Sự “phá cách” ở trường Thực Nghiệm vẫn chỉ là kỳ vọng

ANTĐ - Mong muốn có sự “phá cách” không theo lối mòn hay sợ bệnh thành tích thường có ở những trường công lập là những lý do chính khiến phụ huynh quyết tâm xin cho con vào học trường Thực nghiệm. Tuy nhiên, tiếng nói của những người trong cuộc cho thấy điều đó vẫn chỉ là kỳ vọng.

Thất vọng vì không “Tây” như mong muốn

Phụ huynh xếp hàng trước cửa trường PTCS Thực nghiệm lúc 4h30 sáng 13-5-2012

Có thể nói một trong những điểm thu hút sự quan tâm của phụ huynh vào trường Thực nghiệm là sự hứa hẹn một phương pháp giáo dục khách quan, không áp lực về thành tích và phát triển một cách tự nhiên nhất cá tính mỗi học sinh. “Tôi đã tìm mọi mối quan hệ để chắc chắn một suất cho con mình vào học dù được nhiều người cảnh báo là mô hình này vẫn đang cần phải xem xét” - một phụ huynh có con học lớp 3 ở trường này cho biết.

Lý do phụ huynh này hăng hái cho con vào học ở đây  là vì mong muốn cho con mình được “tháo cũi”, không phải e ngại bởi các giờ học gò bó khi đến trường, không sợ thầy, sợ cô, không phải nghe cô phàn nàn vì kết quả học tập của con ảnh hưởng đến thành tích chung của cả lớp và toàn trường... Tuy nhiên, thực tế không hoàn toàn như vậy. Dù cơ sở vật chất tốt hơn nhưng chương trình giảng dạy, so với các trường công lập, sự khác biệt ở đây không nổi trội. “Tôi vẫn mong muốn con mình được hưởng môi trường giáo dục tích cực và thông thoáng hơn kiểu truyền thống” - phụ huynh này chia sẻ. Bên cạnh đó, vị phụ huynh này phàn nàn: “Năm đầu tiên, lớp của con có 38 cháu nhưng lớp 2 đã tăng lên 40 cháu và thành 42 cháu ở lớp 3. May mà không thể tăng thêm được nữa vì lớp đã quá chật”. 


Nhập nhằng chương trình thực nghiệm

“Tôi hoàn toàn không biết con mình sẽ phải học chương trình phổ thông như các trường công lập khác vì nghĩ rằng đã vào thực nghiệm sẽ được học theo chương trình này. Tuy nhiên, chỉ sau khi xếp lớp và vào học thì phụ huynh mới được biết chỉ có một số học sinh được học thực nghiệm, còn lại phải học chương trình theo quy định của Bộ GD-ĐT” - chị N.M.Trang, phụ huynh trường này cho biết.

Theo chị Trang, lý do chị cho con vào học Thực nghiệm là vì trước đó, chị gái chị cũng có con học ở đây và rất khen ngợi chương trình này. Tuy nhiên, khi vào đây chị mới biết con mình không được học đúng chương trình, đúng cô giáo đó. “Cô không rèn chữ cho con nhưng lại chê chữ quá xấu khiến con xấu hổ với bạn bè” -  chị Trang phàn nàn. Cũng nói về việc thiếu rèn giũa chữ nghĩa nên đa phần chữ của học sinh ở đây quá xấu, một phụ huynh có con học lớp 1 kể: “Con viết chữ chưa đẹp nhưng cô vẫn cho điểm cao. Trong khi đứa lớn học ở trường Đoàn Thị Điểm viết đẹp hơn thế nhiều mà cũng chỉ được điểm 8”. “Tôi thấy rằng ở đâu cũng vậy, cô giáo mới là người quyết định và trường có tốt đến đâu thì cũng có giáo viên thế này hay thế khác. Trường hợp con tôi, hết lớp 1 tôi sẽ lại xin ra ngoài, hy vọng được vào một trường tư thục” - chị Trang chia sẻ.

Được học theo đúng chương trình thực nghiệm, chị M.Anh cho biết, con chị may mắn được học chương trình này vì nếu ở trường công lập cháu sẽ là dạng học sinh cá biệt. “Con được đánh giá đúng thực chất, không có chuyện nâng điểm cho đẹp thành tích. Bên cạnh đó, con có quyền được phát biểu ý kiến cá nhân với cô giáo”. Tuy vậy, chị M.Anh cũng thừa nhận rằng, với chương trình và phương pháp này, học sinh nào tác phong chậm, tư duy bình thường sẽ bị đuối hơn so với các bạn khác ở các trường công lập. “Không phải cứ cho con vào trường tốt là bố mẹ cứ thả cho con tự bơi. Vẫn rất cần sự theo sát, kèm cặp con thì mới hiệu quả” - chị M.Anh phân tích.

Có thể thấy không phải ai cũng hoàn toàn bằng lòng với chương trình thực nghiệm và rằng chương trình nào cũng còn có những điều đáng bàn. Vì vậy, thay vì đổ xô vào trường bằng mọi giá thì phụ huynh nên cân nhắc kỹ mong muốn của mình.