Huyền tích Tây hồ (5):

Sửng sốt về chuyện đập đá vá... hồ Tây

ANTĐ - Dự án thay nước hồ Tây đã gây sửng sốt. Và nhiều người cho rằng như thế thì “tất cả bí ẩn sẽ hé lộ”.
Tát cạn nước hồ Tây rồi đưa nước sông Hồng vào làm sạch là chuyện "đập đá vá trời" của những người đưa ra ý tưởng. Giới nghiên cứu, đông đảo người dân đã hài hước cho rằng, dự án đó thành công sẽ mang lại cho hồ Tây thêm... "bí ẩn".

Mặt hồ dậy sóng giữa trưa hè

Khi tìm hiểu về huyền tích Tây Hồ, chúng tôi biết được phần mộ nữ danh sỹ Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan, Đoàn Thị Điểm cũng nằm ở vùng này. Trong sách khảo cứu và thông tin từ các nhà nghiên cứu có ghi phần mộ bà Hồ Xuân Hương ở nghĩa địa Đồng Táo, thuộc làng Nghi Tàm. Giờ đây nghĩa địa Đồng Táo đã chìm dưới hồ Tây, sự nhấn chìm đã kéo theo biết bao nhiêu bí ẩn không thể lý giải nổi.   

Mặc nước hồ Tây giờ không còn là "không gian chung"

“Tôi không lý giải được vì sao lại thế. Mấy lần cùng đoàn đi tìm mộ bà đều thấy trời đất bất thường. Thuyền chèo vào nơi nhà ngoại cảm chỉ đều bị đẩy ngược ra...”- ông Vũ Văn Luân, Trưởng BQL di tích đình, chùa làng Hồ, cho biết.

Ông Vũ Văn Luân là nhà nghiên cứu và đã viết nhiều sách về chốn tâm linh ở hồ Tây. Các cuộc tìm kiếm phần mộ của nữ danh sỹ Hồ Xuân Hương ông đều được tham gia với tư cách thành viên nghiên cứu, cùng với dòng họ bà và Trung tâm ngoại cảm tìm mộ từ xa của Liên hiệp khoa học UIA.

Việc tìm mộ của bà Hồ Xuân Hương trên hồ Tây gặp sóng gió khiến nhiều người trong đoàn phát hoảng. “Tôi cũng cảm thấy rờn rợn khi thấy ca nô gặp trục trặc. Máy đang nổ bỗng tắt vụt rồi chèo kiểu gì cũng bị sóng xô ra xa. Một người trong đoàn đã nói, khó khăn thế này thuê mấy người nhái mà tìm cho nhanh. Sau khi ấy là trời xuất hiện vài hạt mưa rồi mưa trắng xóa mặt hồ. Cả đoàn luống cuống chèo vào bờ thì lại trời tạnh. Quả thực khi ấy tôi lẩm nhẩm xin “bà” có gì bỏ quá cho....”- ông Vũ Văn Luân, khẳng định. Hai lần tìm mộ nữ danh sỹ Hồ Xuân Hương trên mặt hồ Tây cùng với đoàn ngoại cảm, ông Luân cho rằng do ai đó tâm chưa thành nên mới bị bà quở trách...
 

Rác làm hỏng cảnh quan hồ Tây

Thật khó lý giải cho những gì xảy ra ở hồ Tây với từng việc cụ thể. Một người câu ở phía làng Nghi Tàm từng giật được con cá trắm đen nặng 32 cân. Điều lạ kỳ không thể lý giải là chiếc cần câu chỉ nhỏ bằng ngón tay, với dây câu chịu lực chừng mươi mười lăm ki lô gam nhưng lại làm được điều “phi thường”. Lại nữa, mổ bụng con cá ra, nó có tất thảy 26 chiếc lưỡi câu ngang dọc từ miệng tới mang. Có những lưỡi câu nằm trong miệng cá “vượt thời gian” đã bị bao bọc thành viên... ngọc cá.

Những lần câu được cá to ở hồ Tây, người dân biết được đều kéo đến xem rất đông. Nhiều người duy tâm còn khuyên nhủ thả cá trả lại hồ vì sợ rằng câu được cá to là mắc tội với “thần” hồ Tây... Chính vì vậy mà người dân quanh hồ thường không mong muốn giật được cá to khi câu. Nếu được, thả thì tiếc mà mang về thì sợ. Ông Thành ở gần đình làng Nghi Tàm cho biết: “Người câu được cá to toàn ở đâu đến ấy. Họ biết hồ Tây có cá to nên tìm về đây câu. Dân ở đây thường chỉ câu chơi chứ không câu “kinh tế” như họ.

Trong 3 nữ sỹ bên hồ Tây thì duy chỉ mộ Hồ Xuân Hương bị chìm. 
Cây hương thờ Bà huyện Thanh Quan tại làng Nghi Làm

“Hoàng hiệp Tây hồ Thủy thần” là một trong 6 vị thần linh thiêng đã được tạc ghi trên bia đá tại đình làng Nghi Tàm nằm bên góc hồ Tây. Tại đây, vẫn còn những áng văn tạc trên bia đá với đại ý nói hồ Tây là chốn linh thiêng. Chuyện về con cá lớn cứu lão ngư nghèo trên mặt hồ lãng bạc- hồ Tây- và làm đắm thuyền của kẻ tham lam vẫn còn được dân gian biết đến. Hồ Tây xưa và nay được coi là vùng địa linh  của thành phố Hà Nội. Trấn Quốc, Tĩnh Lâu, Thiên Niên, Tảo Sách, Kim Liên... như chuỗi "bành đai tâm linh" ôm lấy hồ Tây, tựa cánh sen bao bọc đài nhụy thuần khiết... Ở mỗi nơi tôn kính ấy là kho tàng câu chuyện về cõi tâm linh, là câu chuyện thật bên màn sương mờ ảo sóng nước hồ Tây.

 Chuyện... bùn dưới đáy hồ Tây

Chiều nào hồ Tây cũng khá đông người mê câu. Có hôm câu được cá, có hôm chẳng câu được con nào nhưng đã là thú thì chỉ cần thỏa chí mà thôi. Thực ra, hồ Tây giờ bị hẹp nhiều, ô nhiễm nặng thế nên cá to hiếm hoặc không lớn được. Những thợ câu cá ở hồ Tây thường hài hước với nhau rằng, đố biết dưới hồ có gì nhiều nhất thì thường được câu trả lời là có nhiều... đồ thờ cúng nhất. Chị Thủy nhân viên môi trường chuyên vớt rác trên mặt hồ Tây nói rằng: “Ngày nào tôi cũng vớt mấy thuyền rác, trong đó có rất nhiều đồ thờ cúng...”. Hồ Tây có là chốn linh thiêng hay không còn phụ thuộc vào cách ứng xử của mỗi người.

Phủ thiêng Tây Hồ

Nhiều người còn nhớ, cách đây chưa lâu những điều kỳ thú về hồ Tây được người ta tiếp thêm sức mạnh bằng những dự án “tiêu biểu”, tỉ như: thay nước hồ Tây để làm cho mặt hồ “long lanh đáy nước in trời”. Chính lúc này, cuộc tìm kiếm về phần mộ của bà chúa thơ Nôm họ Hồ cũng bắt đầu im như sự vật chìm dưới đáy nước. Tin về dự án lọc nước hồ Tây bung ra khi ấy là nỗi lo lắng của những người yêu Hà Nội, đặc biệt yêu hồ Tây.

Nhiều nhà nghiên cứu đã lên tiếng phản đối đề án siêu thực và đưa ra những chứng cứ coi đó là sự xâm hại hồ Tây một cách thô bạo. Có người đau xót nói, chốn tâm linh ấy mà làm vậy chẳng khác nào đập ngôi chùa cổ kính đi xây lại.

“Ngay sau khi có tin dự án tát cạn hồ Tây để thay nước thì những người quan tâm đã hy vọng rằng, như vậy sẽ khai quật mộ của bà sau khi dự án thành hiện thực. Chính vì vậy mà cuộc tìm kiếm dừng lại từ khi ấy để đợi chờ ngày cạn nước dưới đáy hồ sẽ hé lộ tất cả những điều bí ẩn...”- ông Vũ Văn Luân khẳng định.

Chiều Phủ Tây hồ

...Chắc chắn, nếu câu chuyện tát cạn nước hồ Tây thành công, thì bùn đen sẽ hé lộ. Vô vàn những câu chuyện xưa kia cho là huyền tích quanh hồ Tây sẽ có câu trả lời sát thực và lịch sử hồ Tây sẽ là những chuyện... có một không hai. Rất may, dự án thay nước hồ Tây đã chỉ có “hiệu lực” trên... giấy.

Đón đọc bài 6: Giải mã  về “sân” golf trên mặt nước và chuyện... hết thiêng của hồ Tây