Sự đổi giọng bất đắc dĩ

ANTĐ - Trung Quốc bất ngờ đổi giọng ngay sau khi tờ báo được xem là “sân sau” của tờ Nhân dân nhật báo của nước này lớn tiếng hô hào “chuẩn bị cho xung đột vũ trang trên Biển Đông”.

Các tàu chiến tối tân của Trung Quốc triển khai đội hình trong một cuộc tập trận trên biển

Ngày 5-7, khi được hỏi về bài xã luận đăng trên tờ “Thời báo Hoàn cầu” và khả năng xảy ra xung đột ở Biển Đông, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi đã nói rằng nước này luôn “cam kết hòa bình”. Đây được xem là sự đổi giọng của Trung Quốc nhằm tìm cách giảm nhẹ những lo ngại về một cuộc xung đột ở Biển Đông sau khi tờ “Thời báo Hoàn cầu” của nước này (phụ bản của tờ Nhân dân nhật báo, cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc) trong số ra cùng ngày 5-7 đã lớn tiếng hô hào là “Bắc Kinh nên chuẩn bị cho một cuộc đối đầu quân sự”.

Trong bài xã luận được xuất bản bằng cả tiếng Trung và tiếng Anh, tờ “Thời báo Hoàn cầu” nhận định, tranh chấp ở Biển Đông vốn đã phức tạp bởi sự can dự của Mỹ, nay lại phải đối mặt với nguy cơ căng thẳng leo thang do mối đe dọa từ phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) đối với “chủ quyền Trung Quốc”. Tờ báo vốn nổi tiếng “hiếu chiến” này đã khuyến cáo Trung Quốc “cần đẩy nhanh quá trình phát triển các năng lực răn đe quân sự”.

Đây không phải lần đầu tiên tờ “Thời báo Hoàn cầu” giở giọng “diều hâu” mỗi khi đề cập tới vấn đề tranh chấp trên biển hay những đòi hỏi chủ quyền phi lý của Trung Quốc. Tuy nhiên, lời kêu gọi “chuẩn bị cuộc đối đầu quân sự” được đưa ra trong bối cảnh nhạy cảm khi PCA tại The Hague (Hà Lan) dự kiến ngày 12-7 tới sẽ đưa ra phán quyết về vụ kiện Trung Quốc trên Biển Đông của Philippines, vụ kiện mà giới quan sát quốc tế cho rằng nhiều khả năng bất lợi cho tham vọng độc chiếm Biển Đông của Bắc Kinh.

Vì thế, không phải ngẫu nhiên khi đúng vào ngày tờ “Thời báo Hoàn cầu” lên giọng hiếu chiến thì Trung Quốc cũng bắt đầu tiến hành một cuộc tập trận quân sự từ ngày 5 đến 11-7 với phạm vi bao trùm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Phía Trung Quốc còn ngang ngược tuyên bố cấm tất cả tàu thuyền đi vào khu vực này suốt thời gian tập trận.

Bình luận về cuộc tập trận chấm dứt chỉ một ngày trước phán quyết của PCA, các nhà phân tích cho rằng động thái này nhắm tới mục tiêu không chấp nhận một phán quyết có tính chất bước ngoặt mà tòa án quốc tế về luật biển đưa ra chỉ một ngày sau đó.

Bà Đường Tú Mân (Tang Siew Mun, một nhà nghiên cứu cấp cao của Viện ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore) cho rằng, cuộc tập trận nhằm chứng tỏ lập trường của Trung Quốc không chịu khuất phục trước áp lực bên ngoài và quyết bảo vệ yêu sách của họ đối với vùng biển có tranh chấp. Theo bà Đường Tú Mân, cuộc tập trận vừa là cách để Trung Quốc phô trương sức mạnh quân sự, vừa là để chứng tỏ họ sẵn sàng sử dụng vũ lực để bảo vệ “quyền lợi quốc gia”.

Trong động thái đáng chú ý khác, do Trung Quốc tăng bất thường các hoạt động hải quân và không quân gần quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư), Nhật Bản đã phải tăng kỷ lục 199 lần máy bay chiến đấu xuất kích để đối phó trong 3 tháng từ tháng 4 đến tháng 6-2016. 

Như vậy, có thể thấy sự đổi giọng của Trung Quốc chỉ là sự bất đắc dĩ nhằm xoa dịu và đánh lạc hướng, chứ sự hung hăng dựa vào sức mạnh đòi tham vọng chủ quyền lãnh thổ là không hề thay đổi.