Sống trong lô cốt suốt 20 năm

ANTĐ - Không chịu được những cú sốc lớn trong cuộc đời, ông quyết định vứt bỏ tất cả để trở về quê hương sống một cuộc sống ẩn dật, xa rời chốn thị phi. Nơi ông chọn để náu mình là một chiếc lô cốt được xây từ thời Pháp thuộc nằm trên ngọn đồi cao ở cuối thôn. Cứ như thế, hơn 20 năm qua, chiếc lô cốt này trở thành chốn đi về, mái nhà che mưa che nắng và cũng là nơi chôn chặt đi những ký ức đau buồn của một số phận đã chịu nhiều khổ đau. 

Sống trong lô cốt suốt 20 năm  ảnh 1Nơi trú ngụ hơn 20 năm qua của ông Lương

Gục ngã trước sóng gió cuộc đời

Đó là một lô cốt cũ kỹ nằm lẩn khuất trong đồi bạch đàn mà người dân địa phương gọi là Cồn Trụm. Xung quanh đó còn có đến 4 - 5 lô cốt nữa do thực dân Pháp xây dựng gần trăm năm trước. Trong đó, lô cốt to nhất được ông Lương chọn làm nơi tá túc suốt hơn 20 năm qua. Bao lâu nay ông Lương cứ thui thủi một mình trong cái lô cốt nằm tách biệt với xóm làng ấy. Xung quanh đó được ông trồng nhiều loại cây ăn quả như thơm, đu đủ, mít… Phía trước lô cốt là bếp lửa được sắp bằng 3 viên đá nhỏ mà hàng ngày ông Lương dùng để nấu ăn. Thêm vào đó là vô số các can nhựa đó là những vật dụng ông Lương dùng để lấy nước ở trong xóm về phục vụ nấu nướng. 

Không biết cuộc đời của ông phải chịu những đau khổ gì mà bây giờ lại thành ra như vậy. Mỗi ngày ông ấy có thể đi bộ vài chục cây số là chuyện bình thường. Ai hỏi ông đi đâu thì ông bảo là đi làm việc rồi đi thực hiện chính sách gì đó. Tôi đến “căn nhà” của ông, một người đàn ông đã ngoài 60 tuổi, gầy ốm đang ngồi bên bếp lửa sưởi ấm trước cửa lô cốt. Bên cạnh là một vài chiếc nồi, can nhựa, bát đựng thức ăn đã cũ kỹ, méo mó. Tôi cúi người lách qua khe cửa hẹp vào bên trong không gian sống của ông. Đó là “căn phòng” tối om, rộng chừng 6m2. Trong đó, ông Lương chỉ đặt một cái chõng tre nhỏ, 2 bộ quần áo cũ kỹ, sờn bạc. Chai nhựa, túi ni long nằm ngổn ngang, rải đều khắp mặt sàn. Đó là tất cả những tài sản đồng hành giúp ông chống chọi lại mưa nắng suốt hơn 20 năm qua. Nhìn người đàn ông tội nghiệp ngồi cô độc trong khoảng không gian chật hẹp, ẩm thấp. Đống tro tỏa khói trước cửa lô cốt không đủ để người đàn ông ấy sưởi ấm khi cái lạnh tràn về. Ban ngày còn đỡ, nhưng khi đêm về, không gian chật hẹp không đèn điện ấy trở nên đáng sợ hơn giữa vi vút rừng bạch đàn. 

Hồi còn đi học thì ông Lương là một người có tiếng học giỏi trong vùng mà ai cũng biết đến tên tuổi cả. Học hết cấp 3 (1973) thì ông được cử đi học ở trường Trung học hải sản Hải Phòng. Tốt nghiệp loại giỏi rồi được điều về Phù Khánh (Khánh Hòa) nhận công tác. Với tư chất thông minh, làm việc hiệu quả nên chỉ 5 năm sau ông được thăng chức lên làm phó máy, máy trưởng các tàu viễn dương. Cũng trong thời gian này, ông ấy quen với một người con gái gốc Quảng Trị vào làm công nhân ở Phù Khánh. Sau 7 tháng yêu nhau thì hai người tổ chức hôn lễ rồi sinh được 2 người con, 1 gái một trai. Cuộc sống và công việc của ông tưởng chừng đều mỹ mãn. Kinh tế gia đình ngày một khấm khá lên nhưng không ngờ được rằng tai họa từ đâu đổ xuống gia đình ông khiến cho mọi thứ trong phút chốc tan biến hết cả.

Chẳng biết chuyện đúng sai thế nào, nhưng người ta vẫn thấy ông kể lại rằng vào khoảng năm 1988, khi ông Lương đang làm nhiệm vụ trên tàu viễn dương thì phát hiện thấy hành vi buôn bán hàng trái phép giấu dưới gầm tàu. Vốn thẳng tính nên khi thấy sự việc này ông đã liền trình báo với cấp trên và phản đối việc làm này. Tức tối khi sự việc bị phát giác, ông bị đổ mọi tội lỗi lên đầu. Rồi sau đó, suốt hai  năm không có việc làm tiền bạc trong nhà cũng hết, gia đình ông trở nên túng thiếu. Cùng với đó, đứa con trai của ông vừa sinh được 7 tháng thì mắc bệnh viêm màng não rồi tử vong khiến cho ông càng cảm thấy sầu não hơn. Vợ ông cũng đâm ra chán nản đã lấy đi hết tiền bạc, tài sản có giá trị trong nhà rồi ôm đứa con gái bỏ đi không một lời từ biệt. Sau này cũng không thấy liên lạc gì nữa cả. Trở về quê hương, ban đầu ông Lương sống với cha mình như được một năm sau thì cha ông qua đời. Sau ngày cha mất, trước những biến cố lớn xảy đến với mình, ông trở nên bất mãn mà bỏ nhà vào rừng sống đơn độc đến tận bây giờ. Thấy ông như vậy, người thân nhiều lần tìm tới khuyên nhủ ông về sống chung nhưng ông vẫn nhất quyết không chịu. 

Những nỗi niềm

Những người dân sống quanh khu vực Cồn Trụm cho biết, mấy năm trở lại đây anh em, bà con thuyết phục ông về nhà họ sống nhưng ông vẫn quyết bám trụ lại lô cốt chật chội ấy. Để sống được qua ngày suốt mấy chục năm qua, ngoài tiền trợ cấp xã hội, ông đi mò cua, bắt ốc, đơm cá và trồng rau màu đem ra chợ bán. Những ngày đầu về sống trong lô cốt, nhiều người dân trong vùng đều cho rằng ông Lương bị khùng điên vì có nhà của anh em, bố mẹ gần đó lại không ở mà lại lên sống trên cái lô cốt đơn độc như thế. Nhưng sau này, khi hiểu rõ được nguyên nhân dẫn đến hành động kỳ lạ đó của ông thì không còn ai dị nghị nữa mà ngược lại còn tỏ ra cảm thông hơn. Trước đây, thấy thương cho hoàn cảnh của ông ấy nên bà con thường cho ông khi thì bó rau, con cá, một vài lon gạo về nấu ăn. Lúc đó ông ấy vui lắm nhưng sau này có cho ông ấy cũng không nhận nữa. Ông bảo rằng không muốn nhận thêm gì của ai nữa cả, ông có thể làm kiếm tiền để nuôi sống bản thân được. 

“Có nói gì đi nữa thì bác ấy cũng nhất quyết không chịu rời khỏi cái lô cốt ấy. Bác bảo rằng mình không muốn phụ thuộc vào bất cứ ai hết cả. Bác ấy đã nhiều tuổi rồi lại mắc bệnh nên thường xuyên đau ốm. Bởi thế mà gia đình chúng tôi mỗi khi không thấy bác đi ngoài đường là lại lên kiểm tra xem bác ấy có sao không. Nhiều lần bác Lương đau nằm li bì nên chúng tôi phải gọi mọi người tới đưa bác về để chăm sóc. Nhưng chỉ nằm ở nhà được chừng 3 ngày, khi thấy đỡ hơn một chút là bác lại trốn về. Thuyết phục như thế nào đi nữa bác Lương cũng không trở lại nhà nữa. Người ngoài nhìn vào không biết thì cho rằng gia đình chúng tôi tệ bạc nhưng thực sự thì chúng tôi cũng đã cố gắng hết sức rồi”, ông Lê Minh Thắng, em trai ông Lương kể.

Trong lô cốt ẩm thấp, không có một thứ gì có giá trị nhưng tất cả đó là những tài sản giúp ông chống chọi qua biết bao nhiêu mùa mưa nắng suốt hơn 20 năm qua. Ông Lương bảo: “Tôi sống ở đây hơn 20 năm rồi. Bình thường ban ngày tôi ít khi ở nhà đến tối mới về nằm nghỉ. Buổi trưa ghé về nấu cơm nước ăn uống rồi lại đi tiếp. Ở đây không có điện đài gì hết cả, chỉ có mỗi chiếc đèn dầu thắp sáng nhưng mỗi tối cũng chỉ thắp chừng 10 phút là tắt đi ngủ chứ ban đêm ở đây tối om thì làm được gì. Để đèn sáng lâu lại tốn dầu nữa. Vì chỗ này nằm cách khu dân cư xa nên ít người tới đây lắm. Thỉnh thoảng có một số người chăn bò tới đây nói chuyện với tôi chút rồi lại về. Họ hỏi tôi ở như thế không buồn hay sao nhưng tôi quen rồi. Nhưng ở như thế này tôi cảm thấy thoải mái hơn, thích làm gì thì làm, không phụ thuộc vào ai cả!”. Nói rồi, ông hướng ánh mắt về hướng xa xăm vô định.

Kể chuyện về người anh trai của mình, ông Thắng buồn bã tâm sự: “Bao lâu nay dù mưa gió hay bão bùng gì bác ấy đều ở đây chống chọi một mình. Đi ra ngoài xin được ai tấm ván nào lại lấy về che các lỗ châu mai để gió lạnh khỏi lùa vào. Những cây trái trong vườn này đều do một tay bác ấy chăm trồng cả. Đất ở đây cằn cỗi nhưng bác chăm sóc chúng lớn được như thế này rồi đơm hoa kết quả thì phải bỏ không ít công sức. Hàng tháng bác cũng nhận được một khoản tiền trợ cấp nhưng cũng không đáng là bao. Nhũng lúc thiếu thốn thì tối đến bác lại ra đồng mò con cua, con ốc hay thả câu kiếm vài con cá, con tôm đem ra chợ bán lấy tiền đong gạo. Tuy nghèo nhưng bác ấy chưa mở miệng ra xin ai một cái gì cả. Gia đình chúng tôi nhiều lần đưa gạo lên cho bác nhưng bác không nhận, phải lén bỏ vào trong hũ cho bác mỗi lần 1 ít vì sợ bác biết lại tự ái. Chúng tôi chỉ mong sao một ngày nào đó bác có thể nghĩ lại mà về sống với gia đình chúng tôi để tiện chăm sóc. Nhưng chờ đến hơn 20 năm nay rồi bác ấy vẫn không hề thay đổi”.

Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Hợi (Trưởng thôn Đại Nam 1) cho biết: “Ở trong thôn, ai cũng biết hoàn cảnh của ông ấy rất đáng thương. Người dân ở đây thấy thế nên cũng giúp đỡ ông ấy rất nhiều nhưng ít khi ông ấy chấp nhận sự giúp đỡ lắm. Nơi ông ấy ở cũng ít người lui tới mà có tới cũng không ai dám vào vị sợ phiền đến ông, chỉ ở đứng ở ngoài nói chuyện thôi. Chính quyền địa phương cũng nhiều lần tìm đến vận động ông Lương về nhà nhưng không thành. Bên cạnh đó chúng tôi cũng tạo điều kiện, đề xuất với chính quyền cấp trên cho ông được hưởng các chế độ của người nghèo. Tuy sự giúp đỡ này chưa được nhiều nhưng cũng giúp được ông Lương một phần nào đó”.