vì vậy, báo cáo nhấn mạnh, nếu chỉ thực hiện hợp đồng được một vài phần đầu, chưa bàn giao tổng thể hệ thống thì người mua sẽ không thể liên kết các tổ hợp đã nhận lại với nhau, dẫn đến kể cả có thiết bị phóng và tên lửa thì hệ thống cũng không hoạt động được.

Theo tính toán của các chuyên gia Trung tâm, nếu thực hiện đúng theo các trình tự hợp đồng thì thời điểm hoàn thành sớm nhất cũng đến giữa năm 2014. Các khâu xuất khẩu, lắp ráp và kiểm tra chức năng sau lắp ráp của S-300PMU-2 cũng đòi hỏi phải có một thời gian nhất định để Nga huấn luyện cho các chuyên gia Syria.

Báo cáo của Trung tâm phân tích thương mại vũ khí thế giới kết luận: “Căn cứ theo điều khoản hợp đồng ký kết cho đến thời điểm Nga xuất khẩu hết các hệ thống thiết bị S-300PMU-2 cho Syria, để hệ thống phòng không Syria đạt đến trạng thái sẵn sàng chiến đấu, thời gian dự kiến sớm nhất cũng phải cuối năm 2014 hoặc đầu năm 2015. Còn ở thời điểm hiện tại, nếu Mỹ có không kích Syria thì họ cũng không thể đánh trả bằng S-300PMU-2”.