Sự thật về “thần đa” ở Thái Nguyên

ANTĐ - Đã từ rất lâu, ở Thái Nguyên lưu đồn câu chuyện về hai “cây đa thần” ở phường Thịnh Đán – TP Thái Nguyên khiến nhiều người sợ hãi. Hiện, hai cây đa vẫn nằm giữa một con đường lớn, vậy thực hư câu chuyện thế nào? 

Ông Vinh khẳng định không có chuyện “thần đa” hại người

Những câu chuyện hãi hùng

Khi chúng tôi có mặt tại phường Thịnh Đán, không khó để tìm hai “thần đa” như lời đồn thổi. Hai cây đa cổ thụ nằm giữa đường Quang Trung (trước đây, khu vực này được gọi là ngã ba Đán – PV) tạo thành một dải phân cách. Trên thân cây đa cổ thụ hàng trăm năm tuổi này, người ta lập một bàn thờ và thắp hương vào ngày mùng một và ngày rằm hàng tháng.

Câu chuyện kể rằng, hai cây “đa thần” này là anh em sinh đôi được phái xuống hạ giới nên rất thiêng. Có người từng mạo phạm đến “thần đa” nên bị trừng phạt nặng. Đó là một anh công nhân xây dựng trèo lên một trong hai cây đa để bắt tổ chim, nào ngờ khi vừa chạm tay vào tổ thì bị ngã. Nhiều người đồn thổi, lúc thanh niên này cầm vào tổ chim thì bị một cánh tay to lớn túm lấy cổ áo quẳng xuống đất.

Chưa hết, một số người bạo gan cầm cưa định “xẻ thịt” hai cây đa cổ thụ này nhưng không được. Cứ mỗi lần cưa xăng khởi động thì lại hỏng hóc, hoặc cưa vừa chạm đến thân cây đa thì lưỡi cưa bị gãy. Có người đã bị chết bất đắc kỳ tử do bị “thần đa” trừng phạt.

Có người sau khi mạo phạm đến “thần đa”, đêm về ngủ toàn mơ thấy những thần thánh đến quở trách. Có người vì sợ mà hóa bệnh tâm thần, những người nhanh trí hơn sắp lễ đến gốc cây đa tạ tội xin “thần đa” tha thứ thì mọi chuyện lại được yên lành.
Sự thật về “thần đa” ở Thái Nguyên ảnh 2
Một số người lập bàn thờ ở cây đa
Mốc giới của đôi bạch xà

Theo ông Nguyễn Quang Vinh (70 tuổi), nguyên Bí thư Chi bộ tổ dân phố số 22 phường Thịnh Đán thì: “Hai cây đa cổ thụ hàng trăm năm tuổi này được các cụ thời xưa coi là mốc giới của đôi bạch xà ở đền Hồ Sen. Hai con bạch xà có mào đỏ từ ngôi đền thiêng này thường bò qua 2 cây đa để lên đền Đuổm ở huyện Phú Lương”.

Cũng theo ông Vinh, đền Hồ Sen thờ người anh hùng Dương Tự Minh, đền Hồ Sen là một trong những ngôi đền linh thiêng bậc nhất xứ chè. Đó là nơi để nhân dân lập đàn tế trời cầu mưa nếu thời tiết hạn hán kéo dài. Ông Vinh khẳng định: “Lần nào cũng thế, sau 2 ngày lễ tế trời thì trời lại đổ mưa như trút nước. Hai con bạch xà to lớn có mào màu đỏ luôn đi qua 2 cây đa để sang ngôi đền khác”.

Ngôi đền Hồ Sen cũng mang nhiều bí ẩn khó giải thích, ông Vinh kể rằng, ngày trước thanh niên nam nữ đi qua đền mà không bỏ mũ nón xuống là thể nào cũng bị méo mồm. Thế nên, ngôi đền trở thành biểu tượng tâm linh cho cả một vùng rộng lớn.

Từ đền Hồ Sen đến vị trí hai cây đa cổ thụ cũng không cách nhau bao xa. Nhà ông Vinh cũng gần hai cây đa này nên ông biết khá nhiều chuyện lạ. Ông bảo, có đến 5 – 6 trường hợp đi xe mà lại lao thẳng vào gốc đa. Lúc hỏi ra thì nạn nhân đều trả lời giống nhau là không biết và không nhìn thấy cây đa nào trên đường. Rất may là chưa có ai tử vong tại đây. Tuy nhiên, ông Vinh đánh giá đó là những người đi xe ẩu hoặc do uống rượu không làm chủ tốc độ nên lao vào cây.

Cũng có trường hợp mà ông Vinh và một số người dân có nhà gần hai cây đa này biết, đó là việc “ma cây đa” nhập vào một người phụ nữ ở xã Tân Cương. Ông Vinh bảo: “Đó là vong của một đứa trẻ thời xưa bị chết đói tại đây, nhìn thấy người phụ nữ đi qua lại tưởng là mẹ nên nhập nhầm. 
Sự thật về “thần đa” ở Thái Nguyên ảnh 3
Hai cây đa cổ thụ nằm giữa đường ở phường Thịnh Đán
Sự thật của những tin đồn

Những câu chuyện mang tính đồn thổi thần thánh hóa hai cây đa cổ thụ thực chất là không có. Chính ông Vinh đã khẳng định: “Tôi ở đây bao nhiêu năm nên tôi biết, không có bất kỳ một trường hợp nào bị “thần đa” trừng phạt như lời đồn thổi. Việc có bàn thờ trên cây đa là do một số người dân và người buôn bán quanh đó lập ra để thắp hương vào ngày mùng một và ngày rằm theo tín ngưỡng tâm linh mà thôi”.

Người dân ở phường Thịnh Đán đều khẳng định, hai cây đa thuộc hàng cổ thụ nằm giữa đường không hề có chuyện được gọi là “thần đa”. Do hai cây đa rất đẹp, lại cổ thụ hàng trăm năm tuổi, người dân có ý thức và trách nhiệm bảo vệ môi trường nên không ai xâm phạm chặt phá hay làm tổn hại đến cây chứ không phải do tâm lý sợ “thần đa” mà không dám xâm phạm.

Một người làm nghề bán nước ở khu vực ngã ba Đán cho hay: “Toàn người ở xa đồn thổi về hai cây đa này chứ người địa phương chúng tôi biết chẳng có chuyện tâm linh gì cả. Hai cây đa đem lại bóng mát nên khi làm đường, người ta không di chuyển đi mà để lại tạo một khoảng phân cách giữa đường cho hợp lý”.

Ở địa phương không có ai gọi đây là hai “cây đa thần” cả, cũng không có chuyện cây đa hại người. Về mặt tâm linh thì một số người dân xung quanh thấy cây cổ thụ thì lập bát hương thờ tự, đó cũng là chuyện bình thường. Nhà tôi cũng ở ngay gần cây đa tôi biết rõ nhất. Khi làm đường, chúng tôi đã thảo luận rất kỹ là không chuyển hai cây đa ấy đi mà để làm dải phân cách, vừa đem lại bóng mát vừa tăng mỹ quan đô thị”, Ông Nguyễn Hữu Quang (Chủ tịch UBND phường Thịnh Đán)