- Bắt đối tượng giả danh cán bộ lừa đảo chiếm đoạt tài sản
- Bắt người phụ nữ dùng giấy tờ giả để lừa đảo chiếm đoạt tiền
- Dùng giấy tờ giả, mạo nhận là cháu cán bộ cấp cao để lừa đảo
Trước đó, ngày 3-11-2023, bị cáo Nguyễn Thị Thanh Thủy cũng đã bị TAND TP Hà Nội xét xử và tuyên phạt 10 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, trong môt vụ án khác. Tổng hợp hình phạt cả hai vụ án, bị cáo Thủy phải chấp hành mức án chung là 22 năm tù.
Trong quá trình điều tra vụ án trên, Thủy bỏ trốn khỏi nơi cư trú và sinh sống như vợ chồng với anh Lý Ngọc Hiển (ở phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Ngày 28-9-2021, Thủy thuê căn nhà 5 tầng của ông Nguyễn Văn Điệp ở phường Minh Khai để mở lớp mầm non Smile Kids.
![]() |
Nguyễn Thị Thanh Thủy bị đưa ra xét xử tại phiên tòa. |
Từ khi bắt đầu mở lớp mầm non, Thủy có tìm hiểu thủ tục để xin Quyết định thành lập nhóm lớp. Tuy nhiên, do cơ sở vật chất của Thủy không đủ điều kiện về phòng cháy, chữa cháy nên không được cấp phép hoạt động.
Tháng 12-2021, Thủy lên mạng tìm người làm giả quyết định thành lập nhóm lớp với giá 3,5 triệu đồng. Do thấy Quyết định không giống thật nên bị cáo không liên hệ để nhận nhưng vẫn lưu ảnh chụp trong máy điện thoại.
Đến tháng 6-2022, do nợ nần nhiều nên Thủy lên mạng đăng tin bán cổ phần nhóm lớp mầm non để chiếm đoạt tiền của nhiều người. Ngày 11-6-2022, sau khi Thủy đăng tin chuyển nhượng cổ phần nhóm trẻ mầm non Smile Kids, chị Nguyễn Thị Thủy (SN 1990, trú quận Cầu Giấy, Hà Nội) liên hệ để mua cổ phần.
Bị cáo nói rằng cần chuyển nhượng cổ phần để lấy tiền chữa bệnh ung thư cho con. Hai bên thỏa thuận chuyển nhượng 40% cổ phần, giá 300 triệu đồng. Nhận tiền bán cổ phần, bị cáo chi tiêu hết.
Gần một tháng sau ký hợp đồng mua bán cổ phần, bị cáo nói với chị Thủy về việc không xin được Quyết định thành lập nhóm lớp và việc chuyển nhượng gây ảnh hưởng tâm lý giáo viên. Bị cáo nói sẽ hoàn trả lại tiền.
Để chị Thủy không gây áp lực đòi tiền, bị cáo đã chuyển khoản cho chị Thủy 2 lần tổng cộng 30 triệu đồng và nói đây là lợi nhuận tháng 6 mà chị Thủy được hưởng. Sau đó, bị cáo không trả tiền, liên tục khất lần và đưa ra lý do chữa bệnh cho con nên không có tiền trả.
Nạn nhân thứ hai là chị Trần Thị Hiên (SN 1981), ở TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam. Chị Hiên thỏa thuận mua 50% cổ phần và hai người thống nhất giá chuyển nhượng là 420 triệu đồng. Nhận tiền xong, bị cáo Thủy sử dụng chi tiêu hết.
Đầu tháng 8-2022, chị Hiên phát hiện bị cáo nợ nần nhiều người và có nhiều gian dối trong việc bán cổ phần nên đòi lại tiền. Tuy nhiên, bị cáo đưa ra nhiều lý do và không trả lại tiền.
Khi chị Hiên yêu cầu ký hợp đồng và hỏi bị cáo về Quyết định thành lập nhóm lớp thì Thủy đưa cho chị Hiên xem hình ảnh quyết định mà Thủy thuê làm giả trước đó. Chị Hiên đi kiểm tra mới biết quyết định này là giả.
Tương tự, ngày 20-9-2022, chị Trần Bích Ngọc (SN 1994, ở huyện Phú Xuyên, Hà Nội) lên mạng xã hội đăng thông tin cần mua lại cơ sở mầm non tư thục để kinh doanh. Đọc được thông tin này, Thủy liên hệ với chị Ngọc. Khi gặp nhau, Thủy nói với chị Ngọc cần bán cổ phần để lấy tiền chữa bệnh máu trắng cho con và khẳng định cơ sở mầm mon Smile Kids đã có quyết định thành lập.
Bị cáo đưa cho chị Ngọc xem hình ảnh Quyết định thành lập nhóm lớp qua zalo. Tin tưởng bị cáo, chị Ngọc đồng ý mua cổ phần và chuyển tiền đặt cọc 30 triệu đồng cho Thủy. Sau đó, Thủy nói dối đang cần tiền điều trị bệnh cho con và yêu chị Ngọc chuyển khoản thêm.
Tuy nhiên, chị Ngọc không đồng ý, hẹn khi nào công chứng làm hợp đồng chuyển nhượng thì sẽ chuyển tiền. Sau đó, Thủy lấy lý do là chồng không đồng ý cho bán cổ phần nên hủy giao dịch, hứa trả lại tiền đặt cọc.
Dẫu vậy, khi chị Ngọc đòi tiền thì bị cáo khất lần, không trả. Đến tháng 10-2022, chị Ngọc đến cơ sở mầm non Smile Kids mới biết bị cáo bán cổ phần cho nhiều người và vẫn đang nợ tiền.
Ngoài những bị hại nêu trên, từ tháng 6 đến tháng 10-2022, Nguyễn Thị Thanh Thủy còn lừa đảo chiếm đoạt tiền của hai cá nhân khác, nâng tổng số tiền chiếm đoạt của 5 người bị hại lên 990 triệu đồng.