Sức khỏe của lao động làng nghề: Còn bỏ ngỏ

(ANTĐ) - Theo thống kê của Cục An toàn lao động, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, 6 tháng đầu năm 2008, trên cả nước xảy ra 2.497 vụ tai nạn lao động, làm 2.574 người bị nạn, trong đó có 266 người chết và 546 người bị thương nặng.

Sức khỏe của lao động làng nghề: Còn bỏ ngỏ

(ANTĐ) - Theo thống kê của Cục An toàn lao động, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, 6 tháng đầu năm 2008, trên cả nước xảy ra 2.497 vụ tai nạn lao động, làm 2.574 người bị nạn, trong đó có 266 người chết và 546 người bị thương nặng.

Bên cạnh đó, hàng nghìn lao động tại làng nghề có vấn đề về sức khỏe, mắc bệnh hiểm nghèo và chết khi tuổi đời còn trẻ. Điều đó phản ánh một thực tế, sức khỏe của lao động làng nghề nói riêng và người lao động nói chung chưa được quan tâm đúng mức.

Người làm miến ở xã Dương Liễu (Hoài Đức) phải tự đảm bảo vệ sinh, an toàn lao động cho mình

Người làm miến ở xã Dương Liễu (Hoài Đức) phải tự đảm bảo vệ sinh, an toàn lao động cho mình

Thiếu an toàn lao động

Tại làng nghề nấu rượu Bá Giang, huyện Đan Phượng, mùi khí cácbon từ than đốt cháy rất đậm đặc. Nhiệt độ trong khu nhà nấu rượu của các hộ gia đình thôn Bá Giang rất cao, tỏa ra cả không gian xung quanh khiến bầu không khí ngột ngạt.

Hay tại xã Dương Liễu (Hoài Đức), làng Vạn Phúc (Hà Đông),... những lao động nhuộm vải, làm miến phải tiếp xúc với hóa chất nhưng nhiều người “quên” yêu cầu bắt buộc khi làm việc là đeo găng tay và khẩu trang.

Những năm gần đây, làng nghề truyền thống phát triển mạnh ở ngoại thành bên cạnh những cơ sở sản xuất nhỏ lẻ trong nội đô khiến cho số người chết vì mắc bệnh hiểm nghèo tăng lên nhanh chóng.

Phát triển kinh tế không gắn liền với bảo vệ môi trường và đảm bảo an toàn vệ sinh lao động là nguyên nhân gây nên bệnh tật cho người lao động trực tiếp và người dân sống trong khu vực làng nghề.

Làng nghề nấu rượu Bá Giang trong 5 năm trở lại đây có 70% số người chết do mắc bệnh ung thư và đây cũng là tỷ lệ bị tai nạn lao động của công nhân làng nghề gia công cơ khí Rùa Hạ (Thanh Oai). Nhẹ hơn, người dân mắc bệnh da liễu, hô hấp.

Theo tìm hiểu của chúng tôi thì số người mắc bệnh chung tại các làng nghề cao gấp nhiều lần so với những làng nghề thuần nông. Điều đó chứng tỏ, sức khỏe của lao động làng nghề nói riêng và công nhân tại các xưởng sản xuất nói chung chưa được quan tâm đúng mức.

Người dân làng nghề nấu rượu Bá Giang (Đan Phượng) đã quen với khí cácbon độc hại
Người dân làng nghề nấu rượu Bá Giang (Đan Phượng) đã quen với khí cácbon độc hại

Giải pháp thiếu hiệu quả

Người lao động chỉ thực sự cảnh giác khi họ có vấn đề về sức khỏe mà khi ấy, có thể đã quá muộn. Anh Thành cho rằng: “Bệnh nghề nghiệp” thì không thể tránh khỏi”.

Sự vô trách nhiệm với bản thân và thiếu hiểu biết của người lao động dẫn đến tai nạn và bệnh tật đáng tiếc. Trong trường hợp này, lẽ ra chủ sử dụng lao động phải có biện pháp đảm bảo an toàn lao động tối đa thì họ cũng “đồng lõa” với công nhân.

Anh N., một thợ mộc bị mất ngón tay trong khi xẻ gỗ cho biết: “Ông bà chủ cũng mua găng tay, khẩu trang cho công nhân nhưng chúng tôi không dùng vì vướng víu lắm. Họ nhắc nhở đảm bảo an toàn lao động nhưng không bắt buộc”.

Khuyến nghị 179 về Cơ chế tăng cường vệ sinh an toàn lao động của Cục An toàn lao động, Bộ Lao động  Thương Binh và Xã hội nêu khá cụ thể trách nhiệm của công ty, xí nghiệp và người lao động trong lĩnh vực này nhưng người dân thì thờ ơ còn cơ quan chức năng chưa sát sao kiểm tra thực hiện.

Bên cạnh đó, ngành y tế cũng chưa có cảnh báo nhằm ngăn chặn và hạn chế những ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động. Một cán bộ của Trạm Y tế xã Dương Liễu, Hoài Đức cho biết: “Chúng tôi tiến hành khám sức khỏe cho công nhân của các khu công nghiệp (KCN), công ty thuộc địa bàn xã khi họ đề nghị còn những cơ sở sản xuất nhỏ lẻ thì không.

Những chiến dịch tuyên truyền đảm bảo vệ sinh, chăm sóc sức khỏe trên loa truyền thanh chỉ theo đúng chỉ thị của trên”. Như vậy có nghĩa là y tế cơ sở đã hoàn thành nhiệm vụ được giao nhưng chưa sát với thực tế địa phương, chưa có sáng tạo trong quá trình công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Còn theo ông Lê Anh Tuấn - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội thì “Công tác quản lý y tế trong các làng nghề phải quyết liệt hơn. Tại các KCN sẽ thành lập các trạm y tế hoặc phòng y tế để chăm sóc sức khỏe cho công nhân.

Với lao động tại các làng nghề truyền thống, đặc biệt là các làng nghề có nguy cơ ô nhiễm cao thì việc khám sức khỏe cho người lao động phải được tiến hành định kỳ hàng năm. Sở Y tế cũng có ý định thành lập Trung tâm Vệ sinh lao động môi trường để đáp ứng tốt hơn việc chăm sóc sức khỏe lao động tại các làng nghề và KCN”.

Đồng thời, ông Tuấn cũng khuyến cáo người lao động tại các KCN, làng nghề cần tuân thủ nghiêm chỉnh, chặt chẽ các quy định về an toàn lao động, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm để tự bảo vệ sức khỏe của mình và cho người thân.

Thanh Hoàn