Sửa quy định luật để ngăn chặn việc mua bán sổ bảo hiểm xã hội

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Thời gian qua, lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid-19, công nhân mất việc làm, một số đối tượng thực hiện thu gom, mua bán sổ bảo hiểm xã hội nhằm trục lợi chính sách.
Tài khoản Facebook giả mạo cơ quan bảo hiểm xã hội rao mua bán sổ bảo hiểm xã hội

Tài khoản Facebook giả mạo cơ quan bảo hiểm xã hội rao mua bán sổ bảo hiểm xã hội

Bộ LĐ-TB&XH vừa có công văn số gửi đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lệ và Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM về trả lời chất vấn liên quan đến chính sách bảo hiểm xã hội.

Theo đó, tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, đại biểu Nguyễn Thị Lệ - Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM chất vấn Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH về giải pháp nào để người lao động không bán sổ bảo hiểm xã hội, chính sách thu hút người lao động tham gia bảo hiểm xã hội và tạo động lực cho người lao động.

Trả lời nội dung này, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, thời gian qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng có phản ánh về tình trạng một số đối tượng lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid-19, công nhân mất việc làm để thu gom, mua bán sổ bảo hiểm xã hội nhằm trục lợi chính sách, đặc biệt, có đối tượng còn mạo danh cơ quan bảo hiểm xã hội để rao mua bán sổ bảo hiểm xã hội.

Theo khoản 6 Điều 18 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 thì người lao động có quyền “Ủy quyền cho người khác nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội”.

Quy định này nhằm tạo thuận lợi cho người lao động tham gia và thụ hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội và hoàn toàn phù hợp với các quy định của pháp luật về quyền công dân.

Tuy nhiên, xuất phát từ việc nhận thức của người lao động còn chưa đầy đủ, các đối tượng xấu đã lợi dụng quy định trên để tiếp cận, dụ dỗ, lôi kéo người lao động để thực hiện việc mua bán sổ bảo hiểm xã hội của người lao động với giá rẻ kèm theo giấy ủy quyền nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội để sau đó làm thủ tục thanh toán với cơ quan bảo hiểm xã hội và hưởng chênh lệch.

Hiện nay, thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao, Bộ LĐ-TB&XH đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng trình Chính phủ, Quốc hội hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), trong đó đề xuất nhiều giải pháp nhằm hạn chế hưởng bảo hiểm xã hội, tăng tính hấp dẫn, thu hút người lao động tham gia bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu.

Cụ thể như: giảm thời gian tham gia bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm tiến tới còn 10 năm; bổ sung các quyền lợi, nhất là các quyền lợi ngắn hạn để gia tăng sự hấp dẫn và tạo động lực cho người lao động; tăng cường sự liên kết, hỗ trợ giữa các chính sách bảo hiểm xã hội cũng như tính linh hoạt của các chính sách nhằm đạt được mục tiêu thu hút và tạo động lực để người lao động tham gia bảo hiểm xã hội.

Ngoài ra, để ngăn chặn và xử lý hành vi thu mua sổ bảo hiểm xã hội, trong hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) còn bổ sung các hành vi bị nghiêm cấm đối với hành vi mua bán sổ bảo hiểm xã hội dưới mọi hình thức.