Sóng ngầm cá độ trong quán cà phê bóng đá

ANTĐ - Những ngày này, các sân cỏ nước Pháp sôi động bao nhiêu, thì tại những quán cà phê bóng đá ở Hà Nội cũng sục sôi không kém. Chỉ có điều, tại những quán này, ngoài những người có niềm đam mê thật sự với môn thể thao “vua”, thì cũng có không ít người đến đây để mong đợi điều “may mắn” trong những cuộc cá độ bóng đá. 

Sóng ngầm cá độ trong quán cà phê bóng đá ảnh 1Những quán cà phê thường trở thành nơi tụ tập cá độ mùa bóng đá

Những con bạc khát nước

19h30 ngày 13-6, tại một quán cà phê bóng đá trên phố Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, khi trái bóng chuẩn bị lăn trong cuộc tranh tài giữa Tây Ban Nha và CH Czech, không khí bắt đầu nóng hừng hực bởi những phân tích, nhận định, dự đoán “kèo cột”, tỷ lệ châu Á, châu Âu… của dân cá độ.

Anh Trần Anh Minh, nhà ở quận Tây Hồ, Hà Nội, ngồi bàn bên cạnh chúng tôi phân tích theo cách của “chuyên gia bóng đá”: “Tây Ban Nha bước vào mùa EURO năm nay với tư cách đương kim vô địch, tuy nhiên, so với 2 kỳ tham dự lần trước đã có những nghi ngờ về sức mạnh của đội bóng xứ bò tót…Mặc dù vậy, trận hôm nay đương nhiên vẫn phải “bắt” Tây Ban Nha”. Để “bắt độ” đội bóng này, Minh đã hướng dẫn một số người xung quanh cách chơi như: Khách “ra vào” tham gia đặt cược ra sao?, Tiền chênh thế nào?… Kết thúc trận đấu, chúng tôi thấy rõ sự đối lập thể hiện niềm vui, nỗi buồn của từng vị khách. Người phấn khởi vì đã “thắng độ”, kẻ buông câu chửi tục tĩu vì gặp “vận đen”.

Để tìm hiểu thêm về cá độ bóng đá, chúng tôi đã gặp ông Trần Đình Chiến, trú tại phố Đội Cấn, quận Ba Đình, Hà Nội, một “dân chơi” nổi tiếng đất Hà thành. Có mùa bóng ông Chiến đã thắng cá độ hàng chục tỷ đồng, tuy nhiên, sau một thời gian gặp “vận đen” đến giờ ông Chiến là “con nợ” lẩn trốn khắp nơi. Ông Chiến cho biết, dân cá độ bóng đá bây giờ thường tìm đến các quán cà phê bóng đá để tiện theo dõi và giao dịch các cuộc “độ”.

Để phục vụ cho hơn một tháng hè với những trận đấu nảy lửa diễn ra trên nước Pháp, thì trước đó cả tháng đã có vô số những website uy tín, có đội ngũ “chăm sóc khách hàng” cực kỳ chuyên nghiệp ra đời để khuyến khích khách chơi. Trên các trang mạng “cá độ” thường xuyên mời gọi, quảng cáo, hướng dẫn tỉ mỉ cách đăng ký, nạp tiền, cách chơi… Còn những ông trùm “cá độ” thì không thích lộ mặt, nên các “nhà cái” nhỏ thường không biết họ là ai. 

Nạn “cá độ” bóng đá đã làm cho những cái đầu đam mê bóng đá nhanh chóng trở thành “con bạc” khát nước. Trường hợp như ông Chiến không hiếm, bởi thực tế cho thấy sau mỗi mùa bóng đá thì các hiệu cầm đồ và dân buôn bán bất động sản thường giao bán, đấu giá những khối tài sản khổng lồ do việc thua cá độ.

Ông Chiến cũng cho biết cùng với nạn “cá độ” bóng đá, tín dụng “đen” luôn nở rộ song hành mùa bóng đá. Bởi lẽ, chủ tín dụng “đen” nắm bắt được “cơn khát” của những kẻ ham “đỏ - đen” trong từng trận bóng nên thỏa sức “chặt chém”, tăng lãi suất. Thời điểm tiếng còi khai cuộc EURO 2016 cất lên, cũng là lúc các “nhà cái”, các chủ đường dây “cá độ” bóng đá vận hành. Cơn “sóng ngầm” mang tên “cá độ” bóng đá rộ trên các trang mạng cá cược như bong.88, keonhacai.com, 188.Bet… đang trở thành cạm bẫy khiến nhiều gia đình kiệt quệ, xã hội bức xúc.

Kịp thời đấu tranh

Về vấn đề này, Đại tá Lê Văn Tam - Trưởng phòng Phòng ngừa, đấu tranh chống tệ nạn xã hội, Cục Cảnh sát hình sự (CSHS), Bộ Công an cho biết: “Trước khi EURO 2016 diễn ra, lực lượng CSHS đã gọi hỏi, răn đe những người có tiền án, tiền sự từng tham gia cá độ bóng đá, đồng thời phối hợp với với các lực lượng Interpol, Aseanpol và các nhà mạng chặn, khóa các trang mạng “cá cược”, theo dõi nghi phạm nước ngoài cấu kết với người Việt mở đường dây cá độ”. 

Cũng theo lãnh đạo Cục CSHS, qua các chuyên án “cá độ” bóng đá vừa được khám phá cho thấy, người cầm đầu đường dây “cá độ” ở Việt Nam thường lợi dụng công nghệ cao để hoạt động. Các đối tượng đặt máy chủ ở nước ngoài, sau đó lập các tài khoản từ lớn đến nhỏ theo hình thức quản trị mạng và thuê người trong nước điều hành. Khi thanh toán tiền, tội phạm “cá độ” hay sử dụng chứng minh nhân dân giả để mở tài khoản ngân hàng; nhận tiền từ “con bạc”, hoặc nhanh chóng rút tiền tại cây ATM hoặc chuyển vào tài khoản người quản lý cao hơn, để đổi ngoại tệ mang ra nước ngoài.

Đây là loại tội phạm ẩn, có vỏ bọc tinh vi. Để xử lý, ngoài chứng cứ vật chất (tiền, thiết bị, máy móc) bằng biện pháp trinh sát và kỹ thuật nghiệp vụ, cơ quan công an có thể thu thập, chuyển hóa chứng cứ điện tử thành bằng chứng xác định hành vi phạm tội của người tổ chức “cá độ” bóng đá hoặc “con bạc” tham gia đánh bạc dưới hình thức này. 

“Nhớ lại mùa World Cup 2014, lực lượng CSHS đã làm rõ, xử lý 3.700 trường hợp, trong đó chủ yếu là người tham gia “cá độ” qua mạng ineternet. Trong số này có cả cán bộ công chức, học sinh, sinh viên… Cá biệt, có trường hợp cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp vừa cá độ, vừa nhận trang mạng cá độ từ nước ngoài về tự tổ chức nhận kèo để hưởng hoa hồng”, Đại tá Lê Văn Tam chia sẻ.

Đại tá Lê Văn Tam cũng cho biết, theo quy định, người có hành vi tổ chức “cá độ” bóng đá qua mạng internet để hưởng lợi bất chính bằng tiền, hoặc hiện vật, phạm vào tội tổ chức đánh bạc được quy định tại điều 249 - Bộ luật Hình sự năm 1999 (từ 1-7-2016 quy định tại Điều 322 - Bộ luật Hình sự) có mức hình phạt cao nhất đến 10 năm tù.

Người tham gia “cá độ” bóng đá trên mạng để ăn tiền với mức cược từ 2 triệu đồng trở lên, phạm tội đánh bạc được quy định tại Điều 248 - Bộ luật Hình sự năm 1999. Từ 1-7-2016, mức cược từ 5 triệu đồng trở lên phạm vào tội đánh bạc, quy định tại Điều 321 - Bộ luật Hình sự năm 2015, có mức hình phạt cao nhất là 7 năm tù.