Sốt cao co giật

(ANTĐ) - Hễ sốt cao là bé co giật từng cơn, ai nhìn vào cũng phát hoảng… Điều đặc biệt nguy hiểm là nếu không được xử trí kịp thời, trẻ sẽ phải gánh chịu những di chứng hết sức nặng nề.

Sốt cao co giật

(ANTĐ) - Hễ sốt cao là bé co giật từng cơn, ai nhìn vào cũng phát hoảng… Điều đặc biệt nguy hiểm là nếu không được xử trí kịp thời, trẻ sẽ phải gánh chịu những di chứng hết sức nặng nề.

Trẻ sốt cao gây co giật đến khám tại BV Nhi Trung ương - Ảnh: Baođatviet

Trẻ sốt cao gây co giật đến khám tại BV Nhi Trung ương
- Ảnh: Baođatviet

20-30% tiến triển thành động kinh

Thường thì khi dưới 2 tuổi, trẻ mắc phải hội chứng hễ sốt cao là co giật, với biểu hiện là những cơn co cứng, co giật xảy ra trong thời gian bị sốt. Động kinh, chậm phát triển trí tuệ và vận động - là những di chứng nặng nề nếu trẻ bị sốt cao co giật kéo dài.

Theo các bác sĩ nhi khoa, có rất nhiều nguyên nhân gây nên hội chứng này, trong đó hay gặp nhất là do nhiễm khuẩn. Yếu tố gia đình cũng là một trong những nguyên nhân được nhắc đến khá nhiều.

Người ta chia sốt cao co giật thành 2 loại, đó là sốt cao co giật lành tính và sốt cao co giật có biến chứng. Nếu như ở thể lành tính chỉ xuất hiện ở độ tuổi từ 6 tháng đến 24 tháng, thì thể có biến chứng có thể xuất hiện ở trẻ bất kỳ độ tuổi nào, xuất hiện khi trẻ sốt không cao lắm (có những trẻ chỉ sốt 38 độ C là đã co giật).

Co giật lành tính khiến trẻ co giật toàn cơ thể, đồng đều cả 2 bên cơ thể, còn co giật có biến chứng khiến trẻ chỉ co giật cục bộ hoặc thiên về một bên nào đó của cơ thể, và thời gian co giật cũng kéo dài (trên 15 phút), xuất hiện rất nhiều lần trong suốt quá trình sốt. Thường thì sau cơn co giật, trẻ xuất hiện những triệu chứng về thần kinh thoảng qua hoặc kéo dài như liệt tay, chân, lác mắt…

Những trẻ có tiền sử bệnh thần kinh như chấn thương sọ não, viêm não, chậm phát triển tâm trí, vận động…, có tiền sử gia đình có nhiều nguy cơ mắc chứng sốt cao co giật có biến chứng. Điều đặc biệt nguy hiểm là có tới 20-30% trẻ bị tiến triển thành động kinh, hoặc bị tổn thương não gây di chứng chậm phát triển sau này.

Việc điều trị tùy thuộc rất nhiều vào kết quả chẩn đoán. Vì thế, để chẩn đoán một cách chính xác gây nên hội chứng sốt cao co giật ở trẻ, cần có sự thăm khám kỹ càng về mặt thần kinh, thông qua các kết quả điện não đồ ngay sau cơn co giật và sau đó 1 tuần để cho sự đánh giá chính xác.

Bình tĩnh là bí quyết thành công

Thường thì khi con bị co giật, các ông bố, bà mẹ đều mất bình tĩnh, luống cuống vì không biết phải xử lý thế nào. Khi giật, trông trẻ rất khủng khiếp, như thể “chết đến nơi”. Đã có những bác sĩ chuyên phẫu thuật tại bệnh viện, nhưng khi ở nhà, đứng trước cơn co giật của con mình thì gần như “mất hết trí khôn”, cuống quýt chẳng thể xử lý gì được.

Bình tĩnh chính là cách các bậc cha mẹ giúp đỡ con mình trải qua cơn co giật một cách an toàn nhất, khi chưa thể đưa kịp con đến bệnh viện cấp cứu. Trước hết, cần đặt trẻ vào nơi yên tĩnh, thoáng mát, rời xa các vật sắc nhọn. Nên đặt chăn hoặc kê gối mềm dưới đầu trẻ, để trẻ ở tư thế đầu nghiêng về một bên đề phòng tắc đờm dãi. Nới rộng quần áo, tã lót cho trẻ. Bình tĩnh kiểm tra xem trẻ còn thở không, da có tím không.

Tìm mọi cách hạ sốt cho trẻ càng nhanh càng tốt. Tốt nhất là dùng cách chườm mát (không nên chườm nước đá) cho trẻ, dùng thuốc hạ sốt Paracetamol loại viên đạn đặt hậu môn (nhớ đọc kỹ hướng dẫn sử dụng). Thường xuyên theo dõi nhiệt độ bằng cách cặp nhiệt độ ở nách hoặc ở hậu môn (trẻ sốt khi nhiệt độ nách từ 37,5 độ C trở lên còn ở hậu môn là >37,8 độ C).

Rất nhiều bậc cha mẹ, khi thấy con co giật là vội vàng bế chặt hoặc tìm cách giữ sao cho con đừng giật. Đó là một việc làm hết sức sai lầm. Khi trẻ lên cơn co cứng, tuyệt đối không được giới hạn cử động của trẻ, không cho vào miệng trẻ bất kể thứ gì, kể cả thuốc. Nếu trong vòng 5 phút mà thấy con có những biểu hiện về mặt thần kinh thì phải nhanh chóng gọi xe cấp cứu hoặc gọi bác sĩ kịp thời.

Thường thì khi đã một lần bị sốt cao co giật, trẻ sẽ tiếp tục gặp phải tình trạng này trong những lần sốt tiếp theo. Vì thế, khi có dấu hiệu sốt, để đề phòng cơn co giật, cần nhanh chóng hạ sốt cho trẻ.

Riêng với các trẻ bị sốt cao co giật nặng, các bác sĩ thường chỉ định sử dụng thuốc Gardenal hoặc Depakin (dùng thuốc liên tục khi trẻ dưới một tuổi chậm phát triển tâm thần vận động hoặc có cơn co giật kéo dài trên 15 phút hoặc có liệt vận động sau cơn). Việc điều trị dự phòng phải kéo dài liên tục ít nhất đến khi trẻ 4 tuổi.

An Hà