Sự cần thiết cho việc giáo dục kỹ năng sống cho con trẻ

ANTĐ - Trong những năm gần đây, tỷ lệ học sinh- sinh viên bỏ học, bỏ nhà "đi bụi", dính vào các tệ nạn xã hội, phạm tội ngày càng nhiều. Vì vậy việc giáo dục kỹ năng sống cho các em ngày càng trở nên cấp thiết.

Tại sao lại có những vụ án bạo lực gia đình đau lòng như nhiều trang báo đã đưa tin? Nhiều phụ huynh không thể giáo dục nổi con mình, chỉ biết thốt lên “Bố mẹ không thể hiểu nổi con nữa”, “bố mẹ cầu xin con đó”. Hoặc có đôi khi sự bất lực khiến phụ huynh nóng giận và không thể kiềm chế được mình mà mắng chửi, đánh đập con.

Suy cho cùng, bố mẹ nào cũng mong muốn con mình ngoan, học giỏi và trưởng thành. Nhưng việc giáo dục con cái xem ra không hề đơn giản. Giáo dục cũng phải đúng cách, tùy từng lứa tuổi mà có cách khác nhau. Phải dạy cho con trẻ các kỹ năng giao tiếp, kỹ năng sống ngay từ khi còn nhỏ. Để giúp trẻ hình thành thói quen trong cách ứng xử với những người xung quanh một cách có văn hóa. Phải giáo dục liên tục, lâu dài và bài bản.

Bố mẹ giáo dục con về kỹ năng sống (ảnh minh họa)

Giáo dục kỹ năng sống giúp trẻ có cơ hội rèn luyện thói quen, biết cách đối diện và đương đầu, vượt qua những khó khăn, thử thách trong học tập cũng như trong mọi hoạt động khác. Giúp trẻ rèn luyện, phát triển tính cách tự chủ, tự tin vào bản thân, có tinh thần trách nhiệm cao, có khả năng diễn đạt, thuyết phục, hình thành lối sống lành mạnh, phẩm chất đạo đức tốt, tương thân tương ái, biết chia sẻ, giúp đỡ người khác. Đó chính là những yếu tố quan trọng giúp mỗi người đạt được thành công trong đời.
Phụ huynh Nguyễn Thị Mai (Thường Tín- Hà Nội) chia sẻ: "Tôi thấy việc giáo dục kỹ năng sống cho con là điều mà ai cũng nên chú trọng. Tôi đã cho con đi học một lớp kỹ năng mềm và tôi thấy nó đã có sự thay đổi, nó chăm chỉ học tập hơn và nghe lời bố mẹ hơn trước đây".

Không ít trẻ em sinh ra trong một gia đình bố mẹ chửi nhau, bỏ nhau kết cục là làm cho trẻ hình thành những suy nghĩ lệch lạc và khi lớn lên dễ bị hư hỏng sa vào các tệ nạn xã hội. Đó là do trẻ không được giáo dục về nề nếp, nên chạy theo lối sống sai trái của bố mẹ. Nhiều ông bố, bà mẹ thờ ơ, chỉ chăm chăm làm kiếm tiền, phó mặc việc giáo dục con cái cho nhà trường. Con cái thiếu đi sự quan tâm, giáo dục của gia đình sẽ không thể phát triển hoàn thiện được. Và thực tế hiện nay ở các trường học, học sinh- sinh viên chỉ mới được trang bị về kiến thức chuyên môn và chính trị, còn  việc giáo dục kỹ năng sống chưa được chú trọng.

Theo chuyên viên tâm lý Huỳnh Văn Sơn, cố vấn Trung tâm chăm sóc tinh thần Ý tưởng Việt: "hiện nay, thuật ngữ kỹ năng sống được sử dụng khá phổ biến, nhưng có phần bị "lạm dụng" khi chính những người huấn luyện hay tổ chức và các bậc cha mẹ cũng chưa thật hiểu gì về nó".
"Bộ Giáo dục và đạo tạo nên đưa việc dạy kỹ năng sống cho trẻ vào các buổi học chính khóa như những môn học khác", đó là mong muốn của phụ huynh Nguyễn Văn Sơn (Thanh Trì- Hà Nội).

Việc học kỹ năng sống không chỉ quan trọng đối với học sinh ở thành phố hay các vùng nông thôn. Mà đó là điều cần thiết cho tất cả các em. Chỉ khi được trang bị kỹ năng sống một cách đầy đủ các em mới có thể học và phát triển toàn diện. Các bậc cha mẹ cần quan tâm các con nhiều hơn nữa để nắm bắt được tâm sinh lý phát triển của con mình. Gia đình là môi trường giáo dục cần thiết nhất cho việc học tập và phát triển nhân cách của trẻ. Vậy nên giáo dục kỹ năng sống là điều hết sức cần thiết. Các phụ huynh hãy dạy con mình làm “người” trước khi thành tài.