Hàng lậu giấu trong kho, khó truy ra chủ (2)

Sự buông lỏng gây nguy hại lớn

ANTĐ - Hoạt động kinh doanh kho hàng tại Hà Nội đang phát triển theo xu hướng tự phát. Nhà dân, tổ chức, cá nhân có diện tích rộng hay đất trống, “mạnh dạn” cho thuê làm kho chứa hàng. Tiền bên có đất thu đủ, còn trách nhiệm đến đâu, bên đi thuê chịu tất. Vì lợi nhuận, người quản lý kho hàng sẵn sàng tiếp nhận hàng gian lận.

Phải kiểm soát chặt, sớm quy hoạch hoạt động kinh doanh kho bãi

Chế tài chưa đủ mạnh

“Hầu hết các kho hàng đều có giấy phép, đăng ký, song không loại trừ những đối tượng buôn bán vận chuyển hàng lậu thuê kho ngắn hạn để tập kết hàng hóa. Thời gian thuê rất ngắn, hoạt động rất nhanh nên gây nhiều khó khăn cho lực lượng chức năng trong việc phát hiện, xử lý” - đại diện CAQ Hoàng Mai cho hay. Đồng tình với quan điểm trên, Trung tá Nguyễn Thế Dân - Đội phó Đội CSĐT tội phạm về TTQLKT&CV CAQ Hoàn Kiếm đánh giá, quỹ đất dành cho việc xây dựng các nhà xưởng, kho hàng ở địa bàn Hoàn Kiếm rất ít, nhưng vẫn thường phải đối mặt với tình trạng “dân” buôn lậu “xé lẻ” hàng đưa vào tập kết ở các kho nhỏ. Từ việc xác định điểm, tuyến cũng như phân loại đối tượng, trong 3 tháng qua, nhiều vụ buôn bán, vận chuyển, tập kết hàng lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc đã bị lực lượng Cảnh sát kinh tế và Công an các phường trên địa bàn quận phát hiện, thu giữ, xử lý. 

Trung tá Phạm Quang Thắng - Trưởng CAP Phúc Tân, Hoàn Kiếm chia sẻ, lâu nay Phúc Tân được xem như một điểm trung chuyển hàng lậu. Lực lượng CAP thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các đơn vị nghiệp vụ của CAQ, CATP, các đơn vị chức năng có liên quan như Quản lý thị trường, Thuế… tăng cường quản lý, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Trưởng CAP Phúc Tân cho biết, ngoài việc “đau đầu” với tình trạng hóa đơn quay vòng khó khăn trong chứng minh hóa đơn và nguồn hàng như các đơn vị khác, lực lượng CAP hiện nay quá mỏng, khiến công tác phát hiện, thẩm tra, xử lý bị hạn chế. Đại diện Đội CSĐT tội phạm về TTQLKT &CV CAQ Hoàng Mai cũng khẳng định: “Việc chứng minh được hóa đơn các đối tượng xuất trình tại kho hàng là hóa đơn quay vòng rất khó. Chưa kể, số lượng hàng lớn và liên quan đến nhiều chủ hàng, nên có trường hợp các chủ hàng “bỏ của chạy lấy người” khi biết sẽ bị áp dụng chế tài nặng”. Hiện nay, xử phạt hành chính là giải pháp ưu tiên được áp dụng. Tuy nhiên, chế tài thường không đủ mạnh, chưa đủ sức răn đe. Sự buông lỏng kiểm tra, giám sát đối với chủ kho, bãi ở nhiều địa bàn đang là kẽ hở cho các đối tượng vận chuyển, buôn bán hàng lậu có “đất” sống.

Quản lý lỏng lẻo

Khoảng cuối năm 2013, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã công bố quyết định thanh tra hiện trạng cho thuê đất làm kho bãi tập kết hàng, kinh doanh trên địa bàn quận Hoàng Mai, tập trung ở 2 phường Thanh Trì và Lĩnh Nam. Đến thời điểm này, riêng tại phường Thanh Trì, có khoảng 40 điểm kho hàng, bến bãi, từ chứa hàng đến trụ sở công ty, hay trạm trộn bê tông. Cơ quan Thanh tra đã làm rõ, chính quyền cơ sở trong thời gian dài đã “mạnh dạn” cho nhiều tổ chức, cá nhân thuê đất công để làm kho. Việc cho thuê đất được thực hiện từ thời phường Thanh Trì còn thuộc huyện Thanh Trì. Giờ, đi trên cầu Thanh Trì, suốt dọc gầm cầu, vẫn bắt gặp cả vùng đất bãi san sát kho hàng cùng các hoạt động sản xuất, kinh doanh tấp nập. Lãnh đạo quận Hoàng Mai, sau kết luận của cơ quan Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường, đang yêu cầu phòng chức năng phối hợp với các phường tiến hành rà soát toàn bộ hoạt động thuê và cho thuê đất làm kho ở vùng đất bãi. Trách nhiệm của cán bộ cơ sở cũng đã được “sờ” đến. Động thái chậm, nhưng còn hơn… không làm!

Đội trưởng Đội QLTT số 5 – Chi cục QLTT Hà Nội, ông Nguyễn Huy Cương nhìn nhận, hoạt động kinh doanh kho đang diễn ra tự phát, tràn lan nên công tác quản lý tất yếu gặp khó khăn. Giao dịch giữa bên có đất và bên đi thuê kho hàng, về mặt hình thức – giấy tờ, thì ổn. Nhưng đi vào thực chất, công tác kiểm soát, quản lý những mặt hàng của cơ quan chức năng đang chưa được làm chặt chẽ. Ông Cương dẫn chứng, Đội QLTT số 5 từng phát hiện đủ loại hàng cấm, hàng giả, hàng lậu, tập kết trong kho các hàng. Song nguy cơ lớn hơn tới từ sự thiếu ý thức, chạy theo lợi nhuận của người đi thuê kho. Bên này tập kết hóa chất, sát đó chứa đầy bật lửa gas; kho này trữ thực phẩm, kho bên ngồn ngộn dầu mỡ. “Cháy nổ là nguy cơ thường trực ở nhiều kho hàng, song ít được quan tâm, xử lý”, ông Cương nhìn nhận.

Quản lý, kiểm soát tốt hoạt động kinh doanh kho hàng, để ngăn chặn nguy cơ hàng gian lận, nguy cơ hỏa hoạn, là yêu cầu cần thiết, cấp bách. Nên chăng, cần xếp loại hình này theo những tiêu chí kinh doanh có điều kiện. Bên có đất phải có chức năng, giấy phép kinh doanh cho thuê và phải chịu trách nhiệm cùng với bên đi thuê, khi để xảy ra sự cố, vi phạm. Kho hàng muốn hoạt động phải đáp ứng các tiêu chí về an toàn PCCC và nhất là phải xa khu dân cư. Về lâu dài, các quận, huyện, thị xã cần tính toán, quy hoạch hoạt động kinh doanh kho bãi. Những tồn tại do buông lỏng quản lý các kho hàng, đã và đang gây hại cho xã hội…