Sửa đổi chính sách việc làm, tăng quyền lợi cho người lao động

ANTD.VN - Qua thực tiễn triển khai cho thấy, Bộ luật Lao động hiện hành đang có những nội dung quy định gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và sử dụng lao động của nhiều doanh nghiệp, cũng như chưa đảm bảo hết các quyền lợi của người lao động.

Đối tượng chịu tác động của Bộ luật Lao động rất rộng nên cần đánh giá tác động kỹ lưỡng

Dự kiến, trong tháng 9-2018, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) sẽ thông tin trên website để lấy ý kiến rộng rãi các doanh nghiệp và người lao động về những nội dung dự kiến sẽ sửa đổi trong Bộ luật Lao động lần này.

Thay đổi 10 nhóm chính sách

Theo Vụ trưởng Vụ pháp chế, Bộ LĐ-TB&XH Hà Đình Bốn, để khắc phục những khó khăn, bất cập trong quá trình triển khai trên thực tế, dự thảo Bộ luật Lao động lần này có 10 nhóm chính sách được đề nghị sửa đổi.

Các nhóm chính sách lớn bao gồm: Điều chỉnh tuổi nghỉ hưu nhằm thích ứng với xu hướng già hóa dân số và tình hình phát triển kinh tế xã hội của đất nước; Mở rộng quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động cho người lao động; Bảo đảm tiền lương tối thiểu ở mức đáp ứng được mức sống tối thiểu của người lao động; Mở rộng cơ hội và quyền của các bên tranh chấp trong việc lựa chọn cơ chế giải quyết tranh chấp; Tăng cường năng lực của thanh tra lao động...

Ngoài ra, dự luật cũng sẽ đưa vào các định hướng chính sách theo các Nghị quyết vừa được Trung ương Đảng thông qua mới đây gồm: Nghị quyết số 27-NQ/TƯ về cải cách chính sách tiền lương và Nghị quyết số 28-NQ/TƯ về chính sách bảo hiểm xã hội. Theo đó, thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TƯ, sẽ có những sửa đổi về chính sách tiền lương tối thiểu ở mức đáp ứng được mức sống tối thiểu của người lao động trên cơ sở sửa đổi khái niệm tiền lương tối thiểu và các tiêu chí xác định lương tối thiểu. Đồng thời, tiếp tục thể chế hóa chính sách tiền lương theo cơ chế thị trường, từng bước mở rộng, tạo quyền tự chủ cho người sử dụng lao động và người lao động trong trả lương.

Dự luật sẽ xác định rõ khái niệm về tiền lương, với việc đảm bảo “tiền lương của người lao động là mọi khoản tiền mà người lao động nhận được từ việc thực hiện công việc đã được thỏa thuận”. Ngoài ra, các quy định sẽ đảm bảo doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp Nhà nước được tự quyết định chính sách tiền lương.

Để thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TƯ, dự luật đưa ra các quy định để thực hiện tăng tuổi nghỉ hưu chung từ năm 2021. Theo đó, tuổi hưu của nam giới sẽ tăng lên 62 tuổi và nữ 60 tuổi. Việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu được thực hiện theo lộ trình, thu hẹp dần khoảng cách về giới trong quy định tuổi nghỉ hưu, đảm bảo quyền nghỉ hưu sớm hoặc muộn hơn nhưng không quá 5 năm so với tuổi nghỉ hưu chung áp dụng cho những ngành nghề đặc biệt.

Không để doanh nghiệp “lách” luật

Báo cáo về các nội dung cơ bản của dự án sửa đổi Bộ luật Lao động, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp cho biết, Bộ luật Lao động sửa đổi vẫn sẽ giữ nguyên phạm vi điều chỉnh của Bộ luật Lao động năm 2012 như quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người lao động, người sử dụng lao động, tổ chức đại diện của người lao động, tổ chức đại diện của người sử dụng lao động trong quan hệ lao động và các quan hệ khác liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động, quản lý Nhà nước về lao động.

“Quan điểm sửa Bộ luật Lao động hướng đến là giảm chi phí cho doanh nghiệp, đồng thời đảm bảo quyền lợi của người lao động, quan trọng là nâng cao năng suất lao động chất lượng việc làm. Bên cạnh đó, việc sửa đổi nhằm đảm bảo phát triển cung cầu thị trường lao động, đồng thời quan tâm phát triển bền vững cho doanh nghiệp và xã hội; bảo đảm quyền tự do tìm kiếm việc làm tốt hơn cho người lao động và phòng ngừa, xóa bỏ lao động cưỡng bức; sửa đổi khái niệm tiền lương tối thiểu và các tiêu chí xác định lương tối thiểu”.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội  Đào Ngọc Dung

Cơ quan soạn thảo sẽ nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số nội dung mang tính tăng cường khả năng nhận diện các quan hệ lao động trên thực tiễn, khắc phục tình trạng “lách” các quy định của pháp luật lao động gây bất lợi cho người lao động. Bên cạnh đó, dự luật cũng nghiên cứu điều chỉnh những quan hệ mới phát sinh trong thị trường lao động. Cụ thể như, người lao động làm việc theo các hình thức liên kết liên doanh với các doanh nghiệp công nghệ số như Uber, Grab… nhằm đảm bảo quyền lợi của các bên trong quan hệ lao động và thích ứng với sự thay đổi của thị trường lao động trong bối cảnh chính sách mới.

Góp ý với đề xuất tại dự thảo về vấn đề giảm sự can thiệp vào chính sách tiền lương của doanh nghiệp, ông Ngọ Duy Hiểu, Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, trong bối cảnh năng lực thương lượng của tổ chức công đoàn còn nhiều hạn chế thì vẫn cần sự quản lý và can thiệp của Nhà nước vào cơ chế tiền lương trong doanh nghiệp. Đặc biệt, việc tiến tới xóa bỏ khoảng cách giữa các bậc lương liền kề trong thời điểm này cũng chưa phù hợp vì quyền lợi của người lao động như vậy sẽ bị ảnh hưởng rất lớn.

Đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, pháp luật có chính sách cởi mở cho doanh nghiệp, để doanh nghiệp phát triển nhưng vẫn phải đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Bởi xét đến cùng, người lao động vẫn là bên yếu thế trong quan hệ lao động.

Mở rộng quyền cho người lao động

Bàn về nội dung sửa đổi Bộ luật Lao động, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho hay, quan điểm sửa Bộ luật Lao động hướng đến là giảm chi phí cho doanh nghiệp, đồng thời đảm bảo quyền lợi của người lao động, quan trọng là nâng cao năng suất lao động chất lượng việc làm. Bên cạnh đó, việc sửa đổi nhằm đảm bảo phát triển cung cầu thị trường lao động, đồng thời quan tâm phát triển bền vững cho doanh nghiệp và xã hội; bảo đảm quyền tự do tìm kiếm việc làm tốt hơn cho người lao động và phòng ngừa, xóa bỏ lao động cưỡng bức; sửa đổi khái niệm tiền lương tối thiểu và các tiêu chí xác định lương tối thiểu.

Đặc biệt, các quy định để tăng tuổi nghỉ hưu chung theo lộ trình từ năm 2021 nhằm thu hẹp dần khoảng cách về giới, thích ứng với xu hướng già hóa dân số và tình hình phát triển kinh tế - xã hội được đưa ra tham vấn ý kiến rộng rãi. Bộ luật Lao động năm 2012 sẽ được sửa đổi toàn diện, thay vì sửa đổi, bổ sung một số điều như quá trình soạn thảo trước đây. Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) sẽ được xây dựng trên cơ sở khoa học và thực tiễn, phù hợp với quá trình phát triển và hội nhập quốc tế.

Theo các nhà nghiên cứu chính sách, việc sửa Bộ luật Lao động là vấn đề cấp thiết hiện nay, song sửa như thế nào để tạo khung pháp lý cho doanh nghiệp phát triển, đồng thời vẫn đảm bảo quyền lợi cho người lao động, tránh tình trạng chưa ban hành đã vướng mắc là vấn đề cần phải xem xét kỹ lưỡng. Đối tượng chịu tác động của Bộ luật Lao động rất rộng, không chỉ ảnh hưởng tới người lao động trong các doanh nghiệp, nhiều chính sách của Bộ luật Lao động còn có ảnh hưởng tới người lao động tại các cơ quan Nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội.

Do đó, cơ quan soạn thảo cần phải nghiên cứu các đặc thù và đánh giá tác động cụ thể đối với các đối tượng được điều chỉnh đặc biệt trong các chính sách như: tuổi nghỉ hưu, tranh chấp lao động, vai trò của tổ chức đại diện người lao động ở cơ sở, tác động của cách mạng 4.0 trong quan hệ lao động.