Suýt mất mạng vì..."thần dược" bột sừng tê giác

ANTD.VN - Với quan niệm cho rằng sừng tê giác là "thần dược" có thể chữa bách bệnh, giúp kích thích tình dục, tăng cường sức khoẻ, bổ khí huyết… nhiều người dân đã bỏ hàng trăm triệu đồng để mua sừng tê giác và tự ý dùng sản phẩm này để điều trị bệnh, bất chấp nguy cơ gây hại cho sức khỏe.

Nguy kịch do sốt cao uống bột sừng tê giác

Mới đây, Bệnh viện Nhi đồng 2 TP HCM đã tiếp nhận bệnh nhi 22 tháng tuổi ở Củ Chi trong tình trạng sốt, mệt mỏi, xanh tím toàn thân. Nguyên nhân là do cháu bé khi bị sốt cao co giật đã được người nhà cho uống bột sừng tê giác để hạ sốt, sau đó thì bị xanh tím toàn thân.

Sau khi kiểm tra, các bác sĩ nhận định, cháu bé bị ngộ độc Methemoglobin máu do uống bột sừng tê giác nên đã cho thở máy, truyền dịch duy trì dấu hiệu sinh tồn, sử dụng than hoạt tính để hấp phụ độc chất, thay máu và điều trị hỗ trợ. Rất may sau đó, sức khỏe bệnh nhi này đã dần hồi phục.

Theo các chuyên gia y tế, nếu nồng độ Methemoglobin trong máu từ 15-30% sẽ gây tím môi và đầu chi, ăn uống kém, nhức đầu, chóng mặt, từ 30-50% có thể gây lơ mơ, mất ý thức tạm thời, khó thở... Khi nồng độ này 50-70%, bệnh nhân có thể hôn mê, co giật, nhịp tim bất thường, trên 70% thường gây tử vong.

Sừng tê giác không phải là thần dược

Nói về công dụng của sừng tê giác, theo Bác sỹ Phạm Thanh Hải - Bệnh viện Việt Tiệp, trong đông y, đây là một vị thuốc có tác dụng thanh nhiệt từ bên trong. Do đó, đối với các trường hợp sốt cao, khi dùng có thể giảm nhiệt, song nếu sử dụng quá liều sẽ xảy ra ngộ độc, gây nguy hiểm đến tính mạng, đặc biệt là với trẻ nhỏ. Bên cạnh đó, việc ngộ độc cũng có thể do các hóa chất khác hoặc sử dụng sừng tê giác giả.

Thời gian qua, thông tin về công dụng chữa bệnh thần kỳ của sừng tê giác được thổi phồng trên mạng, qua truyền miệng. Thậm chí, có lời đồn sừng tê giác chữa được ung thư, giúp quý ông cải thiện “bản lĩnh phòng the”, tăng tuổi thọ.

Song trên thực tế, hiện chưa có bất kỳ một công trình nghiên cứu khoa học lâm sàng nào chứng minh các tính chất chữa bệnh của sừng tê giác. Mặt khác, để bảo vệ loài tê giác đang bên bờ tuyệt chủng, một số nước đã tiêm thuốc độc vào sừng tê giác nhằm chống săn bắt trộm, nên nếu người dân dùng phải sản phẩm đã nhiễm độc sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, tính mạng.

Mất tiền triệu mua phải “hàng rởm”

Cũng theo Bác sỹ Phạm Thanh Hải, sừng tê giác được cấu tạo chủ yếu từ chất keratin, giống hệt như thành phần trong móng chân, móng tay người. Việc dùng sừng tê giác để trị bệnh cho đến nay vẫn chỉ dựa vào lời đồn đại và kinh nghiệm cá nhân chứ không có cơ sở khoa học nào.

Vì vậy, người dân không nên nghe những lời đồn thổi vô căn cứ, bỏ ra hàng trăm triệu đồng mua sừng tê giác về sử dụng tùy tiện gây nguy hiểm đến tính mạng của bản thân và con em mình, đặc biệt là đối với những bệnh nhân ung thư vì tin vào khả năng chữa bệnh thần kỳ của sừng tê giác đã bỏ qua giai đoạn vàng trong điều trị, bệnh khiến bệnh ngày càng trầm trọng.

Do sừng tê giác hiện nay bị đồn thổi như thần dược nên, sừng tê giác vẫn tiếp tục được buôn lậu với nhiều thủ đoạn tinh vi. Mới đây, Đội Kiểm soát Hải quan Hà Nội phối hợp với Chi cục Hải quan Sân bay quốc tế Nội Bài khám 14 kiện hàng, là các khối thạch cao có nghi vấn vận chuyển qua đường hàng không. Bên trong các khối thạch cao này, lực lượng chức năng phát hiện 55 khúc sừng tê giác với trọng lượng trên 125 kg. 

Sừng tê giác “xịn” rất hiếm và đắt nên nhiều đối tượng đã giao bán sừng tê giác giả. Đối tượng làm giả thường lấy sừng trâu nước, hô biến thành sừng tê giác.

Để che mắt người mua, những kẻ làm giả thường bôi dầu, sáp lên sừng trâu, bò để chống nứt, sử dụng thuốc nhuộm sừng. Thậm chí chúng còn sử dụng phần gốc sừng là đồ thật, có da và lông phủ, sau đó mài, ghép phần ngọn là sừng trâu nhằm dễ dàng đánh lừa người tiêu dùng, khiến họ “tiền mất, tật mang”…