"Sứ mệnh" truyền cảm hứng từ Hà Nội

ANTD.VN - Hà Nội - đầu não chính trị - hành chính quốc gia - đang đặt mình vào một vị thế mới: trở thành thành phố khởi nghiệp hàng đầu. Muốn vậy, Thủ đô nghìn năm tuổi phải “lột xác”, làm mới mình một cách triệt để.

Từ ý tưởng đến hành động khởi nghiệp là quãng đường dài hay ngắn, tùy thuộc vào quyết tâm của mỗi cá nhân và sự tác động của môi trường khởi nghiệp nơi họ bắt đầu sự nghiệp. Khẳng định sứ mệnh truyền cảm hứng, khát vọng khởi nghiệp, thành phố Hà Nội nhận trách nhiệm kiến tạo môi trường khởi nghiệp tốt nhất cho các “start-up”. 

“Vốn liếng” của thành phố khởi nghiệp hàng đầu

Là trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, Hà Nội là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất để các doanh nghiệp có thể bắt đầu sự nghiệp của mình. Nỗ lực bền bỉ trong suốt nhiều năm qua của thành phố đã tạo ra hệ thống hạ tầng kỹ thuật tương đối đồng bộ, thuận tiện cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp. Nguồn lực đất đai, tài chính của thành phố cũng được đánh giá là dồi dào. Bên cạnh đó, quy mô thị trường với hơn 7,6 triệu dân Thủ đô (số thống kê vào cuối năm 2017) cũng tạo ra lực hút rất lớn đối với dòng vốn đầu tư và các “start-up”.

Từ chỗ bị áp đặt định kiến “Hà Nội không vội được đâu” phản ánh sự chậm trễ, trì trệ trong cung cách phục vụ của cơ quan hành chính, vài năm trở lại đây, Hà Nội đã tích cực thay đổi phong cách lãnh đạo, điều hành để xoay chuyển tình hình. Giờ đây, nói tới Hà Nội, “thành ngữ” dân gian châm biếm trên đã đổi thành “Hà Nội không vội... không được”, hàm ý tinh thần, tác phong làm việc, phục vụ người dân, doanh nghiệp của Hà Nội đã thay đổi rất nhiều.

Những chỉ số uy tín đã đo đếm khách quan sự đổi thay này. Hà Nội hiện đứng đầu cả nước về số lượng hồ sơ giao dịch qua mạng. Thành phố cũng là địa phương duy nhất cung cấp dịch vụ công mức độ 3 trong lĩnh vực tư pháp đồng bộ với 100 xã, phường, thị trấn. Năm 2017, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của thành phố tăng 10 bậc, xếp thứ 14/63 tỉnh, thành phố, cao nhất từ trước tới nay. Chỉ số cải cách hành chính xếp thứ ba toàn quốc. Chỉ số về mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin xếp thứ hai cả nước...

Trách nhiệm “bà đỡ”

Đặc biệt quan tâm tới khởi nghiệp, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho biết, thành phố luôn đồng hành và chủ động theo dõi tình hình sản xuất, kinh doanh để nắm bắt thực tế, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp. Bí thư Thành ủy cũng khẳng định, thành phố luôn tạo điều kiện thuận lợi để mỗi doanh nhân đem tài năng, khát vọng của mình cống hiến cho công cuộc phát triển kinh tế Thủ đô. 

“Hà Nội đã có nhiều giải pháp nhằm khích lệ tinh thần khởi nghiệp, xây dựng và phát triển doanh nghiệp. Thành phố đã và sẽ tiếp tục gặp gỡ doanh nghiệp, tìm hiểu và tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp” - Bí thư Thành ủy chia sẻ.

Kỳ vọng nhiều vào giới trẻ - những hạt giống khởi nghiệp, Bí thư Thành ủy cho rằng, phải phát triển trung tâm khởi nghiệp ngay trong nhà trường. Bí thư Thành ủy đề nghị, Thành đoàn Hà Nội cần có chính sách ủng hộ các hình thức khởi nghiệp có giá trị sáng tạo, thực tiễn cao của tuổi trẻ Thủ đô.

“Thành đoàn Hà Nội cần chú trọng đồng hành, hỗ trợ thanh niên trong học tập, nghiên cứu khoa học, khởi nghiệp; chủ động phát hiện và thường xuyên động viên, khuyến khích người trẻ có tâm huyết, ý chí, sáng tạo, đóng góp công sức cho sự nghiệp phát triển Thủ đô và đất nước” - Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải lưu ý.

Cam kết chính quyền thành phố sẽ làm tốt vai trò kiến tạo, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp khởi nghiệp, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cũng cho biết, Hà Nội sẽ thành lập Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp; ban hành chương trình để thúc đẩy khởi nghiệp; hỗ trợ, thúc đẩy hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi sang doanh nghiệp; hướng dẫn doanh nghiệp tiếp cận vốn, khoa học kỹ thuật, công nghệ, đất đai...

Khẳng định sẽ hỗ trợ hết sức cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, góp phần xây dựng hệ thống doanh nghiệp lớn mạnh, tiến đến mục tiêu Hà Nội có 200.000 doanh nghiệp vào năm 2020, Chủ tịch UBND TP cam kết, tất cả các ý tưởng sáng tạo, nếu tham gia vào hệ sinh thái khởi nghiệp của Hà Nội đều được quan tâm xem xét.

“Hà Nội có nền tảng công nghệ thông tin rất tốt và thành phố đang hình thành những trung tâm công nghệ thông tin, khu công nghệ cao. Thành phố sẽ tạo điều kiện bàn giao quỹ đất cho nhà đầu tư nào đứng ra xây dựng các trung tâm khởi nghiệp này” - ông Nguyễn Đức Chung nói. 

"Sứ mệnh" truyền cảm hứng từ Hà Nội ảnh 3Doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm khởi nghiệp tại một cuộc triển lãm diễn ra ở Hà Nội

Còn nhiều việc phải làm

Đầu tháng 10-2017, Hà Nội khai trương Cổng thông tin hệ sinh thái khởi nghiệp thành phố Hà Nội - StartupCity.vn. Đây là sân chơi tìm kiếm thông tin hữu ích, không gian số kết nối, chia sẻ thông tin của cộng đồng khởi nghiệp Thủ đô. Đến nay, đã có gần 1.000 start-up tham gia StartupCity.vn

Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, “StartupCity.vn là một ví dụ sống động về cách chính quyền địa phương góp phần vào sự phát triển thần tốc của nền công nghiệp công nghệ của đất nước. StartupCity.vn giúp thu hút các doanh nghiệp quốc tế, kết nối vốn với nhu cầu khởi nghiệp, tạo việc làm mới, khuyến khích ý tưởng sáng tạo và nâng cao giá trị kinh tế cho hệ sinh thái”.

Trong một nỗ lực khác, UBND TP Hà Nội đang tiếp tục xây dựng 2 đề án về khởi nghiệp gồm “Hỗ trợ khởi nghiệp trên địa bàn Hà Nội” - tập trung vào các đối tượng là cá nhân, tổ chức, hộ kinh doanh thành lập doanh nghiệp, trong đó lấy hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp là trọng tâm và “Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn Hà Nội”.

Cho biết Hà Nội đang xây dựng thành phố thông minh, hướng đến dùng công nghệ để giải quyết những vấn đề “nóng” như ùn tắc giao thông, chống ngập, xử lý nước thải… Chủ tịch UBND TP nói: “Để xây dựng thành phố thông minh còn rất nhiều việc phải làm, chúng tôi kêu gọi các start-up cùng tham gia. Hà Nội sẽ đặt hàng các doanh nghiệp và sẵn sàng ưu tiên cho các bạn”.

Nhìn thẳng vào những tồn tại, yếu kém, lãnh đạo thành phố cho rằng, khối lượng công việc phải làm còn rất nhiều. Đơn cử, dù cải cách hành chính, phục vụ doanh nghiệp có nhiều tiến bộ nhưng vẫn còn xảy ra hiện tượng né tránh, đùn đẩy; thậm chí là nhũng nhiễu, hạch sách, vòi vĩnh. Đó là những bài học mà thành phố sẽ tập trung chỉ đạo, yêu cầu khắc phục trong năm 2018.

“Chúng tôi mời gọi sự tham gia của nhiều nhà đầu tư và mong muốn có thêm nhiều quỹ hỗ trợ khởi nghiệp và quỹ đầu tư mạo hiểm hơn nữa hoạt động ở Việt Nam để cùng hòa vào làn sóng khởi nghiệp đang rất hứng khởi ở Việt Nam”.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc
(Phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam - Tuần lễ Cấp cao APEC, ngày 7-11-2017)

 

"Sứ mệnh" truyền cảm hứng từ Hà Nội ảnh 4

“Bước vào năm 2018, với niềm tin, khí thế, sức bật mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô cần phát huy truyền thống đoàn kết, kinh nghiệm, kết quả đạt được của năm 2017 và những năm qua để quyết tâm hành động, tạo thêm những bước chuyển mới, đạt được kết quả toàn diện, tích cực hơn trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, đáp ứng kỳ vọng, mong mỏi của Trung ương và nhân dân cả nước”.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải

 

"Sứ mệnh" truyền cảm hứng từ Hà Nội ảnh 5

“Để xây dựng thành phố thông minh còn rất nhiều việc phải làm, chúng tôi kêu gọi các start-up cùng tham gia. Hà Nội sẽ đặt hàng các doanh nghiệp và sẵn sàng ưu tiên cho các bạn”.

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung

 

Đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Sinh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội: Từ ý tưởng khả thi, đừng nghĩ cao xa

"Sứ mệnh" truyền cảm hứng từ Hà Nội ảnh 6

“Trong dòng chảy kinh tế thị trường hiện nay, trào lưu khởi nghiệp đang lên cao, được Chính phủ khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất. Nghị quyết của Trung ương cũng đã đặt ra mục tiêu đến năm 2020, cả nước phải có 1 triệu doanh nghiệp. Tuy nhiên, đến nay, chúng ta mới chỉ có 600.000 doanh nghiệp, thế nên để đạt được mục tiêu trên còn rất nhiều thách thức.

Có thể nói, môi trường đầu tư kinh doanh của nước ta đang được cải thiện nhưng môi trường để phát triển bền vững còn có nhiều vấn đề. Theo thống kê vài năm gần đây, mỗi năm, trung bình trên dưới 100.000 doanh nghiệp thành lập mới, song cũng có khoảng 60% số doanh nghiệp không tồn tại được sau đó. Có 2 nguyên nhân dẫn tới tình trạng này. Một là lĩnh vực khởi nghiệp của doanh nghiệp đã đúng hướng chưa, vững chắc chưa? Thứ hai là nền tảng của người khởi nghiệp có đầy đủ không? Ngoài ra, doanh nghiệp phải có nguồn vốn để đáp ứng yêu cầu phát triển. Năm 2017, Quốc hội đã ban hành Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó có một chương riêng về hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp. Tuy nhiên, tôi cho rằng, điều quan trọng nhất để khởi nghiệp thành công vẫn là ý tưởng định hướng đầu tư và giải pháp của những người khởi nghiệp chứ không phải chỉ là nguồn vốn. Phải đảm bảo được các điều kiện đó thì mới có thể khởi nghiệp thành công. 

Đồng thời, chúng ta cũng phải tạo điều kiện thuận lợi hơn để các doanh nghiệp khởi nghiệp đều có thể tiếp cận được với các nguồn vốn ưu đãi. Hiện nay, thủ tục thành lập doanh nghiệp rất đơn giản nhưng doanh nghiệp vẫn còn kêu ca nhiều về các thủ tục khác, hay còn gọi là các “giấy phép con”. Do vậy, các bộ, ngành phải tiếp tục rà soát, cải cách thủ tục hành chính để tạo thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. Khởi nghiệp có thể bắt nguồn từ những ý tưởng kinh doanh nhỏ nhất mà chúng ta có thể làm được. 

Điều quan trọng nữa là doanh nghiệp khởi nghiệp có thể hướng đến các lĩnh vực phục vụ ngay tại thị trường nội địa, bởi nước ta là thị trường rất lớn với hơn 93 triệu dân. Chúng ta cần vươn rộng ra thị trường thế giới nhưng cũng đừng để thua ngay trên sân nhà. Hiện nay, Việt Nam vẫn phải nhập siêu ở rất nhiều lĩnh vực, nhất là công nghệ cao, thậm chí ngay cả nguyên vật liệu thông thường… Đây là các lĩnh vực chúng ta hoàn toàn có thể khởi nghiệp được”.