Súng đạn chia rẽ nước Mỹ

ANTĐ - "Im hơi lặng tiếng" suốt thời gian qua sau vụ xả súng thảm sát trong trường học chấn động nước Mỹ khiến 28 người thiệt mạng, Hiệp hội súng đạn quốc gia (NRA) đã lần đầu lên tiếng. Song sự lên tiếng đó lại khiến nước Mỹ thêm chia rẽ.

Biểu tình phản đối Hiệp hội súng đạn quốc gia ở Thủ đô Washington

Ngày 23-12, chính thức lên tiếng lần đầu tiên kể từ vụ xả súng thảm sát tại trường Tiểu học Sandy Hook ở bang Connecticut (Mỹ) ngày 14-12 làm 28 người thiệt mạng, trong đó có 20 trẻ em, NRA đã phản đối dự luật siết chặt kiểm soát súng đạn đang soạn thảo. Thay vào đó, hiệp hội có 4,5 triệu hội viên này ủng hộ thành lập các đội bảo vệ vũ trang tại tất cả các trường học ở Mỹ.

Ông Wayne LaPierre, Giám đốc điều hành kiêm Phó Chủ tịch NRA cho rằng mỗi khi có một vụ thảm sát, hầu như truyền thông đều đổ lỗi cho súng đạn chứ không đề cập đến việc kiểm soát những trò chơi điện tử bạo lực, đồng thời kiến nghị Quốc hội cấp ngân sách để trang bị các đội bảo vệ có vũ trang tại các trường học. Ông LaPierre cho rằng, những cố gắng nhằm đưa quyền kiểm soát vũ khí tấn công ra ngoài vòng pháp luật như “một mảnh ghép lạc lõng” và sẽ không đi đến đâu.

Hiệp hội NRA đồng thời cũng là tổ chức vận động hành lang đầy thế lực ở nước Mỹ lên tiếng phản đối dự luật kiểm soát chặt chẽ súng đạn khi mà chính quyền Tổng thống Barack Obama dưới sức ép của dư luận sau vụ thảm sát trường Sandy Hook đã lập Nhóm đặc nhiệm tăng cường kiểm soát súng đạn của Nhà Trắng do Phó Tổng thống Joseph Biden đứng đầu. Ngay sau khi được thành lập, nhóm đặc nhiệm đã bắt tay vào soạn thảo dự luật kiểm soát chặt chẽ súng đạn, trong đó có điều khoản cấm vũ khí tấn công.

Trong bầu không khí phẫn uất và sục sôi sau vụ thảm sát ở trường Sandy Hook, dự luật trên nhiều khả năng sẽ được Quốc hội Mỹ thông qua khi trình lên vào ngày 3-1 tới. Dự luật này nếu được thông qua sẽ tác động rất lớn tới tổ chức NRA cũng như ngành kinh doanh súng đạn của nước Mỹ.

Với khoảng trên 10 triệu khẩu súng, chưa kể đạn dược được bán ra mỗi năm, kinh doanh súng đạn mang lại doanh thu tới 3,5 tỷ USD/năm. Song đằng sau lợi nhuận của kinh doanh súng đạn cũng như những người hứng thú với "văn hoá súng đạn" đó là khoảng 10 nghìn người Mỹ bị thiệt mạng mỗi năm vì súng đạn.

Không chỉ từ vụ xả súng ở trường Sandy Hook mà sau mỗi vụ thảm sát súng đạn thì dư luận và xã hội Mỹ đều dấy lên tranh cãi kịch liệt quanh vấn đề siết chặt việc quản lý súng đạn. Thế nhưng, cho dù đa số dư luận cũng như chính giới Mỹ hiện đang yêu cầu phải có biện pháp quản lý nghiêm ngặt song để có được đạo luật về vấn đề này không dễ dàng.

Năm 1994, chính quyền Tổng thống Bill Clinton của đảng Dân chủ cũng đã đưa ra một đạo luật hạn chế mua bán vũ khí tấn công trong thời gian 10 năm. Nhưng khi đạo luật này hết hạn năm 2004, chính quyền Tổng thống George W. Bush của đảng Cộng hoà đã không gia hạn và mua bán súng đạn sôi động trở lại.

Giới phân tích cho rằng dự luật kiểm soát súng đạn sẽ gặp phải sự chống đối không nhỏ của các thành viên đảng Cộng hoà trong Quốc hội Mỹ. Điều này cũng dễ hiểu bởi NRA đã quyên góp tới gần 1 triệu USD cho ứng cử viên Tổng thống Mitt Romney của đảng Cộng hoà trong cuộc bầu cử vừa qua.