"Sùng bái" tội phạm- sự lệch chuẩn đáng sợ

ANTD.VN - Ngô Bá Khá với biệt danh Khá “bảnh” có lẽ là một điển hình tiêu biểu nhất cho thái độ lệch chuẩn của không ít giới trẻ hiện nay. Cùng với sự lầm tưởng những hành động phạm pháp từ nhiều người trẻ của Khá “bảnh” là “nghĩa hiệp” thì chính tâm lý thể hiện lố bịch những hành vi của bản thân đã cộng hưởng cho một lối sống cuồng tội phạm từ không ít người.  

Tội phạm ra tòa như … “ngôi sao”

Bản án 10 năm 6 tháng tù giam về 2 tội danh đánh bạc và tổ chức đánh bạc dành cho Khá “bảnh” là sự nghiêm khắc của pháp luật đối với những hành vi phạm tội của đối tượng. Bản án cũng là lời cảnh báo, cảnh tỉnh cho không ít đối tượng có ý định sa chân vào con đường phạm pháp. Lẽ thường, với những đối tượng phạm tội, khi bị tòa án kết án thì ít nhiều đều phải cảm thấy ăn năn, hối hận về những hành vi phạm tội của mình. Tuy nhiên, theo dõi những diễn biến trước, trong và sau khi phiên tòa kết thúc, sự ăn năn, hối hận của Khá “bánh” có lẽ là điều vô cùng xa xỉ trong suy nghĩ của đối tượng này.

Sau phiên tòa với mức án hơn 10 năm tù, Khá "bảnh" không hề tỏ thái độ ăn năn, hối lỗi

Bị dẫn giải đến tòa, khi cánh cửa xe dẫn giải vừa mở, Khá “bánh” miệng cười tươi vẫy tay chào bạn bè và những đối tượng anh em ngoài xã hội. Đỉnh điểm cho sự kệch cỡm, lệch lạc về nhận thức này là khi phiên tòa kết thúc, Khá “bảnh” bước lên xe trở lại trại giam với khuôn mặt không hề lộ chút nào thái độ ăn năn, hối cải. Thay vào đó, là những lời nói dường như cổ xúy cho hành động phạm tội của mình với không ít những người trẻ, đối tượng ngoài xã hội đang bâu xung quanh, gọi tên.

Điều xót xa nhất không phải là Khá “bảnh” không tỏ thái độ ăn năn, hối hận, mà chính là hình ảnh có không ít những học sinh vẫn đang mặc đồng phục, bỏ học ra xem Khá “bảnh” bị ra tòa. Trên vai của những học sinh này vẫn còn đeo ba lô, trong đựng sách vở, tri thức. Không ít những tài khoản cá nhân trên mạng xã hội cũng lập ra một cộng đồng hâm mộ Khá “bảnh”. Khá “bảnh” trong mắt những học sinh này là một “thần tượng” bất chấp thực tế lối sống, hành vi, thái độ của tên tội phạm này nhuốm một màu đen kịt, nguy hiểm.  

Không ít những bạn trẻ đến theo dõi phiên tòa xử Khá "bảnh", trong số đó có nhiều người còn coi đối tượng này là thần tượng

Không chỉ có Khá “bảnh”, khá nhiều trường hợp “hiện tượng” trên mạng xã hội khác với thân mình xăm trổ ngổ ngáo, miệng ngậm xì gà, tay vác dao kiếm, tay còn lại cầm những xấp tiền mệnh giá lớn livestream trên mạng xã hội. Cách đây chưa lâu, đối tượng Dương Minh Tuyền với hỗn danh “thánh chửi” cũng bị Công an tỉnh Bắc Ninh bắt giữ về hành vi gây rối trật tự công cộng.

Đối tượng thường xuyên lên mạng xã hội đăng tải những clip chửi bới với các lời lẽ vô cùng thô tục. Nhiều clip được đối tượng đưa lên có những nội dung kích động, cổ xúy cho bạo lực, phản cảm xã hội, đi ngược lại với thuần phong mỹ tục tốt đẹp. Đáng nói, những clip phản cảm, nguy hiểm này lại được không ít giới trẻ theo dõi, tung hô. Đỉnh điểm cho sự kệch cỡm, lố lăng, vi phạm này là hình ảnh đối tượng được không ít học sinh chào đón như một “ngôi sao” ở nơi Tuyền xuất hiện.

Trách nhiệm đến từ nhiều phía

Dư luận hẳn còn nhớ tới đối tượng Quang rambo-kẻ chuyên cho vay nặng lãi, đòi nơ thuê. Với biệt danh trên, Đỗ Văn Quang (SN 1984, quê ở Vĩnh Phúc) thường xuyên lên mạng xã hội khoe tiền, chửi bới, huy động đàn em đi dằn mặt, bắt những người nợ tiền phải trả với lãi xuất cao từ hoạt động tín dụng đen. Ngày 21-8, đối tượng đã bị Phòng Cảnh sát hình sự, Công an thành phố Hà Nội bắt giam cùng với 4 đối tượng khác để xử lý về hành vi cưỡng đoạt tài sản. Cùng với Quang rambo, Bùi Xuân Huấn (SN 1984, ở Yên Bái) với biệt danh Huấn “hoa hồng” cũng bị cơ quan Công an bắt giữ khi đang phê ma túy trên ghế salon. Đối tượng sau đó bị đưa đi cai nghiện bắt buộc, chấm dứt những tháng ngày lên mạng xã hội khoe của, chửi bới.

Quang "rambo" một trong những đối tượng nổi trên mạng xã hội với đủ trò chửi bới, khoe của, đã bị bắt giữ về hành vi cưỡng đoạt tài sản

Nhìn nhận không ít người “thần tượng” những giang hồ cõi mạng trên để thấy rằng, nhận thức của một bộ phận giới trẻ hiện nay là đáng báo động. Những video clip với nội dung nhảm nhí, độc hại, cổ xúy cho bạo lực lại thường là những video có lượng xem, theo dõi khá lớn trên mạng xã hội. Các đối tượng từ Khá “bảnh”, Quang “rambo” cho đến Huấn “hoa hồng” hay “thánh chửi” Dương Minh Tuyền đều có lượng xem trên trang Youtube cá nhân rất lớn. Từ đây, một khoản tiền được xem là không nhỏ đã chảy vào túi của những đối tượng này. Số tiền kiếm được dựa trên những thông tin, hình ảnh vô cùng độc hại, nguy hiểm mà chúng đã tạo, đưa lên mạng xã hội.

Trao đổi với PV, đại diện Phòng Cảnh sát hình sự, Công an thành phố Hà Nội đánh giá: Rõ ràng, cùng với những hành vi phạm pháp luật của các đối tượng trên, các trang mạng xã hội đã tiếp tay cho sự lệch chuẩn này. Hiện nay, với tốc độ phát triển mạnh mẽ của internet cùng với các thiết bị công nghệ số, bất cứ một học sinh hay người nào dù ở nơi xa xôi, hẻo lánh cũng dễ dàng tiếp cận, xem được những thông tin, hình ảnh trên mạng. Trong cả triệu triệu hình ảnh, thông tin đó, số video, hình ảnh xấu, độc hại nhiều vô kể, thẩm thấu nhanh chóng vào đầu của người xem và dễ dàng “kiểm soát” bộ não để tạo dựng một hình ảnh “thần tượng” từ những tên tội phạm này. Sự tiếp xúc quá sớm với mạng xã hội, internet trong khi nhận thức, những bộ lọc văn hóa này của giới trẻ chưa hoàn thiện đã dẫn tới những hành vi lệch chuẩn trong xã hội như trên.

Cũng theo chỉ huy Phòng Cảnh sát hình sự, từ tội phạm cho đến không ít bạn trẻ hâm mộ các đối tượng phạm pháp như trên, có phần lỗi vô cùng lớn của gia đình, nhà trường, các trang mạng xã hội. Tất cả những đối tượng vi phạm này đều dang dở học hành từ rất sớm, gia đình với những khiếm khuyết, hoàn cảnh khác nhau, gần như để cho con em mình ngày càng trượt dài trên con đường phạm pháp. Sự quản lý lỏng lẻo thậm chí phó mặc từ phía gia đình, nhà trường đối với học sinh, trẻ em trong việc tiếp cận mạng xã hội, internet quá sớm bằng sự nhận biết non nớt đã khiến các em bị ngộ nhận các hành động nguy hiểm, phạm pháp trên. Nếu không kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý thì hậu quả để lại không chỉ là những hành vi phạm tội tái diễn mà còn là sự băng hoại khủng khiếp về các giá trị đạo đức tốt đẹp.