"Sóng ngầm" khai thác cát trái phép (2): Xốc lại trách nhiệm cơ quan cấp phép nạo vét đường thủy

ANTD.VN - Một cán bộ Phòng Cảnh sát Môi trường - Công an Hà Nội nhìn nhận, trong hoạt động khai thác tài nguyên, việc được cấp phép có thể coi là “bùa hộ mệnh” đối với doanh nghiệp. 

Để “ra” được một giấy phép khai thác, nạo vét tận thu tài nguyên trên các tuyến sông là cả một quá trình không hề đơn giản đối với các tổ chức, cá nhân. Song ngược với quy trình đánh giá, kiểm soát có vẻ ngặt nghèo ấy, trách nhiệm của cơ quan chức năng trong việc kiểm soát, đảm bảo không để doanh nghiệp vi phạm giấy phép được cấp, lại hết sức lỏng lẻo.

"Sóng ngầm" khai thác cát trái phép (2): Xốc lại trách nhiệm cơ quan cấp phép nạo vét đường thủy ảnh 1Công tác xử lý “cát tặc” của lực lượng Công an chứa đựng sự phức tạp, nguy hiểm

Tung Cảnh sát cơ động vào cuộc

Nhiều tháng nay, thực hiện chỉ đạo của Giám đốc CATP Hà Nội, cùng với Cảnh sát môi trường, Cảnh sát đường thủy, lực lượng Cảnh sát cơ động cũng đã vào cuộc, khi triển khai những trận đánh lớn tại những khu vực phức tạp về nạn khai thác cát trái phép trên các tuyến sông.

Thượng tá Phùng Quang Hiển - Phó trưởng Phòng Cảnh sát Môi trường cho biết, tháng 5-2016, CATP triển khai Kế hoạch số 120, yêu cầu điều tra cơ bản, xác định rõ và có những giải pháp cụ thể đối với những điểm, tụ điểm có biểu hiện khai thác cát trái phép, sai phép trên 160km tuyến sông Hồng, sông Đuống.

Thời điểm ấy, từ Ba Vì về Phú Xuyên, có 12 tổ chức pháp nhân được cấp có thẩm quyền cấp phép nạo vét tận thu, khai thác cát. Bên cạnh đó là 19 pháp nhân hoạt động khai thác cát ở những địa bàn giáp ranh Hà Nội như Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Phú Thọ. Đáng lo ngại là có gần 100 điểm, tụ điểm có biểu hiện khai thác cát trái phép. 

Thượng tá Phùng Quang Hiển chia sẻ: “Tuyên chiến với “cát tặc”, các lực lượng chức năng quán triệt rõ nguyên tắc: phát huy tin báo, phản ánh tố giác của người dân; sự vào cuộc đồng bộ của các lực lượng chức năng và phòng tài nguyên môi trường quận, huyện và ý thức trách nhiệm của cán bộ chiến sỹ trong việc phòng ngừa, đấu tranh”.

Từ kết quả điều tra cơ bản, Phòng Cảnh sát môi trường đã trao đổi, thông báo đến Phòng Cảnh sát đường thủy và các địa bàn để xây dựng kế hoạch kiểm soát, phòng ngừa vi phạm. Riêng lực lượng Cảnh sát môi trường, ban chỉ huy Phòng xác định với trinh sát địa bàn, hàng tuần phải có báo cáo về biến động, thực trạng nạo vét, khai thác cát ở khu vực được phân công theo dõi, quản lý, từ đó đề xuất biện pháp xử lý.

Đồng loạt các biện pháp trinh sát, xử lý vi phạm và kiến nghị phòng ngừa; trong gần 1 năm qua, hơn 170 vụ việc vi phạm khai thác cát đã bị Công an Hà Nội phát hiện và đề xuất cấp có thẩm quyền xử phạt hành chính số tiền hơn 3 tỷ đồng. Từ 12 tổ chức pháp nhân được cấp có thẩm quyền cấp phép nạo vét tận thu, khai thác cát, hiện đã giảm còn 6, do không đáp ứng yêu cầu hoặc bị phát hiện vi phạm trong quá trình khai thác, nạo vét tận thu tài nguyên. Một tín hiệu tích cực khác là số điểm, tụ điểm có dấu hiệu khai thác cát trái phép, giảm 1/3 so với thời điểm Kế hoạch 120 của CATP được triển khai.

Cấp phép rồi… buông(?!)

Theo quy định, hiện nay có 3 đơn vị có thẩm quyền cấp phép liên quan đến khai thác cát, sỏi, gồm Bộ Tài nguyên và Môi trường (cấp giấy phép cho những đơn vị khai thác mỏ có trữ lượng lớn); UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (cấp giấy phép các mỏ) và Bộ Giao thông vận tải (cấp phép nạo vét, khơi thông luồng đường thủy nội địa và luồng hàng hải). 

Về nguyên tắc, cơ quan nào cấp phép sẽ phải có trách nhiệm quản lý, theo dõi việc chấp hành giấy phép của pháp nhân được cấp. Nhưng thực tế, việc giám sát hoạt động này sau cấp phép thời gian qua chưa được quan tâm đúng mức, thiếu quyết liệt, thậm chí bị buông lỏng.

Công tác phát hiện, đấu tranh, xử lý chủ yếu vẫn là lực lượng Công an. Tuy nhiên, việc xử lý sao cho triệt để, tạo sức răn đe lại không hề đơn giản. Để cấu thành tội danh theo điều 172 - BLHS, ngoài chứng minh tội phạm gây thiệt hại về vật chất do hành vi khai thác, nạo vét tài nguyên gây ra, cơ quan chức năng còn phải chứng minh được những thiệt hại phi vật chất (như ảnh hưởng, tác động đến dòng chảy, đê điều, cuộc sống người dân…).

Nói như vậy để thấy rằng, nếu cơ quan cấp phép tiếp tục buông lỏng như hiện nay, thì công tác xử lý của lực lượng Công an, rõ ràng đang chỉ làm ở phần ngọn. Dẫn chứng từ vụ việc Công ty Anh Tùng, mặc dù công ty này được cấp phép duy tu luồng đường thủy quốc gia, tận thu sản phẩm từ ngày 11-4-2015, nhưng trước đó 3 tháng, cát sông Hồng đã bị công ty này hút ầm ầm mà cơ quan chức năng cấp phép không phát hiện ra(?!). 

Hay trường hợp Công ty Quảng Tây được phép khai thác theo phương pháp lộ thiên (dùng máy xúc) nhưng doanh nghiệp đã “mạnh dạn” huy động 4 tàu cuốc khai thác suốt ngày đêm nhưng cũng không cơ quan nào giám sát, phát hiện.

Một vấn đề khác, là việc đánh giá trữ lượng, giá trị cát cũng đang rất “có vấn đề”. Xu hướng là theo giấy phép được cấp thì trữ lượng các đơn vị được khai thác thường thấp hơn rất nhiều so với thực tế họ đã khai thác. Như Công ty Anh Tùng, theo giấy phép được khai thác hơn 124.000m3 trong 2 năm, nhưng chỉ trong chưa đầy 3 tháng, lực lượng Công an làm rõ công ty này khai thác hơn 820.000m3, gấp hơn 6 lần so với giấy phép. Hay Công ty Quảng Tây, được phép khai thác hơn 125.000m3/năm trong 8 năm, nhưng nếu tính công suất tối đa 4 tàu cuốc thì chỉ trong chưa đầy 10 ngày, lượng cát sẽ vượt quá số lượng được phép khai thác trong 1 năm. 

Điều gì sẽ xảy ra nếu thời gian hoạt động nạo vét, khai thác cát vô tội vạ được doanh núp dưới vỏ bọc “được cấp phép”? Không chỉ lợi nhuận siêu khủng sẽ chảy vào túi ai đó, mà nguy hại hơn là hậu quả tàn phá không thể đo đếm đối với môi trường. Bởi vậy, ngay từ bây giờ chúng ta cần xác định và xốc lại trách nhiệm của những cơ quan đã cấp phép.