Sự vô cảm lấn át lòng nhân ái

ANTĐ - Vụ tai nạn giao thông thảm khốc xảy ra vào sáng 29-2, tại quận Long Biên, Hà Nội đã tước đi sự sống của 3 người. Đối tượng gây tai nạn sẽ bị xử lý nghiêm, song điều khiến dư luận day dứt, xót xa chính là sự vô cảm của một bộ phận người tham gia giao thông trước nỗi đau của người khác.

Sự vô cảm lấn át lòng nhân ái ảnh 1Tụ tập đông người là hình ảnh thường thấy sau mỗi vụ tại nạn

Sao không đặt mình vào vị trí người bị nạn?

Trên mạng xã hội, nhiều người đã tỏ thái độ phẫn uất khi biết khi cháu T.G.H (6 tuổi) đã tử vong khi được đưa đến bệnh viện ít phút. Theo những người chứng kiến sự việc, một số người lái xe có mặt tại hiện trường lúc đó đã từ chối đưa cháu H đi cấp cứu. Bình luận về sự việc này, chị Đào Bích Hà - ở đường Trường Chinh, quận Đống Đa, Hà Nội chia sẻ: “Sau khi xem clip về vụ tai nạn trên mạng, hình ảnh cháu bé nằm thoi thóp trên đường, xung quanh đó là hàng chục con người quây  khiến tim tôi quặn thắt. Cổ nhân có câu: “Cứu một người phúc đẳng hà sa”, vậy thì hà cớ gì mà con người ta lại lạnh lùng trước nỗi đau của đồng loại đến vậy? Tại sao họ không đặt mình, người thân của mình vào vị trí của người bị nạn?”.

Sự việc trên chỉ là một trong hàng chục vụ tai nạn giao thông xảy ra trong thời gian gần đây thể hiện sự lạnh lùng đến tàn nhẫn của những người chứng kiến sự việc. Cách đây không lâu, dư luận bàng hoàng trước vụ lái xe taxi gây tai nạn liên hoàn trên cầu vượt Thái Hà - Chùa Bộc (Hà Nội) khiến 1 người chết và nhiều người bị thương. Theo chia sẻ của một người chứng kiến sự việc, trong khi những người bị nạn nằm la liệt tại hiện trường thì một số thanh niên không những không gọi xe cấp cứu mà còn thản nhiên đứng quay phim, chụp ảnh, bình luận, thậm chí khi được nhờ giúp đỡ, họ còn từ chối thẳng thừng rồi tìm cách bỏ đi.

Tuy nhiên, bên cạnh những câu chuyện buồn vẫn còn những điểm sáng về sự tử tế. Câu chuyện đầy nhân văn về hành động cứu người bị nạn trong vụ tai nạn xe khách lao xuống vực tại Sa Pa, Lào Cai hồi tháng 9-2014 của một nhóm phượt vẫn được nhắc đi nhắc lại trên nhiều diễn đàn mạng. Những bạn trẻ cho dù rất sợ, nhưng họ đã vượt qua  trở ngại về địa hình, thời tiết, với lòng nhân ái, sự dũng cảm và tinh thần trách nhiệm, để cùng đơn vị cứu hộ đưa các nạn nhân đi cấp cứu kịp thời, giành lại được sự sống.

Cần xóa bỏ những rào cản

Về nguyên nhân khiến một số người từ chối cứu giúp nạn nhân trong các vụ tai nạn giao thông, anh Vũ Văn Công - một lái xe khách cho rằng, lý do chính là sự thờ ơ, lạnh lùng trước nỗi đau của người khác, song bên cạnh đó, không ít người từ chối giúp đỡ vì sợ trách nhiệm, lo người nhà nạn nhân hiểu nhầm. Có người do sợ hãi, bối rối không biết bắt đầu từ đâu, có người lại lo vào chỗ đông người dễ mất trộm mất cắp nên không dừng lại… Đặc biệt, nỗi lo vì phải mất thời gian đi lại để lấy lời khai tại các cơ quan chức năng, lo bị bệnh viện yêu cầu ký cam kết, thanh toán chi phí cho nạn nhân… cũng khiến nhiều cá nhân không sẵn sàng giúp đỡ.

Lý giải về điều này, Tiến sỹ tâm lý Hoàng Cẩm Tú cho rằng, xã hội ngày càng phát triển, mỗi cá nhân luôn bận rộn nên sự sẻ chia với những người xung quanh bị hạn chế, dần dần hình thành thói quen “mình chỉ biết mình”. Ngoài ra, tâm lý e ngại, sợ gặp rắc rối hay “vận đen” khiến họ có thái độ thờ ơ, tránh xa những người bị nạn. Do đó, khi gặp các vụ tai nạn giao thông đa phần mọi người thường có tâm lý thích đứng xem, bàn tán nhưng không có hành động chia sẻ, giúp đỡ. Trong khi đó, tai nạn giao thông có thể xảy ra với bất kỳ ai và tại bất cứ đâu. Khi gặp tai nạn, tính mạng nạn nhân sẽ phụ thuộc vào tấm lòng nhân ái của những người đi đường. Vì vậy, mỗi người cần đặt mình vào hoàn cảnh của nạn nhân để có những hành động cứu giúp kịp thời. 

Việc cứu giúp các nạn nhân bị tai nạn giao thông là việc làm cần thiết và là trách nhiệm của mỗi người. “Để tránh xảy ra những vụ việc đáng tiếc tương tự, ngay từ bây giờ, gia đình, nhà trường và các cơ quan truyền thông cần tăng cường giáo dục về các kỹ năng sống, trong đó có việc đối phó với các tình huống diễn ra trên đường như khi gặp tai nạn thì báo cho ai, cách sơ cứu người bị nạn như thế nào là phù hợp…” - Tiến sỹ Hoàng Cẩm Tú đưa ra lời khuyên.

Luật sư Nguyễn Thành Trung - Đoàn luật sư Hà Nội: Không cứu giúp người bị nạn có thể bị phạt tù

Hành vi thấy người bị nạn trong các vụ tai nạn giao thông nhưng không cứu giúp nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm có thể bị xử lý về tội “Không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng” theo Điều 132 - Bộ luật Hình sự 2015. Theo điều luật này, người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm… Phạm tội dẫn đến hậu quả 2 người chết trở lên thì bị phạt tù từ 3 đến 7 năm...

Như vậy, về mặt khách thể, việc cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng là nghĩa vụ luật định. Có thể nói, không cứu giúp người bị nạn là hành vi đáng bị lên án. Song, để xem xét một cá nhân nào đó có bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không phải căn cứ vào từng trường hợp cụ thể. Còn theo Luật Giao thông đường bộ, tổ chức, cá nhân không cứu giúp người bị tai nạn giao thông khi có yêu cầu, có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 171/2013/NĐ-CP.                                                                                      
Huệ Linh (Ghi)