Sử dụng vốn dự án giao thông: Dư gần 600 tỷ đồng nhưng chưa báo cáo

ANTD.VN - Để hoàn thành xây dựng hàng nghìn kilomet đường bộ và hơn 700 kilomet đường cao tốc trong thời gian qua, Bộ GTVT đã được bố trí số vốn trái phiếu Chính phủ (TPCP) khổng lồ. Tuy nhiên, kết quả kiểm toán đã chỉ ra, việc sử dụng nguồn vốn này của Bộ GTVT còn nhiều bất cập, từ khâu sử dụng vốn đến lập dự án.

Nhiều dự án giao thông sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ do Bộ GTVT quản lý còn bất cập

Còn nhiều tồn tại 

Kiểm toán Nhà nước chỉ ra, rằng giai đoạn 2010-2015, Bộ GTVT đã phối hợp với các ngành, địa phương đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo khoảng 4.400 km đường bộ và hơn 94.000m cầu đường bộ.

Đặc biệt, Bộ đã hoàn thành việc nâng cấp, mở rộng và đưa vào khai thác toàn tuyến đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên; cơ bản hoàn thành nâng cấp, mở rộng QL1A từ Thanh Hóa đến Cần Thơ; đã đầu tư và đưa vào khai thác khoảng 704km đường cao tốc. Các dự án, công trình sau khi hoàn thành, đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả cho việc phát triến kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh - quốc phòng, an toàn giao thông. 

Cùng với đó, Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra nhiều tồn tại trong việc sử dụng vốn TPCP của Bộ GTVT. Theo đó, qua rà soát 66 dự án hoàn thành từ 1-1-2012 đến 31-12-2015, cơ quan Kiểm toán phát hiện 24/66 dự án hoàn thành còn dư vốn TPCP 599,445 tỷ đồng nhưng chưa được báo cáo. 

Cũng theo Kiểm toán Nhà nước, việc lập và phê duyệt dự án đầu tư của Bộ GTVT còn chưa tuân thủ đầy đủ quy định. Hầu hết thuyết minh dự án chưa xác định được khả năng cấp vốn theo tiến độ cho từng năm đầu tư; cho phép gia hạn tiến độ thi công các gói thầu quá thời hạn hoàn thành trong kế hoạch; xác định một số chi phí trong tổng mức đầu tư chưa sát thực tế.

Cụ thể, tại dự án nâng cấp mở rộng đường Hồ Chí Minh đoạn Cây Chanh - cầu 38 (qua Bình Phước), chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng thực hiện chỉ bằng 34% số lập; chi phí khác thực hiện bằng 46%. Tại dự án đầu tư xây dựng 14 cầu trên tuyến đoạn Đắk Nông - Bình Phước, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng của dự án đã thực hiện chỉ bằng… 2,6% số lập!

Cá biệt, theo Kiểm toán Nhà nước, dự án nâng cấp mở rộng đường Hồ Chí Minh đoạn Cây Chanh - cầu 38 không thuộc danh mục dự án gọi vốn đầu tư theo hợp đồng BOT ngành GTVT song UBND tỉnh Bình Phước đã đề nghị và được chấp thuận giao triển khai dự án theo hình thức BOT. Một số nội dung chi phí đã thực hiện tại dự án BOT không sử dụng lại được gây lãng phí ngân sách 143,566 tỷ đồng.

Tuy nhiên, khi tham gia thẩm định thiết kế cơ sở, Bộ GTVT đã không kịp thời phát hiện những tồn tại này. Cũng tại dự án này, Bộ GTVT đã có một số thiếu sót khi dự toán giá gói thầu xây lắp chính thức được duyệt. Tiếp đó, trong quá trình thực hiện, Bộ GTVT tiếp tục điều chỉnh lại một số đơn giá, định mức chưa phù hợp, dẫn đến thanh toán vượt 29,574 tỷ đồng.

Chỉ định nhà thầu không đủ năng lực

Liên quan đến công tác đấu thầu, Kiểm toán Nhà nước kết luận, thời gian lựa chọn nhà thầu chậm so với kế hoạch đấu thầu. Đặc biệt, việc chấm thầu tại một số dự án của Bộ GTVT chưa phát hiện và làm rõ một số nội dung thiếu sót của hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất, dẫn đến việc một số nhà thầu sau khi trúng thầu hoặc trúng chỉ định thầu không đủ năng lực thực hiện toàn bộ hoặc một phần khối lượng theo hợp đồng, phải điều chuyển cho đơn vị khác.

Sau đó, chủ đầu tư cũng không xem xét thu hồi hoặc lựa chọn nhà thầu lại nên một số nhà thầu được bổ sung không đủ năng lực kinh nghiệm. Trong năm 2015, Bộ GTVT cũng đã nghiệm thu, thanh toán một số gói thầu thanh toán vượt giá trị quyết toán với tổng số tiền 21,16 tỷ đồng.  

Đáng nói, đến năm 2015, Bộ còn 33 dự án nợ đọng xây dựng cơ bản với số tiền hơn 650 tỷ đồng. Trong đó, 15/33 dự án đã hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng trước ngày 31-12-2014 nợ xấp xỉ 50 tỷ đồng; 18/33 dự án chuyển tiếp sang năm 2015 nợ hơn 600 tỷ đồng. Năm 2015, Bộ GTVT đã bố trí gần 118 tỷ đồng để trả nợ, số còn lại 532 tỷ đồng chưa xây dựng kế hoạch trả nợ. 

Với những tồn tại trên, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị Bộ GTVT xử lý tài chính hơn 25,5 tỷ đồng. Đặc biệt, Kiểm toán Nhà nước yêu cầu kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan theo quy định của pháp luật. Các chủ đầu tư, ban quản lý dự án cần chấm dứt tình trạng lập, đề xuất kế hoạch vốn cho các dự án bao gồm cả chi phí dự phòng chưa có nhiệm vụ và nhu cầu chi dẫn đến thừa vốn…