Sứ mệnh của thế hệ trẻ

ANTĐ - Thanh niên ngày càng có vai trò trong sự phát triển của xã hội, vì vậy trang bị cho họ các kỹ năng lãnh đạo cần thiết chính là sự đầu tư thiết thực nhất cho tương lai.

Họp báo về Trại tập huấn cho lãnh đạo trẻ ở Doha - Qatar

Đó chính là một phần trong mục tiêu mà Liên hợp quốc (LHQ) đặt ra với trại tập huấn cho các thanh niên đến từ 9 quốc gia châu Phi và vùng lãnh thổ bị chiếm đóng Palestine vừa diễn ra tại Thủ đô Doha của Qatar. Phát biểu tại lễ khai mạc, Cố vấn đặc biệt của Tổng thư ký LHQ W. Lemke nói: “Trại này cung cấp những kỹ năng lãnh đạo cụ thể và thiết thực của một số lãnh đạo và chuyên gia tốt nhất trong lĩnh vực này trên tinh thần hợp tác thực sự. Điều này đảm bảo rằng những bài học kinh nghiệm sẽ hướng dẫn các nhà lãnh đạo trẻ trong các nỗ lực trong tương lai của họ”.

Hiện nay, trên thế giới có khoảng 1,2 tỷ người trong độ tuổi từ 15 đến 24. Đây là bộ phận công dân trẻ tuổi có nhiều năng lượng và động lực để đề xuất các giải pháp sáng tạo đối phó với những thách thức toàn cầu, cũng như xây dựng sự đối thoại giữa các nền văn hóa. Để thúc đẩy cộng đồng quốc tế coi trọng vấn đề phát triển thanh niên, cuối năm 2009, Đại hội đồng LHQ tuyên bố từ 12-8-2010 đến 12-8-2011 là Năm quốc tế thanh niên với chủ đề “đối thoại và hiểu biết lẫn nhau”.

Thực tế cho thấy, thanh niên hiện đang tiên phong trong các phong trào phòng chống HIV, đang dẫn đầu trong việc sử dụng công nghệ mới để xây dựng mạng lưới, kiến tạo và kêu gọi thay đổi. Thanh niên cũng đang đấu tranh nhằm thay đổi vai trò giới truyền thống và mở đường cho sự công bằng và bình đẳng cho thế kỷ 21.

Nhưng cũng có một thực tế đáng buồn là có nhiều bạn trẻ không có cơ hội để phát triển cũng như phải từ bỏ hy vọng cho tương lai. Một thách thức nữa với thanh niên là tình trạng thất nghiệp. Trên toàn thế giới, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên đã tăng liên tục trong nhiều năm lên mức 13,1% trong năm 2010, trước khi giảm xuống 12,7%  vào năm 2011. Tại Đông Nam Á và Thái Bình Dương, tỷ lệ này đạt đỉnh 14,8% trong năm 2010 trước khi giảm xuống mức 14,6% vào năm 2011. Tại Nam Á, xu hướng dân số gia tăng đang gây áp lực lên thị trường việc làm khi trung bình 1 triệu thanh niên được dự báo sẽ gia nhập thị trường lao động hàng năm từ năm 2010 đến 2015 ở khu vực này.

Chính vì thế, phát động Năm quốc tế thanh niên là nhằm đưa thanh niên trở thành một trong các ưu tiên then chốt, trong đó có việc thúc đẩy vai trò lãnh đạo của thế hệ trẻ, một trong các mục tiêu mà LHQ đặt ra với trại tập huấn tại Thủ đô Doha của Qatar. LHQ cũng kêu gọi các nhà hoạch định chính sách lắng nghe và phản hồi những mong muốn, nguyện vọng của các bạn trẻ; tham gia vào các đối thoại với thanh niên để giải quyết các thách thức về phát triển mà thế giới đang phải đối mặt.

“Chúng ta hãy bắt đầu mối quan hệ đối tác giữa các thế hệ nhằm đạt được Tuyên bố Thiên niên kỷ và các Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ trong việc xây dựng một thế giới hoà bình và công bằng hơn”, đó là lời kêu gọi mà LHQ đưa ra trong nỗ lực gia tăng vai trò của thanh niên với tương lai phát triển của thế giới.