“Sức khỏe” tập đoàn

(ANTĐ) - Tại Hội nghị làm việc với lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ khẳng định: “Các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước mạnh khỏe thì Chính phủ cũng khỏe”. Vậy trong năm qua, khi cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới tác động mạnh đến kinh tế nước ta, “sức khỏe” của các tập đoàn, tổng công ty như thế nào?

“Sức khỏe” tập đoàn

(ANTĐ) - Tại Hội nghị làm việc với lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ khẳng định: “Các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước mạnh khỏe thì Chính phủ cũng khỏe”. Vậy trong năm qua, khi cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới tác động mạnh đến kinh tế nước ta, “sức khỏe” của các tập đoàn, tổng công ty như thế nào?

Theo kết quả tổng hợp của Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp Nhà nước, tình hình sản xuất kinh doanh của 19 tập đoàn, tổng công ty 91 và 61 tổng công ty 90 trong năm qua không đến nỗi quá tệ. Tổng doanh thu của 19 tập đoàn, tổng công ty vượt 34,7% kế hoạch năm, tăng 2,7% so với năm 2008. Một số tập đoàn có doanh thu tăng mạnh như Tập đoàn Dầu khí vượt 28,2% kế hoạch doanh thu cả năm.

Tập đoàn Viettel tăng 80,9% so với năm 2008. Tổng lợi nhuận trước thuế của các tập đoàn, tổng công ty đạt 80.799 tỷ đồng, vượt 52,8% so với kế hoạch năm, tăng 5% so với năm 2008. Với những kết quả trên, Ban chỉ đạo nhận định các tập đoàn, tổng công ty đã đóng góp lớn cho việc ngăn chặn đà suy giảm kinh tế, giúp GDP tăng trưởng ở mức khá cao 5,32%. Tuy nhiên, có thể nhận thấy ngay những kết quả đó chỉ cao so với kế hoạch năm được xây dựng với các chỉ tiêu thấp từ cuối năm 2008 do dự báo tình hình kinh tế khó khăn.

Nếu so với kết quả của năm 2008 là năm kinh tế rất khó khăn do lạm phát tăng cao, thì kết quả ấy chỉ ở mức thấp. Còn nếu so với mức tăng trưởng chung của nền kinh tế, thì tốc độ tăng trưởng của khối tập đoàn, tổng công ty nhà nước thấp hơn. Chỉ tiêu tăng trưởng chỉ vài phần trăm đó quả thật không tương xứng với nguồn lực lớn như tài nguyên, đất đai, vốn… mà Nhà nước đã “chọn mặt gửi vàng” trao cho các “quả đấm thép”, nhất là với thế độc quyền trong các lĩnh vực điện, than, dầu khí. Không thể không nói đến những ưu ái mà các “ông lớn” tập đoàn, tổng công ty đã nhận được khá nhiều hỗ trợ từ Chính phủ trong các gói kích thích kinh tế như hỗ trợ lãi suất, giảm thuế, tăng cường vốn đầu tư.

Thế nhưng hiệu quả của các chương trình dự án đầu tư của các tập đoàn, tổng công ty, theo đánh giá của Ban chỉ đạo là có vấn đề. Một số công trình đầu tư còn kéo dài, hiệu quả thấp làm cho năng suất lao động thấp. Chi phí sản xuất tính cho một đơn vị sản phẩm chưa cắt giảm tích cực nên giá thành sản phẩm cao, chất lượng chưa ổn định. Nhiều dự án, chương trình chậm thực hiện như các dự án nguồn điện; một số dự án đóng tàu, xây nhà máy đóng tàu của Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy; các dự án của Tổng Công ty Thép; các chương trình, dự án phát triển cao su ở Tây Nguyên.

Mặc dù có nhiều lời động viên, khen ngợi các tập đoàn, tổng công ty trong vai trò điều tiết, hỗ trợ ổn định kinh tế… song Thủ tướng Chính phủ cũng thẳng thắn chỉ rõ những bất cập, yếu kém về năng suất lao động, các chỉ tiêu lao động tổng hợp còn thấp, hiệu quả cạnh tranh thấp, đầu tư còn dàn trải, lãng phí. Một số tổng công ty lớn còn xảy ra thua lỗ. Người đứng đầu Chính phủ nghiêm khắc nói: “Vì sao không giải quyết được? Phải nghiêm túc kiểm điểm nguyên nhân để khắc phục ngay. Nếu lỗ còn kéo dài thì phải kiên quyết sắp xếp lại bằng cách cổ phần hóa, bán, khoán hay cho thuê doanh nghiệp”.

Tại hội nghị năm nay, vẫn theo thói quen lâu nay, lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty đều “đồng thanh” tranh thủ xin Chính phủ: phát hành trái phiếu Chính phủ, tăng bảo lãnh tín dụng, tăng đầu tư. Xin được nhiều và được cho nhiều, “sức khỏe” của các tập đoàn, tổng công ty tuy cơ bản vẫn còn khỏe, nhưng đã không đạt được kỳ vọng như Chính phủ mong đợi. Không chỉ Chính phủ đòi hỏi mà cả nền kinh tế đều trông cậy vào “sức khỏe” của các tập đoàn, tổng công ty “xương sống” kinh tế của cả nước.

Đan Thanh