Sống trên đầu tử thần

(ANTĐ) - Dù mới chỉ trải qua một trận mưa lớn vào hồi cuối tháng 8 vừa qua, nhưng hàng chục hộ dân ở xã Phong Vân, huyện Ba Vì đã và đang rơi vào cảnh có nhà không dám ở. Sạt lở diễn ra nhiều năm nay, song do sự thay đổi dòng chảy, càng ngày cung sạt lở càng ăn sâu và kéo dài, tạo thành những hàm ếch sâu và cao đến cả chục mét.

Sống trên đầu tử thần

(ANTĐ) - Dù mới chỉ trải qua một trận mưa lớn vào hồi cuối tháng 8 vừa qua, nhưng hàng chục hộ dân ở xã Phong Vân, huyện Ba Vì đã và đang rơi vào cảnh có nhà không dám ở. Sạt lở diễn ra nhiều năm nay, song do sự thay đổi dòng chảy, càng ngày cung sạt lở càng ăn sâu và kéo dài, tạo thành những hàm ếch sâu và cao đến cả chục mét.

Ông Hạnh bày tỏ sự lo lắng trước những cung sạt lở đang ăn sâu, kéo dài
Ông Hạnh bày tỏ sự lo lắng trước những cung sạt lở đang ăn sâu, kéo dài

Chênh vênh bên miệng tử thần

Vào ngày 24-8, cơn bão số 3 đổ bộ và các tỉnh khu vực miền Bắc đã gây mưa lớn. Trận mưa đó đã và đang khiến cho hàng chục hộ dân ở 2 thôn Vân Hội và Tân Phong của xã Phong Vân sống trong cảnh nơm nớp lo sợ “Hà bá” nuốt nhà cửa, đe dọa tính mạng. Theo phản ánh của người dân ở đây, hàng năm đều xảy ra hiện tượng sạt lở, nhưng mức độ nhẹ. Còn năm nay, trong báo cáo gửi UBND huyện Ba Vì, xã Phong Vân nêu rõ, tình trạng sụt lún, lở đất ở bờ sông vẫn diễn ra nghiêm trọng, xuất hiện nhiều vết nứt lớn kéo dài dọc xóm Nội, thôn Tân Phong và xóm Bãi, thôn Vân Hội. Báo cáo của UBND xã Phong Vân cho thấy, khu vực sạt lở hiện kéo dài 776m, trong đó chiều dài trực tiếp khu vực đang bị sạt lở gần 450m. Nhiều cung sạt lở đã ăn sâu vào nhà dân.

Tận mắt chứng kiến những vết sạt lở kéo dài, tạo thành hàm ếch sâu vào cao đến cả chục mét mới thấy hết tình trạng nguy hiểm của hàng chục hộ dân sống nơi đây. Nhiều đoạn sạt lở đã “ăn” hết cả đường đi, công trình phụ, bếp. Nhiều hộ sạt lở chỉ còn cách tường nhà 1m, chênh vênh bên bờ sông. Do sạt lở, đường đi của các hộ dân xóm Bãi, thôn Vân Hội đã bị mất. Hộ có điều kiện thì mở lối đi nhờ sang nhà khác, hộ không có điều kiện đành phải nhắm mắt bước qua đầu tử thần.

Ngoài tình trạng sạt lở đang diễn ra nghiêm trọng ở khu vực xóm Bãi, tại xóm Nội, thôn Tân Phong còn xảy ra hiện tượng lún sụt. Tại nhiều nhà dân thuộc khu vực này, thời gian gần đây liên tiếp xuất hiện các hố sụt, hố nhỏ đường kính từ 20-30cm, hố lớn đường kính tới 1m. Gia đình anh Nguyễn Việt Hoa, thôn Tân Phong hiện đang ngày đêm sống trong nỗi lo nhà cửa, tính mạng có thể gặp nguy hiểm bất kỳ lúc nào. Hàng trăm hố sụt lớn nhỏ xuất hiện từ ngoài vườn đến trong sân. Chị Hoa lo lắng, những hố sụt xuất hiện ngày càng nhiều. Mỗi trận mưa xuống, đứa con gái 5 tuổi lại lo sợ, khóc mếu đòi bố mẹ sang nhà bà ngoại ở nhờ. Cùng chung tình trạng như nhà chị Hoa còn 8 hộ gia đình khác. Vào tháng 8 vừa qua, sụt lún đã kéo đổ toàn bộ công trình phụ của hộ anh Vũ Văn Tùng, nhà ở bị nứt vỡ toác. Trước tình hình nguy hiểm đó, hộ anh Tùng đã phải di dời xuống thuyền ở tạm.

Nửa đêm canh mưa để... chạy sạt

Ông Trương Công Định - Trưởng Công an xã Phong Vân lo lắng, hiện các hố sụt lún xuất hiện ngày càng dày đặc, rất nguy hiểm bởi không ai có thể biết, đất sẽ sụp xuống khi nào, và tính mạng của người dân sẽ ra sao? Ông Định cho biết, thời điểm cơn bão số 3 đổ bộ gây mưa lớn, sạt lở diễn ra nghiêm trọng, UBND xã Phong Vân đã phải huy động toàn bộ lực lượng, nửa đêm kêu gọi nhân dân sơ tán đến nơi an toàn. Sau khoảng nửa tháng sơ tán, sạt lở, sụt lún tạm yên do chưa xuất hiện thêm trận mưa lớn nào, một số hộ lại quay về.

Về tình trạng sạt lở, Chủ tịch UBND xã Phong Vân Lưu Đình Hạnh cho rằng, do địa chất đất ở Phong Vân yếu, phần lớn là đất phù sa, thêm vào đó, Phong Vân lại nằm ở ngã ba sông Hồng và sông Thao, nước sông Thao thúc mạnh sang bờ bên này gây nên tình trạng xói lở nghiêm trọng hiện nay. Cũng theo ông Hạnh, vào năm 2003 tại đây cũng xảy ra sạt lở, UBND tỉnh Hà Tây (cũ) đã cho xây dựng kè và thả đá hộ chân. Tuy nhiên, thả đá hộ chân mà không kè cứng, lát mái nên không ngăn chặn được sạt lở. Theo đó, toàn bộ khu vực sạt lở và sụt lún hiện có khoảng 60 hộ nằm trong diện cần phải di dời khẩn cấp.

Trước tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tài sản của hàng chục hộ dân nơi đây, UBND xã đã có công văn báo cáo đồng thời kiến nghị UBND TP, huyện Ba Vì bố trí khu tái định cư, và xây dựng kè cứng để sạt lở không tiếp diễn, người dân an tâm làm ăn. Ông Hạnh cho hay, việc di dời các hộ dân là rất khẩn cấp, UBND TP cũng đã có đoàn công tác về kiểm tra tình hình, cho cắm mốc làm kè nhưng việc cũng mới chỉ dừng lại ở đó.

Ngân Tuyền