Sống nhờ… tắc đường

ANTĐ - Nạn ùn tắc giao thông - “căn bệnh kinh niên” tiêu tốn của Thủ đô Jakarta, Indonesia hàng tỷ USD mỗi năm nhưng vẫn có những nhóm người mưu sinh trên những tuyến đường kẹt cứng xe cộ và khói bụi ấy, đó là đội quân “xe ôm” và “quá giang lấy tiền”. 

Muốn nhiều khách phải phạm luật

Nhiều “xe ôm” len lách nguy hiểm trên những làn xe chật kín phương tiện

“Tôi không có trình độ để làm việc văn phòng hoặc công nhân nhà máy, vì thế mà quyết định làm “xe ôm”, anh Jaenal Nurdin tâm sự. Tại thành phố khoảng 10 triệu dân này, Jaenal là một trong hàng nghìn người thuộc đội quân “xe ôm” chuyên làm việc vào những giờ bất thường, lương thấp nhưng lại thực hiện một dịch vụ thiết yếu cho giao thông ở Thủ đô Indonesia: phóng vèo qua các đường phố nghẹt thở vì mật độ phương tiện giao thông càng nhanh càng tốt. Đối với Jaenal cũng như nhiều người khác, làm “xe ôm” (người địa phương gọi là ojek) là giải pháp chống thất nghiệp nuôi gia đình.

 Thường đón khách dưới chân cầu vượt hay cầu dành cho khách bộ hành, Mamat - một tay “xe ôm” khác thừa nhận công việc của họ mang tiếng là lái ẩu, có khi đi trên vỉa hè, đi ngược chiều nhưng để có thu nhập buộc họ phải làm vậy để tăng chuyến. “Nếu vi phạm Luật Giao thông, mỗi tháng tôi sẽ kiếm được 300.000 đến 500.000 Rp (khoảng 33 đến 55 USD). Vì vậy, hãy tưởng tượng nếu tôi tuân theo tất cả các quy tắc, thu nhập giảm đi, gia đình tôi sẽ bị ảnh hưởng. Đó cũng là lý do khách hàng tìm đến chúng tôi để họ có thể tới nơi nhanh nhất có thể”, ông Mamat giãi bày. Cùng với tăng tốc đi liền với phạm luật, đội quân này cũng thường xuyên phải đối phó với cảnh sát giao thông, mà lỗi thường gặp nhất là thiếu đăng ký xe hay quá hạn giấy phép lái xe. 

 “Xe ôm” không được xếp vào nhóm phương tiện giao thông công cộng ở Indonesia nên giả sử có gặp tai nạn giao thông, cả người điều khiển xe lẫn hành khách đều không đủ điều kiện để được trả bảo hiểm. Rủi ro là như vậy nhưng với các phương tiện giao thông ở Jakarta thường di chuyển với tốc độ không quá 20km/h thì ojek được coi là phương tiện cần thiết. Susan, người thường bắt “xe ôm” nói, cô thích phương tiện này vì nó nhanh hơn bất kỳ hình thức đi lại nào khác. 

Quá giang… thu tiền

Cùng một mục đích kiếm tiền trong giờ cao điểm trên đường phố, nghề jockey - quá giang để giúp lái xe không mất lệ phí đi xe chở dưới 3 người lại mang yếu tố nguy hiểm hơn. Tháng 12-2003, chính quyền Jakarta đã thông qua một quy định mà đến nay ai cũng biết: Đó là quy tắc “3 trong 1”, yêu cầu tất cả các xe lưu thông trên một số tuyến đường chính vào giờ cao điểm buổi sáng và buổi tối phải có trên xe ít nhất 3 người, nếu không sẽ bị phạt.

Quy định này nhằm mục đích khuyến khích đi chung xe, từ đó giúp giảm bớt tắc nghẽn giao thông - “bệnh kinh niên” của thành phố. Nhưng hệ quả của nó là một “ngành công nghiệp” phát triển mạnh liên quan đến những người ở mọi lứa tuổi xuống đường vẫy xe hơi cho đủ người trên xe để… lấy phí. Các jockey này hoạt động công khai, có cả chục người xếp thành hàng dài dọc theo các tuyến đường theo quy định tối thiểu 3 người một xe, mặc dù theo luật họ có thể bị phạt từ 1 triệu đến 12 triệu Rp (110 đến 1.300 USD) hoặc ngồi tù từ 1 tháng đến 1 năm. Nhiều người cho rằng, đội quân jockey làm cho tình hình giao thông tồi tệ hơn nhưng khó mà ngăn chặn được. Kusnadi, thanh tra cảnh sát thường xuyên trên tuyến đường Gatot Subroto, một trong những tuyến “3 trong 1” cho biết: Nhà chức trách biết hết các “chiêu” của những người này nhưng thỉnh thoảng, sau các đợt truy quét, tình trạng đâu lại vào đó.

Nurdiansyah, 16 tuổi, một jockey từng bị bắt và tạm giam 7 ngày, nhưng khi mẹ cậu đóng tiền bảo lãnh Rp 200.000 Rp, người thanh niên này đã không còn phải ngồi tù. Ngay sau khi được thả, Nurdiansyah lại xuống đường vẫy xe. Hay Agas, năm nay 20 tuổi với “thâm niên” 7 năm trong việc “ngồi thuê” nói rằng anh mới chỉ bị phạt 1 lần. Anh này thừa nhận đây chỉ là việc kiếm thêm: “Thực sự tôi là dân văn phòng nhưng làm jockey không phải là điều xấu. Tôi có thể kiếm được 50.000 Rp mỗi ngày nếu may mắn”, Agas nói. 

Với người khác như Popon, người mẹ của 5 đứa con, “ngồi thuê” là thu nhập chính. Đó là công việc duy nhất chị có thể làm sau khi đã làm giúp việc cho gia đình khác nhưng không thể chịu nổi cách cư xử của người chủ. “Làm người giúp việc khó khăn và cũng mệt mỏi, trong khi làm jockey dễ dàng và đơn giản hơn. Lương có thể đủ sống qua ngày”.