Sức mua yếu, dự trữ hàng Tết vẫn tăng

ANTĐ - Bất chấp sức mua trên thị trường chưa có dấu hiệu cải thiện rõ rệt, các doanh nghiệp sản xuất và bán lẻ vẫn quyết định tăng lượng hàng dự trữ so với Tết Quý Tỵ 2013. Để kích cầu, giá cả nhiều mặt hàng Tết được giữ ổn định.

Sức mua yếu, dự trữ hàng Tết vẫn tăng ảnh 1
Các gam hàng Tết sẽ được chia làm nhiều phân khúc giá


Tăng mức dự trữ hàng

Với mức tăng 5,5% trong 11 tháng đầu năm 2013, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của cả nước đang ở mức thấp nhất trong vòng 10 năm qua, chứng tỏ sức mua trên thị trường vẫn kém và chưa có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn lên kế hoạch chuẩn bị hàng Tết tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Ông Nguyễn Hữu Thành - Trưởng ban đối ngoại Công ty Kinh Đô miền Bắc cho biết: “Kinh Đô dự kiến sẽ đưa ra thị trường 4.500 tấn bánh kẹo để phục vụ người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014 sắp tới, tăng 20% sản lượng so với năm 2013”. 

Các doanh nghiệp bán lẻ cũng dự trữ lượng hàng nhiều hơn. Theo thông tin từ Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), tổng lượng hàng hóa, dịch vụ đơn vị này dự trữ phục vụ Tết 2014 ước khoảng 1.095 tỷ đồng, tăng 10% so với Tết Quý Tỵ. 

Bà Nguyễn Thanh Huyền- Phụ trách truyền thông siêu thị Big C Bắc và Trung cho hay, dự kiến sức mua sẽ tăng nên Big C đã có kế hoạch chuẩn bị đủ hàng hóa phục vụ người dân. Khoảng 400 tấn thịt tươi sẽ được đưa ra thị trường. Với mặt hàng bánh kẹo đóng hộp, Big C chia làm nhiều mức, từ bình dân tới cao cấp để phục vụ các đối tượng khách hàng khác nhau. “90% mặt hàng bánh kẹo là hàng Việt”- đại diện Big C nói. Bên cạnh đó, các sản phẩm cần có trong Tết theo phong tục của người Việt Nam đều là hàng Việt Nam. 

Từ đầu tháng 10- 2013, Sở Công Thương Hà Nội đã có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn Hà Nội lên phương án, kế hoạch dữ trữ hàng hóa phục vụ Tết Nguyên Đán Giáp Ngọ. So với các tháng khác trong năm, doanh nghiệp phải dự trữ lượng hàng tăng 10-15%. Một số mặt hàng như: thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến, rau củ có thể tăng trên 20%. Ước tính, luân chuyển hàng hóa tháng Tết đạt khoảng 38.000 tỷ đồng/ tháng. 

Không tăng giá và đa dạng hóa sản phẩm

Để kích cầu, các doanh nghiệp phải thực hiện đa dạng hóa sản phẩm, thay đổi mẫu mã hàng hóa cho bắt mắt và không tăng giá. Bà Nguyễn Thanh Huyền cho biết: “Kế hoạch kinh doanh Tết Giáp Ngọ tại Big C sẽ ưu tiên  chính sách giá tốt. Về cơ bản, các mặt hàng sẽ giữ giá”. Từ 19-11- 2013 đến 30-1-2014, siêu thị này sẽ giảm giá đến 50% cho 4.000 sản phẩm chủ đạo phục vụ lễ và Tết để chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng. Bên cạnh đó, một loạt sản phẩm như: giỏ quà Tết, hộp kẹo... sẽ được cải tiến mẫu mã, cách đóng gói cho bắt mắt hơn nhưng có giá chỉ từ dưới 100.000 đồng để thu hút khách hàng.

Ông Nguyễn Hữu Thành cũng cho hay, Kinh Đô nỗ lực giữ giá sản phẩm trong dịp Tết và chỉ điều chỉnh nhẹ 1-2% về giá cho một số mặt hàng. “Kinh Đô tập trung hợp lý hóa chi phí sản xuất, bán hàng cũng như chia sẻ một phần lợi nhuận với khách hàng”- Trưởng ban đối ngoại Kinh Đô nói. Các sản phẩm quen thuộc với người tiêu dùng như: bánh Cosy, kẹo Koko Chocho, bánh AFC, bánh Solite... đều được thay đổi quy cách đóng gói và mẫu mã, màu sắc bao bì cho bắt mắt, hợp không khí Tết và nhu cầu của khách hàng. 

Theo lãnh đạo một doanh nghiệp sản xuất, mặc dù lợi nhuận giảm, chi phí đầu vào tăng nhưng doanh nghiệp không thể tiến hành tăng giá sản phẩm trong thời điểm này, bởi vì làm như vậy, sức mua có thể càng giảm xuống thấp, gây tâm lý tiêu dùng tiêu cực. Dự kiến, thời điểm cách Tết Nguyên đán khoảng 2 tuần, các gian hàng Tết di động của doanh nghiệp và các chuyến hàng Tết về khu công nghiệp, vùng sâu, vùng xa sẽ được triển khai. Sức mua cũng tăng mạnh từ đó cho đến ngày 30 Tết.

Hiện tại các siêu thị và cửa hàng, các mặt hàng trang trí nhà cửa, thức uống như: cà phê, trà, một số mẫu hộp bánh kẹo đã được trưng bày lên kệ. Tuy nhiên, khách hàng chọn mua hàng Tết chưa nhiều.