Sự thật về các bức ảnh quảng cáo giảm cân

ANTĐ - Chương trình Today của Đài truyền hình NBCNews mới đây đã mở cuộc điều tra trên phạm vi toàn nước Mỹ và phát hiện rằng những bức ảnh quảng cáo về nhiều trường hợp giảm cân thành công nhờ đồ ăn kiêng, thuốc giảm cân chỉ là lừa đảo.

Hình ảnh một người mẫu Đức bị đánh cắp, chỉnh sửa, rồi đem quảng cáo cho các thuốc giảm cân

Đơn cử như trong các quảng cáo trà giảm cân Wu-Yi đang được bán trên thị trường Mỹ, hãng này chắc chắn rằng khách hàng sau khi sử dụng sản phẩm có thể giảm tới 30kg. Để chứng minh lời chào hàng của mình là đủ sức thuyết phục, họ đưa ra hình ảnh một khách hàng đã giảm cân rất thành công. Người “đại diện” cho hiệu quả thực sự của trà giảm cân Wu-Yi sau đó đã được xác định là Brooke Shadwell, một bà mẹ 2 con ở California (Mỹ). Nhưng mới đây, khi xuất hiện trong chương trình truyền hình trực tiếp The Today Show, chị Brooke ngạc nhiên cho hay: “Tôi thậm chí chưa từng thử hoặc uống loại trà này... Tôi cũng không biết đó là loại trà gì”. 

Thực tế, đúng là chị Brooke đã giảm được số cân như hình ảnh mới nhất xuất hiện trong quảng cáo của hãng trà Wu-Yi. Nhưng chị khẳng định, kết quả đó không phải do uống trà Wu-Yi, mà do bản thân chị kiên trì tập luyện thể dục thể thao và ăn kiêng suốt 1 năm ròng. Toàn bộ quá trình đã được chị Brooke đăng tải trên blog cá nhân và không hay biết việc các hình ảnh đó đã bị lợi dụng để quảng bá cho trà Wu-Yi.

Chương trình Today cũng phát hiện hình ảnh một phụ nữ xuất hiện trên bao bì và tờ quảng cáo cho nhiều loại thuốc giảm cân khác nhau. Cô gái với tên gọi khác nhau như “Kathy Thompson”, “Jenny Conrad”, “Nicole Stevenson”… này qua điều tra là một người mẫu ảnh ở Đức. Rất có thể ảnh của cô này đã bị đánh cắp, sau đó chỉnh sửa, rồi đem dùng nhiều lần vì mục đích quảng cáo cho các thuốc giảm cân.

Các nhà sản xuất của chương trình Today cũng áp dụng một thử nghiệm nhỏ. Họ nhờ huấn luyện viên thể dục Andrew Dixon thực hiện bộ ảnh trước và sau “giảm cân” trong vòng 5 phút. Trước khi chụp ảnh, Andrew Dixon để lông ngực, ngồi trên chiếc ghế để tạo hình ảnh cơ thể béo mập. Chuẩn bị cho bức ảnh tiếp theo, Andrew cạo lông, chải tóc, thay quần mỏng hơn và ánh sáng trong phòng tăng lên, anh này đứng thẳng giúp khoe được cơ bắp. “Sự khác biệt rất rõ ràng và chỉ cần chuẩn bị kỹ càng là bạn có thể tạo ra những bức ảnh “giảm cân” như quảng cáo” - Andrew nói.

“Người tiêu dùng không nên mong rằng mình có thể thay đổi như vậy sau khi dùng các sản phẩm quảng cáo kiểu này” - Mary Engle, Phó giám đốc quản lý quảng cáo của Ủy ban Thương mại Liên bang (Mỹ) khẳng định. Ông Engle cũng cho biết, một số hãng kinh doanh sản phẩm giảm cân đang dùng hình ảnh minh chứng không trung thực, thậm chí ảnh “ăn trộm” để lừa phỉnh người tiêu dùng. “Nếu bạn nhìn thấy hình ảnh của tôi trên các quảng cáo thuốc/sản phẩm giảm cân thì đó là quảng cáo sai sự thật” - chị Brooke khuyến cáo. Các chuyên gia vẫn khuyên rằng, bất kể ảnh minh họa có vẻ “thuyết phục” đến đâu, mọi người cũng nên có thái độ hoài nghi trước bất kỳ sản phẩm được quảng cáo giúp giảm cân nhanh chóng và dễ dàng.